Doanh nghiệp châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Scope ở châu Âu đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Đức nói riêng năm 2022 từ 4,4% xuống 3,5%, do tình trạng xung đột ở Ukraine làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung.
Nhiều hãng xe của Đức như Volkswagen, BMW... cho biết đã cắt giảm sản lượng vì thiếu nguồn cung từ khu vực xung đột. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Nhiều hãng xe của Đức như Volkswagen, BMW... cho biết đã cắt giảm sản lượng vì thiếu nguồn cung từ khu vực xung đột. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Các doanh nghiệp châu Âu ngày 9/3 cho biết họ đang gặp thêm nhiều khó khăn hơn trong vấn đề chuỗi cung ứng vốn đã chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Họ cảnh báo cuộc xung đột ở Ukraine đang làm gia tăng tình trạng thiếu hụt các linh, phụ kiện quan trọng phục vụ hoạt động sản xuất.

Những khó khăn mới đặt ra thêm thách thức cho quá trình phục hồi kinh tế ở châu Âu, cũng như gây nguy cơ kéo dài tình trạng tắc nghẽn đang xảy ra mà ở một số lĩnh vực khó có thể giải quyết được cho đến tận năm sau.

Các nhà sản xuất ôtô của Đức như Porsche, Volkswagen, BMW và hãng chế tạo xe tải MAN cho biết đã cắt giảm sản lượng vì thiếu nguồn cung từ khu vực xung đột.

Nhà sản xuất phụ tùng ôtô Continental của Đức ngày 9/3 cũng cho biết đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất tại một nhà máy ở Nga vốn đang phải tạm ngừng hoạt động sang một nơi khác.

Theo Continental, trong trường hợp vấn đề địa chính trị, đặc biệt là ở Đông Âu, vẫn tiếp tục căng thẳng hoặc trầm trọng hơn nữa có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài đối với hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng và nhu cầu.

Tuần trước, hãng sản xuất lốp xe Michelin của Pháp cũng đã phải tạm ngừng hoạt động sản xuất tại một số nhà máy ở châu Âu vì gặp các vấn đề về logistic. Tại Cộng hòa Séc, hơn 20% công ty trong lĩnh vực ôtô đang phải giải quyết những trở ngại liên quan đến vấn đề về logistics vì thiếu các linh kiện, phụ tùng.

Trong khi đó, do xung đột, Ukraine đã phải đóng cửa các nhà sản xuất bộ dây điện dùng trong sản xuất ôtô, một bộ phận quan trọng mà mỗi xe ôtô cần đến trung bình 5km dây này.

Do nguồn cung thiếu hụt, cũng như nickel, giá các mặt hàng kim loại được sử dụng trong sản xuất ô tô, từ nhôm để chế tạo thân xe đến paladi trong bộ lọc khí thải ôtô, cũng tăng vọt.

Nhiều lĩnh vực khác cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc xung đột ở Ukraine như nhà sản xuất vòng bi Schaeffler của Đức, chuỗi cửa hàng Clas Ohlson ở Thụy Điển.

Thậm chí, giới chức trong lĩnh vực vận tải Đức còn cho biết xung đột đang gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng lái xe do nhiều tài xế là người Ukraine. Theo thống kê, ít nhất 7% lái xe tải ở Đức là đến từ Ukraine.

Trước những khó khăn trên, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Scope ở châu Âu đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Đức năm 2022 từ 4,4% xuống 3,5% do tình trạng xung đột ở Ukraine làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện nay và sức ép lạm phát./.

Tin bài liên quan