Doanh nghiệp địa ốc và nỗi lo mang tên pháp lý

Doanh nghiệp địa ốc và nỗi lo mang tên pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
Khi phát triển dự án bất động sản, có nhiều khó khăn về pháp lý mà doanh nghiệp không thể lường trước được. Đây là nỗi lo thường trực của doanh nghiệp.

Thời gian kéo dài, dự án đứng hình

Dự án Inter Stella do Kita Group làm chủ đầu tư , tọa lạc tại mặt tiền đại lộ Võ Văn Kiệt, quận Bình Tân, được UBND TP.HCM cập nhật, bổ sung vào danh mục nhà ở thương mại tại khu vực nội thành.

Đầu năm 2021, Kita Group và đơn vị xây dựng Newtecons đã đưa các phương tiện vào thử tải để bắt đầu tiến hành thi công móng hầm và chuẩn bị xây dựng nhà điều hành trung tâm. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án phải hoàn thành và bàn giao vào quý I/2023, nhưng đến thời điểm hiện tại, mặt bằng dự án vẫn là bãi đất trống được quây tôn xung quanh.

Sở dĩ dự án chưa thể tiếp tục triển khai là do chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định. Hơn nữa, thanh khoản thị trường trong thời gian này kém, việc kinh doanh chưa khởi sắc, nên Công ty gặp khó khăn về dòng tiền, phải dừng việc phát triển dự án mới, thay vào đó, tập trung phát triển và bán hàng tại các dự án đã hoàn thiện pháp lý.

Còn tại Dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp (Shizen Home) trên đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7, do Công ty TNHH Gotec Việt Nam (Gotec Land) làm chủ đầu tư. Dù đã thi công xong phần móng, hầm và lên tầng, đủ điều kiện để được cấp Thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại. Tuy nhiên, sau nhiều lần nộp hồ sơ đều bị trả lại và Sở Xây dựng TP.HCM từ chối giải quyết.

Nguyên do được Sở Xây dựng đưa ra là nguồn gốc khu đất mà Gotec Land xây dựng dự án vẫn đang trong quá trình rà soát. Đề nghị Công ty liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để nắm tiến độ giải quyết. Sau khi có kết quả rà soát, Sở Xây dựng sẽ xem xét thực hiện thủ tục của dự án theo quy định pháp luật.

Theo ông Nguyễn Việt Anh, Chủ tịch HĐTV Gotec Land, thời gian thực hiện thủ tục kéo dài 6 tháng, doanh nghiệp đã thiệt hại 1.052 tỷ đồng, nếu tiếp tục kéo dài thì doanh nghiệp không còn khả năng duy trì hoạt động.

Công ty cổ phần Hồng Đạt - Long An, chủ đầu tư dự án khu dân cư, nhà ở công nhân và chuyên gia tại xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa (Long An), cũng trong hoàn cảnh tương tự. Dự án được giới thiệu ra thị trường và chào bán cho khách hàng từ cuối năm 2016, hiện nay, hầu hết sản phẩm trong dự án đều đã có chủ. Nhưng trong quá trình hoàn thiện pháp lý, dự án gặp vướng mắc trong khâu tính tiền sử dụng đất nên chưa xác định được nghĩa vụ tài chính đối với dự án, dẫn đến việc Công ty Hồng Đạt chưa thể hoàn tất pháp lý và ra sổ cho khách hàng.

“Nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ này xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan. Hiện Công ty đang cùng với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc này để hoàn thành nghĩa vụ tài chính, sớm ra sổ cho khách hàng”, đại diện chủ đầu tư chia sẻ.

Nỗi lo chưa được xóa

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản . Song, theo các thành viên thị trường, hiện tại những vấn đề liên quan đến pháp lý vẫn là nỗi lo nhiều nhất.

Ông Bùi Ngọc Đức, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Đất Xanh khẳng định, 1 năm qua, không chỉ Đất Xanh, mà các doanh nghiệp khác cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Lấy ví dụ về một dự án của đơn vị này đang vướng các quy trình, thủ tục liên quan đến khâu cập nhật biến động đất đai. Ông Đức cho hay, dự án được Đất Xanh mua lại từ năm 2019, đến năm 2020 thì quy định pháp luật liên quan có hiệu lực. Doanh nghiệp đã triển khai đầy đủ thủ tục từ giấy phép, chủ trương đầu tư, đến khi có đất ở lại vướng tiếp thủ tục đăng ký cập nhật biến động đất đai, cứ phải loay hoay hoàn thành thủ tục.

“Các quy định áp dụng mang tính địa phương cao, điều này gây cản trở doanh nghiệp. Làm thế nào để đúng pháp luật là câu hỏi rất khó cho doanh nghiệp. Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực bất động sản, mà còn tác động đến cả môi trường đầu tư Việt Nam”, ông Đức nêu thực trạng.

Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc CTCP DRH Holdings chia sẻ, khi bắt tay làm dự án, bản thân các nhà phát triển đều lường trước những khó khăn sẽ gặp. Từ đó tính toán và lựa chọn con đường tốt nhất để vượt qua, nhưng riêng khó khăn về chính sách như pháp lý đầu tư, pháp lý cho thị trường bất động sản thì doanh nghiệp không tính được.

“Vừa qua, một dự án ở Đồng Nai của Công ty đã được gia hạn thêm thời gian hoàn thành. Tương tự, ở TP.HCM, đối với các dự án xin chủ trương đầu tư cũng được các sở, ngành tạo điều kiện nhiều. Nhưng đó chỉ là nỗ lực của một vài địa phương, còn bức tranh chung của thị trường vẫn còn nhiều vấn đề”, ông Sơn nói.

Tin bài liên quan