Ảnh Internet

Ảnh Internet

Doanh nghiệp bức xúc trước quan điểm thu phí của Hải Phòng

(ĐTCK) Mặc dù Uỷ ban Nhân dân TP. Hải Phòng đã có Công văn lý giải về những căn cứ thu phí  cảng biển và mới đây 4 cơ quan Bộ ngành cũng đã lên tiếng cho rằng việc ban hành quyết định thu phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng là hợp pháp, đúng thẩm quyền, song nhiều doanh nghiệp và chuyên gia vẫn khẳng định, việc thu phí này là một bước lùi của địa phương, đi ngược lại tinh thần kiến tạo, vì doanh nghiệp phục vụ mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.

Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF)

Luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu, khi ban hành chính sách phải căn cứ vào thực tiễn, tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự điều chỉnh của văn bản và phải phù hợp với chủ trương của Nhà nước, đúng quy định của các luật hiện hành. Tuy nhiên, việc thực hiện các trình tự này của Hải Phòng hầu như không tôn trọng các quy định của Luật.

Hải Phòng nói rằng họ có tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc và lấy ý kiến của doanh nghiệp và người dân, song theo khẳng định của các doanh nghiệp, đó chỉ là một cuộc họp ngắn phổ biến sơ bộ về đề án thu phí và việc ban hành quy định, đối tượng lấy ý kiến không trực tiếp chịu tác động của chính sách sau khi ban hành, do đó, chỉ mang tính hình thức.

Ngoài ra, Hải Phòng khẳng định đề án thu phí được công bố trên các phương tiện truyền thông để thông tin, song thực tế lại không thực hiện đúng quy định luật pháp là Nghị quyết ban hành về việc thu phí phải được công bố trước 30 ngày trên mạng theo quy định.

Chưa kể, mức phí ban hành phải căn cứ vào mức phí thực, trên cơ sở chi phí để cấu thành mức phí. Khi ban hành mức phí này, Hải Phòng không chứng minh được những loại phí nào phát sinh khiến Thành phố phải thu phí để bù đắp các chi phí. Hơn nữa, Nghị quyết 148 của Hải Phòng vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử được nêu trong Pháp lệnh năm 2000 của Quốc hội và trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. 

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Chiểu theo Nghị định 120 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí có yêu cầu, các bước lập để ra quy định thu phí là: phương thức cung cấp dịch vụ, căn cứ xây dựng mức thu; dự kiến mức thu; đối tượng chịu thuế, miễn, giảm; đánh giá khả năng đóng góp… thì Nghị quyết 148 của HĐND thành phố Hải Phòng là có căn cứ.

Tuy nhiên, văn bản của Hải Phòng không phù hợp với Chỉ thị 14/CT-TTg vì theo chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu không ban hành văn bản đối với các khoản phí, lệ phí có tên trong danh mục phí và lệ phí, nhưng chưa thấy cần thiết và chưa đủ điều kiện thu.

Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt may đã và đang tiếp tục liệt kê các loại phí phải chịu và theo ước tính sơ bộ ban đầu, năm 2017, với phí phát sinh này của Hải Phòng, trung bình, doanh nghiệp sẽ mất thêm khoảng 300 - 400 triệu đồng tiền phí, tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Không chỉ có vậy, việc gia tăng chi phí sẽ làm cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam vốn đang thua kém rất nhiều so với các nước trong khu vực càng tụt lùi về năng lực cạnh tranh.  

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM:

Nghị quyết 148 của Hải Phòng đang đi ngược với những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Một số yêu cầu của Nghị quyết này còn trái với quy định hiện hành về thủ tục hải quan, chồng chéo với nhiều loại phí khác mà doanh nghiệp đang phải trả như phí nâng hạ container, xếp dỡ, lưu kho, bảo trì đường bộ, cầu đường…

Những vấn đề trên cho thấy sự tuỳ tiện trong việc ra quyết định của Hải Phòng, chỉ xét tới lợi ích của ngân sách địa phương, bỏ qua lợi ích của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tương, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics

 Dịch vụ logictics ở Việt Nam đang bị đánh giá có chi phí cao, thời gian lâu và nếu mức phí tăng này của Hải Phòng được bảo vệ và duy trì thì sẽ gây tác động tiêu cực tới quá trình giao nhận hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Do đó, chính sách thu phí của Hải Phòng không chỉ gây bức xúc cho các doanh nghiệp trong nước mà đặc biệt là các doanh nghiệp FDI vốn đang chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Không chỉ có vậy, chính sách tăng thu phí của Hải Phòng đi ngược lại chủ trương của Chính phủ tại 3 Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với yêu cầu quan trọng là cải cách hành chính.

Nếu quyết dịnh thu phí này vẫn được các cơ quan nhà nước khẳng định là đúng và bảo vệ để duy trì thành hợp pháp thì sẽ tạo ra tiền lệ đáng ngại cho các địa phương tăng thu phí, ảnh hướng xấu tới môi trường kinh doanh và chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện. 

Tin bài liên quan