Doanh nghiệp dầu khí nào thực sự được hưởng lợi từ giá dầu?

Doanh nghiệp dầu khí nào thực sự được hưởng lợi từ giá dầu?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dầu khí là một trong những nhóm vẫn duy trì được “nhiệt” giữa bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động. Điều này đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư: giá dầu tăng hay duy trì ở mức cao, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Điều này liệu có đúng?

Cổ phiếu dầu khí là nhóm cực nhạy với diễn biến giá dầu thế giới. Nhìn trên thị trường, không khó để nhận thấy cổ phiếu dầu khí đã duy trì được “nhiệt” trong suốt giai đoạn biến động vừa qua. Điều này có mối tương quan chặt chẽ với diễn biến giá dầu thế giới hiện vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi.

Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 10 với chủ đề: Cơ hội hồi phục và ẩn số vàng đen, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI khẳng định, giá dầu lên chắc chắn sẽ tác động trái chiều với các doanh nghiệp khác nhau, cụ thể là 3 nhóm: upstream, midstream và downstream.

Bà Phương đánh giá, các doanh nghiệp dầu khí midstream có khả năng được hưởng lợi cao nhất và chắc chắn có triển vọng lợi nhuận tốt hơn hai nhóm còn lại. Còn với upstream và downstream, có thể nói giá dầu có tác động dây chuyền và đầu vào của nguyên liệu rất quan trọng. Chính vì vậy, chi phí vận hành mang tính dây chuyền khác nhau, đẩy lên và làm cho tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy bị ảnh hưởng theo hướng bị giảm xuống.

Nhóm midstream như GAS, BSR có mức tương quan tốt nhất và ngay lập tức với giá dầu, vì liên quan đến hàng tồn kho và giá doanh nghiệp bán ra cho người mua. Với nhóm downstream, bức tranh có thể hơi xáo trộn một chút, nhưng nhìn chung vẫn có thể hưởng lợi nếu giá dầu không quá biến động. Khi mà giá hàng hóa biến động quá lớn dẫn đến giá vốn của hàng tồn kho chênh lệch với giá thị trường và ảnh hưởng đến doanh nghiệp, không nhất thiết khi nào giá dầu tăng thì doanh nghiệp dầu khí cũng được hưởng lợi từ xu hướng đấy.

Với các doanh nghiệp upstream, thực tế, PVD, PVS lại không có mối tương quan trực tiếp nào đối với lợi nhuận.Vì doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp này đến từ các dự án, mà các dự án thường mang tính dài hạn hoặc chậm hơn một chút so với nhóm ngành này.

Bà Hoàng Việt Phương (giữa) và ông Bùi Ngọc Dương tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 10. Ảnh: Dũng Minh

Bà Hoàng Việt Phương (giữa) và ông Bùi Ngọc Dương tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 10. Ảnh: Dũng Minh

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã BSR - UPCoM) chia sẻ, tuỳ từng thời điểm giá dầu lên hay xuống, BSR sẽ gặp những bất lợi hoặc thuận lợi, nên Công ty cần kiểm soát thật khéo để giảm rủi ro và làm lợi nhuận tăng lên.

Theo quy trình, BSR phải đặt hàng trước từ 2 - 3 tháng để có dầu thô đến nhà máy chế biến, cộng thêm thời gian chế biến trong nhà máy, nên vòng đời rất dài và yếu tố thị trường có tác động quyết định.

Việc phải mua nguyên liệu đủ từ 2 - 3 tháng trước khiến khả năng tiên đoán giá dầu là rất khó. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nhà máy lọc dầu, vậy nên cần phải tính toán đưa ra các kịch bản vận hành, nguyên liệu khác nhau để đảm bảo linh hoạt trong vận hành và giảm thiểu rủi ro.

Khi giá dầu tăng, giá thành sản phẩm cũng tăng theo, cộng thêm các chi phí, thuế phí khác, BSR sẽ có một số thuận lợi trong ngắn hạn về doanh thu và lợi nhuận. Nhưng khi giá giảm, Công ty lại gặp rủi ro về hàng tồn kho và phải giải quyết vấn đề này một cách khéo léo.

“Nếu để tồn kho quá cao, khi giá lên sẽ được hưởng lợi rất tốt, nhưng khi giá xuống lại phải chịu tác động kép cả về dầu thô và sản phẩm. Do đó, sau khi vòng đời chế biến hoàn thành mới xác định được chính xác lợi nhuận của đợt chế biến ấy là bao nhiêu”, ông Dương nói.

Trường hợp giá dầu bình ổn lại là thuận lợi đối với nhà máy, vì sẽ không phải chịu ảnh hưởng của hàng tồn kho mà chỉ tập trung chế biến các sản phẩm có lợi và mang lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, BSR chưa có chính sách phù hợp để giảm thiểu rủi ro này.

Trong khi các nhà máy lọc dầu khác trên thế giới có thể “lock margin” bằng cách mua các công cụ tài chính, thì BSR chưa thực hiện được do quy định của nhà nước chưa cho phép.

“Đây là một trong những điều chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành để đảm bảo quyền lợi của mình. Chúng tôi ngoài việc đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy thì còn nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng, nên bắt buộc phải duy trì sản lượng nhất định đủ theo kế hoạch, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thị trường xăng dầu trong nước. Đó là những yếu tố chúng tôi cần nhận biết và kiểm soát”, ông Dương khẳng định.

Đánh giá về triển vọng dài hạn nhóm dầu khí, bà Phương cho rằng đây là một câu hỏi khó. Hiện tại, chúng ta chỉ có thể đoán giá dầu vẫn sẽ ở mức cao trong khoảng thời gian ít nhất là nửa năm hoặc hơn nữa, cho đến khi nguồn cung tăng đủ trở lại để đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, Trung Quốc chưa mở cửa toàn bộ nên sắp tới nhu cầu dầu có thể tăng hơn nữa. Còn sang năm 2023, tiêu thụ dầu có thể chậm lại do nền kinh tế có nguy cơ rơi vào suy thoái.

Tin bài liên quan