Doanh nghiệp BĐS: Tầm nhìn trong gian khó

Doanh nghiệp BĐS: Tầm nhìn trong gian khó

(ĐTCK-online) Những khó khăn về thị trường, vốn đầu tư… không loại trừ bất cứ một DN bất động sản nào. Tuy nhiên, với vị thế là những đơn vị có tiềm lực mạnh, kinh nghiệm hoạt động lâu năm trên thị trường, lãnh đạo các DN bất động sản lớn cho biết, họ đã dự liệu và tìm ra những cơ hội để vượt qua thách thức trước mắt.

 >> Thị trường BĐS: Tìm cơ hội trong khó khăn 

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Vinaconex

Doanh nghiệp BĐS: Tầm nhìn trong gian khó ảnh 1

Trong bối cảnh hiện nay, Tổng công ty cùng với các đơn vị thành viên đã tập trung rà soát từng dự án đầu tư. Năm 2011, số lượng dự án điều chỉnh tiến độ sau rà soát toàn Tổng công ty là 72/134 dự án, tổng giá trị đầu tư cắt giảm là 1.206,5 tỷ đồng. Trong đó, số lượng dự án điều chỉnh tiến độ của công ty mẹ là 7/24 dự án, tổng giá trị đầu tư  cắt giảm là 1.068,5 tỷ đồng. Với các dự án đã và đang triển khai đầu tư, Tổng công ty tập trung năng lực thi công, tiền vốn thực hiện trên tinh thần giảm thiểu tối đa chi phí, rút ngắn tiến độ đầu tư, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và an toàn lao động. Đối với các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tập trung giải quyết các thủ tục đầu tư, các thủ tục về quyền sử dụng đất, đảm bảo nhanh gọn với chi phí thấp nhất có thể. Yêu cầu quan trọng với các nhà điều hành là kiểm soát chặt chẽ dòng tiền đối với các dự án đầu tư, giám sát chặt quá trình thực hiện dự án.

Tổng công ty cũng tận dụng đối đa lợi thế từ mô hình công ty mẹ - con để trợ lực lẫn nhau, chẳng hạn có những dự án lớn, công trình trọng điểm quốc gia có dấu hiệu chậm tiến độ, phải huy động nguồn lực từ các đơn vị thành viên để kịp về đích; có DN khó khăn về vốn, dòng tiền chưa về kịp, công ty mẹ phải hỗ trợ không để sản phẩm xây dựng chưa hoàn thiện, dở dang.

Nhiều cổ đông nói với chúng tôi, ở thời điểm này nên rút đầu tư hoặc chỉ đầu tư vào những dự án bất động sản sinh lời cao, nhưng chúng tôi cho rằng, DN hoạt động trong giai đoạn khó khăn này cần có trách nhiệm xã hội rất lớn. Đứng sau Vinaconex là 4,3 vạn lao động, lo cho người lao động đủ công ăn việc làm là điều quan trọng, vì thế lợi nhuận tính bằng tiền không phải là mục tiêu duy nhất.

 

Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm

Doanh nghiệp BĐS: Tầm nhìn trong gian khó ảnh 2

Năm 2011, Công ty dự kiến bán trên 30.000 m2 nhà biệt thự dự án Khu đô thị Bắc 32 và năm 2012 dự kiến bán tiếp 30.000 m2 với khoảng 300 căn biệt thự liền kề. Để khách hàng có kế hoạch tài chính ổn định, từ năm 2010 trong các hợp đồng bán nhà của Công ty có chốt giá thành xây dựng biệt thự luôn, chứ không để ngỏ việc điều chỉnh giá theo diễn biến thị trường như nhiều DN khác.

Trong bối cảnh giá nguyên vật liệu trên thị trường xây dựng biến động mỗi năm ít cũng thêm 20%, năm 2011 có thể tới 30%, Công ty chủ trương chuẩn bị vật tư thật sớm để hạn chế tối đa biến động giá. Chúng tôi thực hiện được việc này vì hạ tầng khu đô thị đã hoàn thiện, cho phép Công ty thu 100% tiền đất  một lần ngay từ đầu khi khách hàng ký hợp đồng. Bên cạnh đó, các bộ phận đều được yêu cầu tổ chức sản xuất thật tốt, để tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí. Công ty tạm thời không sử dụng vốn vay ngân hàng trong giai đoạn này.

 

Ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam

Doanh nghiệp BĐS: Tầm nhìn trong gian khó ảnh 3

Để thích ứng với hoàn cảnh kinh tế và chủ trương của Chính phủ, chúng tôi đã tiến hành phân tích, đánh giá hiệu quả, mức độ quan trọng của từng dự án để tạm dừng, giãn tiến độ, có kế hoạch đầu tư hợp lý, tránh đầu tư dàn trải. Tổng công ty đang tập trung cho những dự án trọng điểm, dự án có tính thanh khoản cao, thời gian thu hồi vốn nhanh như Khu đô thị Dầu khí Hoài Đức - Hà Nội, Trung tâm thương mại và tháp Dầu khí Việt Nam, Khu công nghiệp Dầu khí Soài Rạp - Tiền Giang… Với mỗi dự án, Ban lãnh đạo Tổng công ty đều yêu cầu nghiên cứu áp dụng các công nghệ quản lý dự án, quản lý sản xuất tiên tiến, có hiệu suất cao để tiết giảm chi phí.

Hoạt động với quy mô lớn, Tổng công ty đang quyết liệt đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc theo hướng chuyên sâu, tập trung theo vùng miền, phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị. PVC đã hoàn tất kế hoạch xây dựng lực lượng chủ chốt gồm 16 công ty con và thu gọn đầu mối đơn vị liên kết, thực hiện thoái vốn tại các đơn vị kém hiệu quả và thu hồi vốn, lợi nhuận về cho Tổng công ty, đồng thời cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư tài chính.