Hà Đô hiện chỉ đang mở bán một dự án là Hado Charm Villas

Hà Đô hiện chỉ đang mở bán một dự án là Hado Charm Villas

Doanh nghiệp địa ốc, xây dựng "bước chậm" quý III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chưa có số liệu chính xác, nhưng đa số doanh nghiệp bất động sản, xây lắp đều cho biết kết quả kinh doanh quý III năm nay đã chậm lại đáng kể.

Tiến độ mở bán dự án dời sang năm sau

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG), trong nửa đầu năm 2022, Công ty ghi nhận tổng doanh thu 1.654 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 605 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. Đóng góp chính vào kết quả này là mảng năng lượng. Mảng bất động sản chỉ đem lại 572 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 40% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 421 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ.

Ông Nguyễn Trọng Minh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hà Đô cho biết, lợi nhuận quý III của Tập đoàn ước tính giảm nhẹ so với cùng kỳ và tăng mạnh hơn trong quý cuối năm, do Công ty chỉ đang mở bán một dự án là Hado Charm Villas, nhưng đây là dự án có biên lợi nhuận gộp lên đến 73,6%.

Hiện Hà Đô đang tập trung hoàn thiện các hạng mục xây dựng của dự án Hado Charm Villas, tiếp tục bàn giao số căn chào bán đợt 2 và mở bán đợt 3 (khoảng 90 căn). Ông Minh cho biết, dự án này sẽ tiếp tục đóng góp chính vào kết quả kinh doanh của mảng bất động sản trong năm tới.

Nhìn vào cơ cấu doanh thu của Hà Đô 2 năm gần đây, có thể thấy, mảng kinh doanh điện đang tăng dần tỷ trọng. Nếu như năm 2020, mảng kinh doanh điện chiếm 15,7% tổng doanh thu của Công ty, thì sang năm 2021 đạt 33,7% và vụt lên con số 56% trong 6 tháng đầu năm nay.

Tại Công ty cổ phần Đất Xanh (mã DXG), 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu đạt 3.342 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 403 tỷ đồng, lần lượt giảm một nửa so với cùng kỳ. So với kế hoạch kinh doanh cả năm thì Đất Xanh mới thực hiện được 30% mục tiêu doanh thu và 29% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm. Lãnh đạo Công ty cho biết, một số dự án chưa kịp bàn giao nên chưa thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận ngay trong quý III/2022, mà có thể phải lùi vào thời điểm cuối năm.

Năm nay, Đất Xanh đặt mục tiêu doanh số bán hàng đạt khoảng 500 triệu USD, riêng dự án Gem Riverside khoảng 300 triệu USD, tuy nhiên, dự án này vẫn đang chờ giấy phép xây dựng và dự kiến sẽ mở bán vào cuối năm 2022. Hai dự án Opal Cityview và DXH Parkview tại Bình Dương sẽ được dời từ quý III/2022 sang năm 2023, trong khi dự án Lux Star tại TP.HCM cũng dời kế hoạch bán hàng từ quý IV/2022 sang năm 2023.

Tình trạng cũng tương tự tại Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng - DIC Group (mã DIG). Nửa đầu năm nay, Công ty đạt 180 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương gần 10% kế hoạch cả năm. Ông Hoàng Văn Tăng, Tổng giám đốc DIC Corp cho biết, trong quý III/2022, Công ty đã mở bán các dự án đã hoàn tất thủ tục pháp lý, trong đó tập trung vào dự án Khu dân cư thương mại Vị Thanh và Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên.

Lãnh đạo DIC Corp cho biết, lợi nhuận của nhóm bất động sản nói chung và DIC nói riêng quan trọng là thời điểm hạch toán.

“Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc khó khăn hơn không chỉ vì chính sách tiền tệ thắt chặt, mà còn là việc chờ các thủ tục phê duyệt”, ông Tăng cho biết.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), trong quý III/2022, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp bất động sản dân dụng nói chung chưa thực sự khởi sắc, do các doanh nghiệp đang chịu tác động bởi các yếu tố “ngược chiều” như môi trường lãi suất dần tăng lên; room tín dụng bị thắt chặt hơn đối với nhóm bất động sản có thể ảnh hưởng đến sức mua của thị trường và ảnh hưởng từ việc phát hành trái phiếu có thể tạo ra áp lực về dòng tiền doanh nghiệp.

Thách thức kế hoạch lợi nhuận năm

Theo dự phóng của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), năm nay, Đất Xanh đạt 8.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 21% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước đạt 980 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2021. Những chỉ số này đều giảm từ 20 - 30% so với dự báo ACBS đưa ra trước đó.

Nguyên nhân được ACBS đưa ra là do kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm của Đất Xanh thấp và ngành bất động sản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức (xu hướng thắt chặt tín dụng đối với cả chủ đầu tư và người mua nhà, ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng quỹ đất, hoạt động bán hàng, thời gian triển khai và bàn giao dự án).

Khó khăn của khối doanh nghiệp địa ốc, sự trầm lắng của thị trường bất động sản đang ảnh hưởng tới doanh nghiệp xây lắp. Lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng Hoà Bình (HBC) tiết lộ, lợi nhuận quý III/2022 của Công ty cải thiện hơn so với giai đoạn đầu năm nhưng lợi nhuận ba quý vẫn còn khoảng cách khá xa so với kế hoạch lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. (6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế 55,77 tỷ đồng, giảm 18,1% so với cùng kỳ).

Bản thân ông Lê Viết Hiếu, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HBC từng chia sẻ, kế hoạch lợi nhuận 350 tỷ đồng (tăng trưởng 261% so với năm 2021) là một con số khá tham vọng, nhất là trong bối cảnh vật tư đều tăng. Thực tế, khi đặt mục tiêu này, lãnh đạo HBC đã tính đến lợi nhuận từ việc thoái vốn 2 dự án bất động sản. Cả hai dự án này đều đã bán nhưng lại chưa hoàn tất thủ tục để ghi nhận lợi nhuận ngay trong quý III/2022.

HBC đang thực hiện chiến lược phát triển giá trị trong thị trường công nghiệp chế biến, chế tạo theo làn sóng dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam. Từ nay đến cuối năm 2022, HBC sẽ quay lại với các mảng công nghiệp nặng như nhà máy chế tạo gang thép - tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án Hòa Phát Dung Quất quy mô gấp đôi giai đoạn đầu, năng lượng sạch với các nhà máy nhiệt điện, điện khí hóa lỏng như Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản). Đối với thị trường quốc tế, dự kiến trong quý IV/2022, Tập đoàn sẽ triển khai xây dựng dự án tại khu vực Great Sydney và New South Wales, đồng thời tham gia công tác xây dựng tại Brisbane và Gold Coast (Australia) nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Brisbane sẽ diễn ra vào năm 2032.

Biến động giá cả vật liệu, chi phí sản xuất quá lớn, nợ đọng, thủ tục pháp lý phức tạp cũng như thắt chặt dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đang là những thách thức, khó khăn đối với các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hiện nay. Sau khi ghi nhận vẻn vẹn 1,2 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, tương đương 1% kế hoạch cả năm, Công ty cổ phần Fecon (mã FCN) cho biết, Công ty đã ghi nhận thêm các gói thầu mới trong nửa đầu quý III với tổng giá trị đạt hơn 250 tỷ đồng. Ở mảng hạ tầng và công trình ngầm, Fecon thông báo trúng gói thầu xử lý nền móng trị giá 111 tỷ đồng thuộc dự án Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc, Thị Nghè, TP.HCM và một số công trình tại nước ngoài như thi công xử lý nền cho dự án Xử lý và cung cấp nước Bakheng tại Campuchia.

Với độ trễ về ghi nhận doanh thu, lợi nhuận của các dự án, các doanh nghiệp xây lắp như Hòa Bình hay Fecon khó có “điểm rơi” lợi nhuận trong quý IV này.

Agriseco Research cho biết, sau khi tạo đỉnh vào giai đoạn tháng 4/2022 – tương ứng mức P/B chung toàn ngành khoảng 3,5x, nhóm cổ phiếu bất động sản đã giảm 30 - 50% từ đỉnh và tạo đáy ngắn hạn quanh ngưỡng P/B khoảng 2,25 lần. Ở giai đoạn 2018 - 2019, khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản, giá cổ phiếu của ngành đã điều chỉnh giảm và tạo đáy ở quanh mức P/B 2 lần.

Trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu bất động sản chưa có nhiều “cửa sáng”. Với diễn biến bất lợi của thị trường chung, nhóm này cũng bị “xả” trong tuần vừa qua. Đơn cử, cổ phiếu DXG có chuỗi 3 phiên bị tự doanh xả ra trong tuần qua (26 - 28/9), dù Chủ tịch Hội đồng quản trị Đất Xanh Lương Trí Thìn đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu trong tuần trước đó.

Tin bài liên quan