Theo quy hoạch điện 8, công suất điện mặt trời sẽ tăng "khiêm tốn" trong giai đoạn 2021-2030.

Theo quy hoạch điện 8, công suất điện mặt trời sẽ tăng "khiêm tốn" trong giai đoạn 2021-2030.

Doanh nghiệp điện thích ứng và tìm cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi chờ hướng dẫn Quy hoạch điện 8, các doanh nghiệp trong ngành đã có những dự tính để thích ứng và tận dụng cơ hội.

“Mục tiêu hợp tác và phát triển 1.000 MW điện gió đến năm 2035”

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn PC1

Doanh thu bán điện năm 2022 của PC1 tăng 85% so với năm trước, đạt 102% kế hoạch năm. Điều kiện thủy văn thuận lợi dẫn đến sản lượng điện và doanh thu đều vượt kế hoạch. Biên lợi nhuận gộp của hoạt động bán điện duy trì ở mức cao nhờ các nhà máy thủy điện của PC1 đều được áp dụng biểu giá tránh được cho thủy điện nhỏ, mức giá này cao hơn giá mua hợp đồng (PPA -Power Purchase Agreement) của thủy điện có công suất lớn (trên 30 MW) khoảng 20 - 30%. Các nhà máy điện gió đều vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021 và được hưởng giá bán điện ưu đãi FIT.

Các dự án thủy điện nhỏ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó là năng lực quản lý đầu tư xây dựng dự án tốt giúp kiểm soát chi phí đầu tư thấp, sản lượng điện thương phẩm cao, các nhà máy đều hoạt động hết công suất và được quản lý vận hành chuyên nghiệp, tối ưu bởi công ty con của PC1.

Trong khi chờ các hướng dẫn của Quy hoạch điện 8, PC1 đang khảo sát các dự án điện gió trong đất liền và nghiên cứu chuẩn bị đầu tư Thủy điện Bảo Lạc A, Thượng Hà, dự án điện mặt trời áp mái Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng.

Tập đoàn đặt mục tiêu đầu tư và quản lý vận hành hiệu quả 350 MW các nhà máy điện năng lượng tái tạo, lũy kế sản lượng điện thương phẩm đạt 7 tỷ kWh, tương đương cắt giảm 5,6 tỷ tấn CO2 quy đổi; hợp tác và phát triển thành công 1.000 MW điện gió đến năm 2035.

PC1 ưu tiên phát triển năng lực tổng thầu EPC các công trình điện với các giải pháp đồng bộ, ưu tiên giải pháp phát triển công nghệ cao. Bên cạnh các dự án trong nước, PC1 sẽ tham gia thị trường nước ngoài với mục tiêu đến 2027, giá trị doanh thu hợp đồng ký đạt 40%.

“Chuyển đổi nguồn nhiên liệu là yêu cầu sống còn”

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC)

Với Quy hoạch điện 8, trong mảng nhiệt điện than, chỉ thực hiện tiếp các dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Điều này sẽ chấm dứt kỳ vọng về Dự án Nhiệt điện Phả Lại 3 với công suất 660 MW, thay thế dây chuyền 1 của Công ty.

Bên cạnh đó, còn một số nội dung ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhiệt điện than nói chung và PPC nói riêng như định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp; ngừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không chuyển đổi nhiên liệu. Đến năm 2050, không còn sử dụng than để phát điện, chuyển hoàn toàn nhiên liệu sang sinh khối và amonic.

Hội đồng quản trị, Ban điều hành của Công ty đã xem xét vấn đề này. Công ty đang xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn: Tiếp tục củng cố máy móc thiết bị dây chuyền 1, đồng thời xem xét chuyển đổi nguồn nhiên liệu sinh khối đối với dây chuyền này. Đây là yêu cầu sống còn của Công ty.

Hiện Công ty đã có tiếp xúc sơ bộ với đơn vị tư vấn liên quan chuẩn bị chuyển đổi nhiên liệu cho dây chuyền 1 và kế hoạch nâng cấp dây chuyền 1 để đáp ứng yêu cầu.

“Mở rộng sang kinh doanh mảng điện mặt trời áp mái”

Ông Lương Minh Tuấn , Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương

Năm 2022, doanh thu bán điện của Đạt Phương đạt 650 tỷ đồng. Nhờ có điều kiện thủy văn thuận lợi cho hoạt động phát điện, mưa đến sớm và phân bổ đều từ tháng 4 nên lưu lượng nước về hồ thượng lưu rất lớn, hoạt động của Công ty cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sông Bung, Đạt Phương Sơn Trà thuận lợi.

Năm 2023, do ảnh hưởng của El Nino, doanh thu bán điện của Đạt Phương ước đạt 500 tỷ đồng. Việc các hồ thủy điện cạn kiệt nước khiến thời gian phát điện của doanh nghiệp bị giảm đáng kể. Công ty định hướng thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng và dự báo để tối ưu hóa hiệu quả đối với những dự án đang vận hành.

Đạt Phương đã mua lại 100% vốn của Công ty TNHH Fukunana để mở rộng sang kinh doanh mảng điện mặt trời áp mái.

“Nâng cao độ khả dụng của các tổ máy”

Ông Dương Sơn Bá, Tổng giám đốc CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã HDN)

Để đảm bảo công tác sản xuất điện đạt được các mục tiêu đề ra, Công ty đã và đang đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao độ khả dụng của các tổ máy, đáp ứng tốt phương thức vận hành, đảm bảo sản lượng điện sản xuất theo kế hoạch được giao.

Theo kế hoạch, sản lượng điện sản xuất dự kiến năm 2023 của Nhiệt điện Hải Phòng khoảng 7,749 triệu kWh, nhu cầu sử dụng than khoảng 3,778 triệu tấn. Trong khi đó, khối lượng than ký với Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc chỉ là 3,25 triệu tấn.

Nhiệt điện Hải Phòng sẽ nhập 200.000 tấn than không dùng hết từ Nhiệt điện Phả Lại; Tổng công ty Đông Bắc cũng cam kết tăng thêm 100.000 tấn cho chúng tôi để đảm bảo than cho nhà máy sản xuất điện.

Tin bài liên quan