Các doanh nghiệp bất động sản có thể học hỏi lẫn nhau trong việc phát triển dự án thông qua sự hợp tác. Ảnh: Lê Toàn

Các doanh nghiệp bất động sản có thể học hỏi lẫn nhau trong việc phát triển dự án thông qua sự hợp tác. Ảnh: Lê Toàn

Doanh nghiệp địa ốc "bắt tay" giữa đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng hợp tác phát triển dự án là cách thức được nhiều nhà phát triển địa ốc áp dụng thời gian qua để phát huy thế mạnh của mỗi bên và xu hướng này càng phù hợp hơn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó vì dịch bệnh.

"Góp gạo thổi cơm chung"...

Mới đây, Tập đoàn Danh Khôi và Công ty cổ phần DKRA Vietnam đã chính thức hợp tác để cùng phát triển dự án Phức hợp Đô thị Thương mại – Dịch vụ & Du lịch biển Lagi New City (dự án Lagi New City) tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Dự án có quy mô 43,4 ha với các dòng sản phẩm nhà phố thương mại biển, shophouse biển và biệt thự biển.

Theo lý giải của đại diện Tập đoàn Danh Khôi, thị trường bất động sản khu vực La Gi đang là điểm nóng thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền về đây, khi khu vực này còn thiếu các khu đô thị được đầu tư và quy hoạch bài bản để có hệ sinh thái thương mại, dịch vụ, giải trí xứng tầm với định hướng trở thành thành phố cảng biển trong tương lai. Theo đó, sự xuất hiện của dự án quy mô đang là lợi thế của những doanh nghiệp có quỹ đất lớn được đầu tư trước đó.

“Bên cạnh mong muốn góp phần thay đổi diện mạo đô thị địa phương cũng như làm sôi động thêm thị trường bất động sản Bình Thuận, chúng tôi cũng muốn đem lại cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ với một khu phức hợp được đầu tư quy mô, bài bản từ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc cảnh quan, cho đến hệ thống tiện ích đồng bộ”, đại diện Tập đoàn Danh Khôi chia sẻ.

Một thương vụ hợp tác khác tại Đồng Nai, Tập đoàn Nam Long và tập đoàn bất động sản đến từ Osaka (Nhật Bản) - Hankyu Hanshin Properties Corporation cũng đã ký kết hợp tác chiến lược để cùng phát triển Khu đô thị tích hợp Izumi City quy mô 170 ha. Dự án tọa lạc tại xã Long Hưng, TP. Biên Hòa - là khu vực kinh tế phát triển năng động bậc nhất của địa phương này.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Nam Long hợp tác với đối tác đến từ Nhật Bản này. Trong 5 năm qua, 2 doanh nghiệp đã cùng nhau phát triển 5 dự án, gồm Flora Anh Đào (2015), Fuji Residence, Kikyo Residence (2016), Mizuki Park (2017)...

Theo ông Trần Xuân Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long, sự hợp tác này không chỉ giúp Nam Long củng cố nền tảng tài chính, mà quan trọng hơn là được học hỏi kinh nghiệm phát triển và vận hành những dự án quy mô lớn từ đối tác. Ông Ngọc cũng mong muốn trong thời gian tới, sự hợp tác sẽ không dừng ở mảng phát triển quỹ đất và nhà ở, mà sẽ mở rộng ra các mảng kinh doanh cốt lõi khác của Nam Long như bất động sản thương mại - dịch vụ, bán lẻ, khách sạn…

Trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung đã đề xuất lên UBND tỉnh Lâm Đồng lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án với tổng diện tích lên tới 15.000 ha, phạm vi thực hiện gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Phi Tô (huyện Lâm Hà) và một phần thuộc các xã Bình Thạnh, Hiệp Thạnh và Liên Hiệp (huyện Đức Trọng).

Cũng tại Lâm Đồng, ngoài siêu dự án trên, Hưng Thịnh và Đèo Cả còn bắt tay thực hiện dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc với tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 khoảng 19.470 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước vào khoảng 9.151 tỷ đồng, còn vốn do nhà đầu tư huy động là khoảng 10.319 tỷ đồng.

… để cùng vượt khó

Trên thực tế, xu hướng các doanh nghiệp phát triển bất động sản “góp gạo thổi cơm chung” đã không còn xa lạ. Theo các thành viên thị trường, có 2 lý do chính tạo ra xu hướng này: Một là, sự liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ giúp các bên vừa hỗ trợ lẫn nhau, vừa phát huy được thế mạnh mỗi bên, đồng thời tránh được sự phát triển manh mún, nhỏ lẻ; Hai là, khi cùng hợp tác sẽ giúp các bên củng cố được năng lực tài chính, tăng cường khả năng tiếp thị, phân phối sản phẩm…

Ảnh tác giả

Sự xích lại giữa các doanh nghiệp trong ngành bất động sản là chiến lược đúng đắn, giúp phát huy thế mạnh của nhau, hỗ trợ nhau, tạo ra hợp lực thúc đẩy các bên cùng phát triển.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc COPiHOME ví von việc các doanh nghiệp bắt tay với nhau giống như trong câu chuyện ngụ ngôn “Chiếc đũa và bó đũa”, rằng một chiếc đũa có thể dễ dàng bị các khó khăn khách quan bẻ gãy và ngược lại. Sự hợp tác càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh cả thị trường, doanh nghiệp và nhà đầu tư đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

“Việc liên kết, đoàn kết để tạo nên cộng đồng doanh nghiệp bất động sản khỏe mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp thích nghi tốt hơn với điều kiện khó khăn hiện nay. Do vậy, các doanh nghiệp cần mở rộng vòng tay liên doanh, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và trách nhiệm tạo ra các chuỗi cung ứng phù hợp nhằm giảm thiểu chi phí…”, ông Phi nói.

Nhận định về xu hướng hợp tác giữa các nhà phát triển địa ốc thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, sự xích lại giữa các doanh nghiệp trong ngành bất động sản là chiến lược đúng đắn, giúp phát huy thế mạnh của nhau, hỗ trợ nhau, tạo ra hợp lực thúc đẩy các bên cùng phát triển.

“Tôi cho rằng, đây là xu hướng phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại, bên có thế mạnh về xây dựng bắt tay với bên có ưu thế về phân phối sẽ làm thị trường phát triển tốt hơn. Thời gian tới, có thể sẽ xuất hiện thêm những cái bắt tay của nhiều doanh nghiệp lớn khác, tạo sự sôi động mới cho thị trường”, ông Châu nhận định.

Nhìn về dài hạn, các thành viên thị trường cho rằng, bất động sản vẫn luôn là thị trường tiềm năng, là nơi “trú ẩn” đảm bảo tính an toàn và sinh lời cho tài sản trong các thời kỳ suy thoái. Thêm nữa, từ góc độ nguồn cung sản phẩm, có thể thấy, đại dịch Covid-19 là rủi ro, nhưng cũng là cơ hội cho thị trường bất động sản thanh lọc được các nhân tố khỏe mạnh và phát triển mạnh mẽ hơn sau dịch, trong đó sự bắt tay giữa các doanh nghiệp địa ốc cũng là một trợ lực.

Nói về tiềm năng phát triển sau dịch, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding cho rằng, thời gian qua, thị trường bất động sản hấp thụ dòng tiền rất tốt, chỉ sau lĩnh vực chứng khoán, dòng tiền chuyển từ chứng khoán qua bất động sản cũng rất nhanh vì đây là 2 kênh đầu tư tương hỗ. Vì vậy, khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh chững lại do dịch, dòng tiền sẽ tự động tìm đến bất động sản và sau giai đoạn giãn cách, đây sẽ là tài sản thu hút rất mạnh dòng tiền.

Tin bài liên quan