Bức tranh kinh doanh của ngành cao su ghi nhận sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận trong nửa đầu năm.

Bức tranh kinh doanh của ngành cao su ghi nhận sự sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận trong nửa đầu năm.

Doanh nghiệp cao su: PHR báo lãi lớn, DRC, DPR, RTB sụt giảm sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp ngành cao su đã công bố kết quả kinh doanh quý II với bức tranh đối lập. Sức cầu tiêu thụ giảm vẫn là câu chuyện mà ngành này đang đối mặt trong 6 tháng đầu năm

Doanh nghiệp cao su tự nhiên vẫn trông chờ vào thu nhập khác

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Công ty cổ phần cao su Phước Hòa (mã chứng khoán PHR), trong kỳ, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 201 tỷ đồng, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 127,4 tỷ đồng, tăng hơn 128,23% so với con số 55,8 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cho biết, lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh chủ yếu do Công ty có ghi nhận doanh thu 74,8 tỷ đồng doanh thu thanh lý cây cao su. Bên cạnh đó, Công ty ghi nhận thêm 15,8 tỷ đồng tiền cổ tức đợt 2 từ Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.

Lũy kế 6 tháng , PHR ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 527 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 360 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ.

Tính đến hết ngày 30/6/2023, tại báo cáo tài chính hợp nhất, PHR có tổng nguồn vốn là 5.988 tỷ đồng, nợ phải trả là 2.484 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn là hơn 2.758 tỷ đồng trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền của PHR là 185 tỷ đồng, hàng tồn kho là 247 tỷ đồng.

Trong khi đó đó, trong quý II/2023, Công ty cổ phần cao su Tân Biên (mã chứng khoán RTB) báo doanh thu đạt 221 tỷ đồng, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 45,3 tỷ đồng, giảm 18,89% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý II/2023 công ty cho biết, trong kỳ công ty có thu nhập khác giảm hơn so với cùng kỳ trên 10 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm hơn 10 tỷ đồng, tức giảm 18,89%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Công ty đạt 260 tỷ đồng doanh thu, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 8%, đạt 101,9 tỷ đồng, do kết quả tích cực trong quý I/2023.

Tính đến cuối quý II/2023, tổng tài sản của Công ty đạt 1.473 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 242 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng tài sản, phần lớn là các khoản nợ ngắn hạn.

Cao su Tân Biên có diện tích vườn cây cao su khai thác là 2.146,52 ha, đa số diện tích vườn cây của Công ty đang trong giai đoạn già cỗi.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, nhưng 5 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu tiêu thụ cao su, dịch vụ đạt 172,5 tỷ đồng, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp về sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm đạt 86,1 tỷ đồng, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Công ty mới hoàn thành được hơn 21% kế hoạch về doanh thu và hơn 31,3 % kế hoạch về lợi nhuận gộp cả năm (năm 2023 DPR đặt kế hoạch doanh thu tiêu thụ cao su đạt 819,6 tỷ đồng và mục tiêu lợi nhuận gộp đạt 275 tỷ đồng).

Năm 2023, DPR đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 819,6 tỷ đồng (giảm 3,9% so với thực hiện năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 275 tỷ đồng (cao hơn 10% so với thực hiện của năm ngoái). Lãnh đạo công ty cho biết, tổng doanh thu của công ty từ ba nguồn chính gồm doanh thu sản xuất và kinh doanh cao su, doanh thu hoạt động tài chính và doanh thu khác.

Năm 2023 công ty có 5.367 ha diện tích vườn cây cao su khai thác, tuy nhiên do hiện nay công ty bị thiếu lao động do không tuyển thêm được nên công ty chỉ có thể tổ chức khai thác được 4.893 ha, tương ứng với mức sản lượng 9.528 tấn, diện tích còn lại là 474,07 ha cao su chuẩn bị thanh lý, công ty tổ chức đấu giá nhượng quyền khai thác cho cá nhân và tổ chức bên ngoài để thu tiền về.

Chi phí tăng kéo lùi lợi nhuận cao su săm lốp

Trong khi các doanh nghiệp cao su tự nhiên dựa các khoản thu nhập khác như bán cây cao su, từ tiền bồi thường thu hồi đất, từ lợi nhuận chia từ công ty con, công ty liên kết, thì các công ty cao su săm lốp lại gặp khó do giá nguyên vật liệu tăng, trong khi sức tiêu thụ chưa cải thiện.

Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng (mã chứng khoán DRC) vừa công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2023 với doanh thu đạt 1.199 tỷ đồng đi ngang so với kết quả đạt được của năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng tăng 7,7% dẫn đến lợi nhuận gộp về bán hàng của công ty giảm 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái còn 145,3 tỷ đồng. Trong kỳ công ty ghi nhận chi phí lãi vay tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,7 tỷ đồng (cùng kỳ là 3,9 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 1 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty trong quý II là 62,8 tỷ đồng, giảm 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý II đạt 50,9 tỷ đồng, giảm 32,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng mức giảm 39%.

Lý giải đà sụt giảm mạnh này, cao su Đà Nẵng cho biết, do sức tiêu thụ của thị trường nội địa vẫn chưa phục hồi, tỷ trọng xuất khẩu trong tổng doanh thu tăng so với năm ngoái ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của Công ty.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.350 tỷ đồng, giảm 7,8% so với kết quả đạt được của cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay đạt 76,3 tỷ đồng, giảm gần 49% so với con số đạt được của năm ngoái là 149,9 tỷ đồng.

Năm 2023, Cao su Đà Nẵng đặt kế hoạch doanh thu đạt 5.060 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 264 tỷ đồng (giảm 14% so với thực hiện năm ngoái).

Với kế hoạch này, sau 6 tháng đầu năm, Cao su Đà Nẵng đã hoàn thành được 46,4% kế hoạch doanh thu cả năm, nhưng chỉ hoàn thành được 28,9% kế hoạch về lợi nhuận sau thuế. Khoảng cách về đích đối với DRC còn ở khá xa.

Tính đến hết ngày 30/6/2023, Cao su Đà Nẵng có tổng tài sản là 3.124 tỷ đồng, giảm nhẹ 8,5% so với hồi đầu năm. Nợ phải trả của công ty là 1.383 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với 1.381 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của công ty tính đến hết 30/6/2023 là 1.286 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tiền là 152 tỷ đồng, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 171 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn là 440 tỷ đồng. Tổng tài sản ngắn hạn của DRC tính đến hết 30/6 là 2.148 tỷ đồng trong đó một nửa là hàng tồn kho. Vốn chủ sở hữu của DRC đến 30/6 đạt 1.740 tỷ đồng, giảm 8,8% so với con số hồi đầu năm.

Tại Công ty cổ phần cao su Miền Nam (CSM) hiện chưa có báo cáo tài chính quý II/2023, nhưng trong quý I/2023 công ty ghi nhận doanh thu đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.293 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 12,97% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7 tỷ đồng (quý I năm ngoái đạt 8,1 tỷ đồng).

Nguyên nhân chính của việc lợi nhuận sụt giảm do giá nguyên liệu đầu vào tăng đẩy giá vốn tăng cao và chi phí tài chính tăng do chi phí lãi vay tăng.

Tin bài liên quan