Kết quả bán hàng tốt tại các dự án nhà ở góp phần giúp FLC có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý II/2016. Ảnh: Dũng Minh

Kết quả bán hàng tốt tại các dự án nhà ở góp phần giúp FLC có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý II/2016. Ảnh: Dũng Minh

Doanh nghiệp địa ốc 6 tháng đầu năm: Hai nửa sáng tối

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2016 của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết có sự phân hóa mạnh. Trong khi nhiều doanh nghiệp tiếp tục báo lãi khủng, thì cũng có không ít doanh nghiệp có lợi nhuận “teo đi”.

Những điểm sáng…

CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) là cái tên đầu tiên được nhắc tới trong số doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong quý II/2016. Trong quý vừa qua, KDH ghi nhận doanh thu thuần 682,4 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh, lên 433 tỷ đồng, nhưng do biên lãi gộp trong kỳ được cải thiện, nên lãi gộp tăng mạnh, gấp 2,6 lần, đạt 249.5 tỷ đồng và lãi ròng tăng 118%, đạt 109 tỷ đồng.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, KDH đạt doanh thu thuần 1,251.5 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ 2015. Lợi nhuận ròng 203 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 51% kế hoạch năm.

Lý giải về nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến trong quý II/2016, KDH cho biết, trong quý II/2016, doanh nghiệp này đã hạch toán một phần doanh thu từ 2 dự án là Dự án Mega Village và Dự án Melosa (hơn 628 tỷ đồng), đồng thời ghi nhận thêm khoản lãi từ CTCP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) khoảng 57 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty cũng ghi nhận thêm khoản lãi từ công ty liên kết với lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Trong năm 2016, ngoài việc tiếp tục triển khai và bán nốt phần còn lại của 2 dự án nêu trên, KDH còn có 3 dự án đã và đang tiến hành mở bán là Dự án The Venica (gồm 43 căn biệt thự trong một khu compound đã được mở bán từ tháng 4/2016), Dự án Lucasta (gồm 140 căn biệt thự đơn lập, song lập, đã tiến hành mở bán chính thức từ quý IV/2015 và dự kiến hoàn tất kinh doanh vào cuối năm nay) và Dự án Merito (gồm 131 căn nhà liền kề, triển khai từ đầu quý I/2016 và dự kiến mở bán ngay trong quý III/2016).

Tại kỳ đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) đầu năm, bà Ngô Thị Mai Chi, Phó tổng giám đốc KDH cho biết, Công ty sẽ kinh doanh các dự án nêu trên với khoảng 700 căn và mang lại lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến trong năm 2016 là 400 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với năm 2015.

Cũng có kết quả tích cực trong quý II là Tổng CTCP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) khi đạt doanh thu thuần hơn 667 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 297 tỷ đồng, lần lượt gấp 6,5 lần và 3 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, KBC có doanh thu đạt 1.113 tỷ đồng, tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm 2015, lợi nhuận sau thuế đạt gần 420 tỷ đồng, hoàn thành hơn 60% kế hoạch của cả năm theo kịch bản khả quan, còn so với kịch bản tích cực thì KBC cũng đã hoàn thành tới 50% kế hoạch năm.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT KBC cho biết, kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng mạnh là do các hoạt động kinh doanh khu công nghiệp tăng trưởng tốt. Dự kiến trong năm 2016, KBC sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp là Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quế Võ, Quế Võ mở rộng, Tràng Duệ, Tân Phú Trung và giai đoạn 1 Khu đô thị Phúc Ninh.

Tương tự, CTCP Tập đoàn FLC (FLC) cũng là một trong những doanh nghiệp địa ốc có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý II.

Cụ thể, doanh thu thuần của FLC trong kỳ đạt hơn 2.268 tỷ đồng, tăng gần 68% so với cùng kỳ 2015. Chủ yếu nhờ doanh thu chuyển nhượng bất động sản, đạt gần 1.973 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, trong khi doanh thu bán hàng hóa tăng nhẹ lên gần 1.469 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn chỉ tăng hơn 31%, giúp lợi nhuận gộp gấp hơn 4 lần cùng kỳ, đạt 707 tỷ đồng. Dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh, nhưng do tỷ trọng trên doanh thu không lớn, nên kết thúc quý II/2016, FLC vẫn đạt gần 448 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 83% cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, FLC đạt hơn 3.706 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 85%, lợi nhuận sau thuế đạt 563 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ và hoàn thành gần 60% kế hoạch năm.

Theo báo cáo tại tờ trình của HĐQT FLC trình ĐHCĐ hồi đầu năm, trong năm 2016, nguồn thu chính của Công ty ngoài lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại một số dự án nhà ở mà tập đoàn này đang triển khai và đã ghi nhận kết quả tích cực, còn đến từ các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, với 3 dự án đi vào hoạt động là FLC Sầm Sơn, FLC Vĩnh Phúc và FLC Quy Nhơn.

Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm nay như Tập đoàn Vingroup (VIC), CTCP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG), CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH), CTCP Đầu tư Nam Long (NLG), CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR), CTCP Đầu tư căn nhà mơ ước (DRH)… 

… và những mảng tối

Trái ngược với sự đi lên của một số doanh nghiệp địa ốc nêu trên, trong nửa đầu năm 2016, nhiều doanh nghiệp lại có lợi nhuận thụt lùi.

Chẳng hạn, trong quý II/2016, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) đạt doanh thu hợp nhất hơn 141 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Nhờ giá vốn tăng ít hơn, nên lãi gộp SCR tăng hơn gấp 4 lần so cùng kỳ, đạt gần 62 tỷ đồng. Hoạt động tài chính kỳ này cũng không còn biến động mạnh như cùng kỳ năm trước khi doanh thu gần 19 tỷ và chi phí tài chính ở mức 12 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do trong quý II năm nay, SCR không ghi nhận được khoản lợi nhuận khác đột biến như năm trước (thu được từ chuyển nhượng Dự án Celadon City), đồng thời lại chịu lỗ hơn 1,3 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết (cùng kỳ 2015 lãi gần 24 tỷ đồng), khiến lãi ròng của SCR chỉ còn hơn 31 tỷ đồng, giảm 78% so với quý II/2015.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, SCR đạt doanh thu gần 168 tỷ đồng, tăng 147% so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng chỉ 37 tỷ đồng, giảm 74% so với nửa đầu năm trước. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm của SCR mới chỉ hoàn thành 12% kế hoạch doanh thu và 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2016.

Trong năm 2016, SCR đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.448 tỷ đồng, tăng 70% so với kết quả năm 2015 và lãi ròng hợp nhất 164 tỷ đồng, giảm 18% so với kết quả năm 2015. Tỷ lệ cổ tức dự kiến 5-10%.

Một trường hợp “phú quý giật lùi” khác là CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) khi chỉ đạt 10,26 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý II/2016, giảm tới 70% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận cũng vỏn vẹn 570 triệu đồng, giảm tới 98,1% so với quý II/2015.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của NBB giảm tới 71,5%, chỉ đạt 20,81 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận giảm gần 96%, chỉ còn 1,82 tỷ đồng.

Theo giải trình của NBB, lý do doanh thu và lợi nhuận của Công ty trong quý II năm nay giảm mạnh là do các dự án đã đưa vào kinh doanh chưa được ghi nhận doanh thu trong năm 2016, cụ thể là Dự án City Gate Tower đã bán hết hàng, nhưng sẽ chỉ ghi nhận doanh thu vào năm 2017.

Ngoài ra, đại diện Năm Bảy Bảy cũng cho biết, đã đưa 1.700 căn hộ Dự án Diamond Riverside vào kinh doanh và hiện tại đã nhận đặt giữ chỗ hơn 800 căn. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành kinh doanh vào năm 2017 và bàn giao căn hộ năm 2019. Mặc dù vậy, tại dự án này, Năm Bảy Bảy chỉ được hạch toán 20% theo đúng nội dung hợp đồng hợp tác triển khai dự án với CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII).

Cũng theo NBB, trong năm nay, Công ty tiếp tục tục triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh theo định hướng chiến lược giai đoạn 2015 - 2018. Trong đó, sẽ tiếp tục đầu tư và kinh doanh nhiều dự án bất động sản, như City Gate Towers, NBB1, NBB3, Thủ Thiêm (TP. HCM) và dự án De Lagi (Bình Thuận), Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), Đồi Thủy Sản (Quảng Ninh). Ngoài ra, NBB cũng sẽ thực hiện thoái vốn toàn bộ các khoản đầu tư ngoài ngành.

Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 200, các dự án này chỉ được hạch toán doanh thu, lợi nhuận khi bàn giao và hoàn tất sổ đỏ cho các khách hàng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan