Doanh nghiệp địa ốc: Xu hướng đa ngành trỗi dậy

Doanh nghiệp địa ốc: Xu hướng đa ngành trỗi dậy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, việc định hướng phát triển đa ngành nghề còn giúp doanh nghiệp địa ốc khai thác triệt để các thế mạnh vốn có, tạo giá trị cộng hưởng cho cộng đồng…

Chiến lược đa ngành

Trong tháng cuối cùng của năm 2021, một trong những thông tin gây chú ý là việc “ông lớn” ngành thép Hòa Phát công bố “trận đánh lớn” vào mảng bất động sản với một vị thế khác so với 2 dự án Mandarin 1, Mandarin 2 trước đây, khi theo công bố, Hòa Phát cùng với đối tác sẽ triển 2 dự án quy mô hơn 2.800 ha tại Khánh Hòa, trong đó 700 ha đất thương phẩm có thể triển khai ngay sau những cuộc làm việc với các lãnh đạo tỉnh này.

Tham vọng của Hòa Phát, như chia sẻ của Chủ tịch Trần Đình Long, đó là phát triển mạnh mảng bất động sản công nghiệp, đại đô thị và sân golf. Trong đó, sản phẩm cốt lõi là các dự án đại đô thị diện tích từ 300-500 ha, tương đương với các đại đô thị Ecopark hay Vinhomes Ocean Park hiện nay.

“Hòa Phát sẽ làm bất động sản cao cấp, nhưng không phải siêu sang, nhắm đến những người có thu nhập khá và cao”, ông Long nói.

Tại Tập đoàn Đất Xanh, “tầm nhìn mới” là khẩu hiệu được phát đi trong những ngày cuối năm 2021 với định hướng phát triển đa ngành nghề, đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động trên cơ sở khai thác thế mạnh các mảng hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp.

Việc lấn sân sang lĩnh vực các kinh doanh khác ngoài bất động sản, theo chia sẻ của lãnh đạo Đất Xanh, là nhằm mục đích đa dạng nguồn doanh thu, nâng cao chất lượng lợi nhuận. Trong đó, sự thay đổi tư duy từ phát triển sản phẩm đơn lẻ sang tập trung xây dựng hệ sinh thái đa ngành nghề sẽ tăng cường khả năng phục vụ khách hàng và khai thác các lĩnh vực tăng trưởng có sự cộng hưởng với hoạt động kinh doanh hiện tại, bao gồm phát triển bất động sản khu đô thị, dịch vụ bất động sản, xây dựng, tài chính - đầu tư và công nghệ, với mảng kinh doanh lõi là phát triển các dự án khu đô thị và dịch vụ bất động sản.

Với Kosy Group, 2021 là một năm đáng nhớ bởi đã cụ thể hóa được các chiến lược mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đề ra từ nhiều năm trước, khi toàn bộ các turbine của nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu giai đoạn 1 - công suất 40,5 MW chính thức được công nhận vận hành thương mại (COD). Tới đầu tháng 12/2021, Kosy Group tiếp tục đưa các nhà máy thủy điện Nậm Pạc 1, Nậm Pạc 2 vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Kosy Group cho biết, Covid-19 mang tới nhiều thách thức, nhưng cũng là động lực để doanh nghiệp linh hoạt hơn, nhạy bén hơn trong tư duy. Trong đó, việc phát triển các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo giúp Kosy Group đi sâu hơn vào chuỗi giá trị của mình, gia tăng thị phần, sản phẩm và mức độ tiếp cận với thị trường, mang lại các giá trị chung cho cộng đồng.

Tương tự, Tập đoàn Hà Đô - vốn là một công ty bất động sản, cũng đã rót hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng 5 nhà máy điện (bao gồm cả thủy điện và điện mặt trời). Tính tới cuối năm 2021, tổng công suất phát điện tại các dự án đang triển khai đạt 466 MW, sản lượng điện ước đạt 1.032 triệu KWh. Cũng trong năm 2021, Hà Đô đã thành lập Công ty Năng lượng Hà Đô và tiến hành tái cấu trúc mảng năng lượng này.

Năm qua, Novaland công bố tái cấu trúc toàn diện, chuyển mình từ nhà phát triển bất động sản thuần túy thành tập đoàn đa ngành mang tên NovaGroup với 3 trụ cột chính: Novaland, Nova Consumer và Nova Services. Bên cạnh việc chi hàng ngàn tỷ đồng để gia tăng quỹ đất tại các địa phương, đẩy mạnh phát triển các dự án nghỉ dưỡng, Novaland còn tiến hành các thương vụ M&A ở nhiều mảng khác như dịch vụ, tiêu dùng và công nghệ.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc NovaGroup chia sẻ, Tập đoàn tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực công nghệ để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, chẳng hạn những nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y của NovaGroup - vốn là mảng thâm dụng lao động, đang đứng trước thách thức thiếu hụt lao động sau giãn cách và công nghệ sẽ là “chìa khóa” giải quyết thách thức này.

Bamboo Capital trong vài năm qua cũng đã tiến hành M&A nhiều dự án để nhanh chóng hoàn thiện các mảng kinh doanh chủ lực là năng lượng tái tạo và bất động sản. Tính tới cuối tháng 9/2021, Bamboo Capital đã chi hơn 797 tỷ đồng để thâu tóm 71% vốn của Bảo hiểm AAA, qua đó đưa tài chính trở thành mảng kinh doanh chiến lược thứ 5, bên cạnh các mảng sản xuất, xây dựng, bất động sản và năng lượng tái tạo. Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Bamboo Capital cho hay, sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư kinh doanh mới thông qua hoạt động M&A, phù hợp với chiến lược phát triển đa ngành của Công ty.

Quan trọng là định hướng cho từng mảng hoạt động

Theo một khảo sát của KPMG trong tháng 9/2021, 86% tổng giám đốc được khảo sát cho rằng, M&A sẽ là một trong những động lực tăng trưởng chính của các doanh nghiệp trong 3 năm tới. KPMG dự báo, các giao dịch M&A toàn cầu năm 2022 có thể đạt con số kỷ lục 6.000 tỷ USD, khi các doanh nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ nguồn tài chính rẻ và kinh tế phục hồi.

Tại Việt Nam, theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, tái cấu trúc đang thành chủ đề “nóng” trên sàn chứng khoán. Trong giai đoạn bùng nổ của thị trường vừa qua, những cổ phiếu có sức bật mạnh phần lớn đều trải qua quá trình tái cơ cấu bộ máy hoạt động. Điều này cho thấy, nhà đầu tư rất quan tâm và sẵn sàng “đặt cược” nhiều hơn vào những nét tươi mới mà hoạt động M&A mang lại cho doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, xu hướng đa dạng hóa ngành nghề của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bất động sản nói riêng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đó là sự xuất hiện cung - cầu mới, xu hướng phát triển ngành và sự phát triển của khoa học công nghệ, cũng như từ sự gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các đối thủ tiềm năng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải bám sát thị trường, nhạy bén và năng động nắm bắt những thời cơ mới, không ngừng mở rộng quy mô, phát huy được các nguồn lực bên trong, huy động được nguồn lực bên ngoài, giảm thiểu rủi ro theo hướng “không bỏ hết trứng vào một giỏ”.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, thông qua con đường tích lũy tài sản giá rẻ, doanh nghiệp dần trở nên to lớn hơn, hùng mạnh hơn. Nhiều doanh nghiệp chủ trương phát triển đa ngành, xem đó là trụ cột chiến lược để giữ được vị thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý rằng, phát triển theo hướng đa ngành cũng đồng nghĩa với việc mở rộng quy mô hoạt động, nên doanh nghiệp cần có định hướng, có chiến lược rõ ràng, cụ thể cho từng mảng kinh doanh để vừa tăng cường sự hiệu quả, vừa hạn chế rủi ro, giúp phát triển doanh nghiệp theo hướng ổn định, bền vững, bởi nếu đi “chệch hướng” thì thiệt hại sẽ rất khó lường, có thể làm suy giảm hình ảnh, thậm chí đánh mất thương hiệu của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan