Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Doanh nghiệp địa ốc tăng vốn và những chuyện phía sau

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp địa ốc niêm yết đã và đang lên kế hoạch phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ khi thị trường chứng khoán trong xu hướng tích cực.

TTB: Tăng vốn gần gấp đôi

Thông tin công bố từ CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (mã TTB - sàn HOSE) cho biết, doanh nghiệp này dự kiến phát hành 50 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) cho các nhà đầu tư, trong đó có thể bao gồm một số cổ đông hiện hữu của TTB trong năm 2021. Nếu thành công, vốn điều lệ của TTB sẽ tăng gần gấp đôi lên mức 1.062 tỷ đồng, từ mức 562 tỷ đồng trước đó.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến là 500 tỷ đồng được dùng cho hoạt động kinh doanh, trong đó 300 tỷ đồng phục vụ hoạt động kinh doanh bất động sản và 200 tỷ đồng còn lại để bổ sung vốn lưu động.

Mặc dù thị trường chứng khoán đang trong xu hướng tăng và lượng tiền đổ vào thị trường nhiều, nhưng kế hoạch phát hành tăng vốn của TTB gặp áp lực khi thị giá cổ phiếu thấp hơn mệnh giá.

Báo cáo tài chính năm 2020 của TTB cho thấy, doanh thu thuần của TTB ghi nhận gần 501 tỷ đồng, giảm 3% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế giảm 65%, xuống còn 11,5 tỷ đồng.

KPF: Dấu hỏi về hiệu suất đầu tư

Vào đầu tháng 4/2021, CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (mã KPF - sàn HOSE) nhận được công văn từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận Công ty phát hành thành công xấp xỉ 40 triệu cổ phần, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 958 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối năm 2020, KPF thực hiện phát hành hơn 1,8 triệu cổ phần để trả cổ tức với tỷ lệ 10:1, chào bán riêng lẻ hơn 2,1 triệu cổ phần với giá 30.000 đồng/cổ phần và chào bán ra công chúng hơn 36 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần.

Theo kế hoạch, số tiền thu về hơn 400 tỷ đồng được đầu tư vào 2 dự án, bao gồm 294 tỷ đồng góp vốn mua 98% cổ phần CTCP TTC Deluxe Sài Gòn và 120 tỷ đồng góp vốn theo Hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Khu phức hợp và nhà ở Phước Lợi - giai đoạn 1, còn lại hơn 9,76 tỷ đồng được bổ sung vào vốn ưu động. Tuy nhiên, cả 2 dự án này đều gây băn khoăn về hiệu suất đầu tư.

KPF thực hiện tăng vốn trong bối cảnh kết quả kinh doanh đi xuống khi doanh thu thuần năm 2020 chỉ đạt 40 tỷ đồng, giảm hơn 88% so với năm 2019. Bước sang năm 2021, KPF gây ngạc nhiên khi đặt mục tiêu tăng trưởng cao với 130 tỷ đồng doanh thu và 49 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 208% và gần 100% so với thực hiện năm 2020, cho dù nhận định dịch bệnh Covid-19 còn ảnh hưởng tới dự án chủ lực Cam Ranh Bay ít nhất tới quý IV/2021.

Cũng trong năm nay, KPF còn dự kiến phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với giá phát hành bằng 100% mệnh giá, kỳ hạn tối đa 3 năm, lãi suất do HĐQT Công ty quyết định tùy điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành nhưng tối đa không quá 12%/năm.

TIG: Tiến độ triển khai dự án ì ạch

CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã TIG - sàn HNX) cũng dự kiến huy động tối đa 1.000 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu và 1.000 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, theo phương án phát hành, TIG dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư, giá bán không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm (kể từ ngày hoàn tất chào bán).

Mục đích phát hành cổ phiếu để chuẩn bị vốn đầu tư xây dựng và hoàn thiện các dự án gồm Vuon Vua Resort & Villas; 3 dự án nhà ở và đô thị sinh thái tại thị trấn Thanh Thủy, Phú Thọ; bổ sung vốn đối ứng và chuẩn bị đầu tư cho dự án điện gió Thăng Long Hướng Sơn 1 và Thăng Long Hướng Sơn 2; thực hiện dự án Vân Trì Ecoland và bổ sung vốn lưu động.

Đáng chú ý, trong 4-5 năm gần đây, năm nào TIG cũng đưa các phương án huy động vốn trên vào chương trình Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) và đều được thông qua, nhưng chưa từng triển khai sau đó, nguyên nhân được TIG cho biết là do các yếu tố khách quan từ thị trường và thực tế triển khai các dự án.

Thực tế, kết quả kinh doanh cũng như tình hình tài chính những năm gần đây của TIG khá khả quan, lãi ròng năm 2020 tăng gần gấp đôi năm 2019, đạt hơn 116 tỷ đồng, nợ phải trả không nhiều, khoảng 50 tỷ đồng. Vấn đề của TIG nằm ở việc tiến độ triển khai các dự án khá ì ạch do gặp vướng mắc về pháp lý. Ngoài ra, TIG thường chia cổ tức ở mức thấp và chủ yếu bằng cổ phiếu trong bối cảnh thị giá cổ phiếu chưa cao, cho dù lợi nhuận không đến nỗi nào.

FLC: Triển khai gần 20 dự án trong năm 2021

ĐHCĐ vừa tổ chức của CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC - sàn HOSE) đã thông qua phương án chào bán gần 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành 10:7, số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán gần 4.970 tỷ đồng được sử dụng để đầu tư các dự án bất động sản và bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC cho biết, số dự án đang phát triển và chuẩn bị ra mắt trong năm 2021 là gần 20 dự án. Ngoài các dự án đô thị tại Hà Nội, Quảng Ninh, Kon Tum, Gia Lai, Đồng Tháp, một số dự án du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm sẽ được khởi công tại các địa phương giàu tiềm năng du lịch như Hà Giang, Phú Quốc.

FLC lên kế hoạch tăng vốn sau khi hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2020 với doanh thu hợp nhất hơn 13.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 308 tỷ đồng. Nhưng mở rộng hơn trong giai đoạn 5 năm gần nhất, lợi nhuận ròng của FLC khá trồi sụt: Nếu như năm 2016 đạt hơn 1.012 tỷ đồng thì sang năm 2017 giảm về mức hơn 385 tỷ đồng, rồi tăng lên gần 696 tỷ đồng trong năm 2019, trước khi giảm về mức 308 tỷ đồng trong năm 2020.

Trên thị trường chứng khoán, sau thời gian dài giao dịch với giá “mớ rau, ly trà đá”, cổ phiếu FLC hiện ở mức hơn 13.000 đồng, tăng hơn 3 lần so với đầu năm (ở quanh mức 4.000 đồng), thanh khoản cũng ở mức rất cao với vài chục triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

AGG: Quỹ đất sạch tăng nhờ đẩy mạnh M&A dự án

Theo kế hoạch, CTCP Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia (mã AGG - sàn HOSE) sẽ phát hành hơn 91 triệu cổ phiếu trong năm 2021, trong đó gần 8,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và gần 83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ từ mức 827,5 tỷ đồng hiện nay lên gần 1.738 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT AGG chia sẻ, việc phát hành tăng vốn được cân nhắc dựa trên việc ổn định cơ cấu về tài chính, đồng thời đảm bảo việc tăng vốn không ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông cũng như nhà đầu tư.

Cũng theo ông Sáng, trong năm qua, quỹ đất sạch của AGG đã tăng lên đáng kể sau khi tham gia nhiều thương vụ M&A dự án bất động sản tại nhiều địa phương, đây sẽ là lợi thế đối với doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực như An Gia.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc năm 2020, AGG đạt 1.753,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 5 lần so với năm 2019, nhưng vẫn cách xa kế hoạch 2.400 tỷ đồng doanh thu đặt ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh nên lợi nhuận ròng (Công ty mẹ) đạt 444,7 tỷ đồng, tăng gần 34% so với năm 2019 và vượt mức gần 9% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Năm 2021, AGG đặt mục tiêu đạt 3.600 tỷ đồng tổng doanh thu thuần, tăng hơn 2 lần so với thực hiện năm 2020 và 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (Công ty mẹ), tăng gần 21%.

DIG: Tăng đầu tư vào những thành viên kinh doanh hiệu quả

Tại tờ trình định hướng phát triển nguồn vốn giai đoạn 2021-2025, Ban lãnh đạo Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (mã DIG - sàn HOSE) cho biết, DIG hướng tới việc đạt trạng thái cân bằng tài chính với tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu dưới 200%, tỷ lệ vay nợ so với vốn chủ sở hữu dưới 100%.

Theo đó, DIG đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn này để đảm bảo tỷ lệ đối ứng vốn đầu tư theo quy định Nhà nước. Cụ thể, Ban lãnh đạo DIG dự trình đại hội thông qua phương án chào bán riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu vào quý II/2021 với giá không thấp hơn mức 20.000 đồng/cổ phiếu. Nguồn tiền thu từ đợt phát hành được dùng để đầu tư vào dự án Khu đô thị Bắc Vũng Tàu.

Theo Ban lãnh đạo DIG, dòng tiền kinh doanh năm nay sẽ tích cực hơn năm trước và điểm rơi lợi nhuận cũng sẽ diễn ra trong giai đoạn 2020-2021. Chủ trương của HĐQT DIG trong thời gian tới là sẽ cân nhắc kỹ việc tập trung nguồn lực đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả trong Tập đoàn, chỉ liên danh - liên kết với những doanh nghiệp có nguồn lực thực sự và bổ trợ cho lĩnh vực đầu tư phát triển bất động sản của DIG.

Tin bài liên quan