Ông Vũ Tiến Lộc.

Ông Vũ Tiến Lộc.

Doanh nghiệp đủ sức chống đỡ khủng hoảng

(ĐTCK) Giữ vai trò động lực tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế, DN là khu vực cảm nhận rõ nhất tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vậy các DN đang đối mặt với khó khăn gì, khả năng chống đỡ ra sao? Báo ĐTCK đã phỏng vấn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Cộng đồng DN đang chịu những tác động như thế nào từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, thưa ông?

Năm 2008 là năm khó khăn đối với tất cả các DN trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, DN Việt Nam trải nghiệm những khó khăn này sớm hơn, do tác động của lạm phát và tình hình bất ổn của kinh tế trong nước. Ngay cả khi khủng hoảng tài chính thế giới chưa xảy ra, thì nguy cơ về sự đình đốn sản xuất kéo theo những bất ổn về an sinh xã hội đã xuất hiện và thực tế điều này đã và đang xảy ra vào những tháng cuối năm 2008. Không ít DN xuất khẩu đã phải ngừng hoạt động do thiếu đơn đặt hàng, nhất là trong các ngành dệt may, chế biến gỗ, chế biến thủy sản, sản xuất linh kiện điện tử... Đây lại là những ngành sử dụng nhiều lao động, vì vậy, xu hướng gia tăng thất nghiệp trong giai đoạn tới là điều khó tránh khỏi.

Vấn đề khó nhất mà các DN đang và sẽ tiếp tục phải đương đầu là gì, các giải pháp trợ giúp cần hướng vào đâu, thưa ông? 

Theo tôi, đó là sức cầu của thị trường cả trong và ngoài nước đang suy giảm. Vì vậy, giải pháp sắp tới là phải tập trung khôi phục lại sức cầu của thị trường, trong đó kích cầu đầu tư phải được ưu tiên hàng đầu.

Thứ nhất, các bộ, ngành cần khẩn trương tập trung triển khai các biện pháp hỗ trợ cho DN một cách hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường kính thích đầu tư công và hỗ trợ khởi sự DN.

Thứ ba, tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh cho các DN nhỏ và vừa.

Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin dự báo.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục phiền hà, kích thích đầu tư từ khu vực dân doanh.

Thứ sáu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong DN, hạn chế nguy cơ đình công tự phát làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hạn chế nguy cơ giải thể DN do tranh chấp lao động, làm gia tăng thất nghiệp, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Về phía các DN cần làm gì để "tự bảo vệ mình", thưa ông ? 

Trước hết, các DN phải xây dựng cho mình một chiến lược kinh doanh bài bản, phải nâng cao năng lực của mình về mọi phương diện. Thị trường trong gian tới sẽ khó chấp nhận "sản phẩm cũ" và "lối đi cũ", vì thế việc nâng cao năng lực quản trị, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ phải trở thành ưu tiên số một. Bên cạnh đó, sự liên kết tương hỗ giữa các DN trở nên vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Các DN phải tăng cường liên kết với nhau trong hiệp hội ngành nghề, trong các cụm công nghiệp, trong chuỗi cung ứng... Một giải pháp nữa là các DN phải luôn luôn giữ thế chủ động, không ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước, thường xuyên theo dõi diễn biến của thị trường trong giai đoạn hiện nay.

Sự chủ động từ phía DN là quyết định, nhưng sự hỗ trợ của Nhà nước cũng rất quan trọng. Trong điều kiện DN nào cũng khó khăn, những giải pháp hỗ trợ chung nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các DN, nhưng những hỗ trợ trực tiếp (do nguồn lực hỗ trợ có hạn) thì cần có sự lựa chọn, không phải ai khó khăn thì hỗ trợ, càng khó càng phải hỗ trợ nhiều mà phải có sự lựa chọn.

Ông đánh giá thế nào về khả năng chống đỡ của các DN Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?

Phải nói rằng, DN và nền kinh tế Việt Nam có một sức bền, có khả năng thích ứng với hoàn cảnh rất cao. Trước đây, từng có những cảnh báo về khó khăn của DN, thậm chí cả sự phá sản của một loạt DN khi thị trường Đông Âu, Nga sụp đổ. Hoặc khi chúng ta ký Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do các nước ASEAN, Hiệp định tự do thương mại với Mỹ hay khi gia nhập WTO…, có nhiều dự báo rằng, DN Việt Nam sẽ phá sản hàng loạt do không chịu nổi áp lực cạnh tranh. Nhưng có thể nói, những dự báo đó đều bi quan hơn so với thực tế phát triển DN. Sau mỗi lần hội nhập, đổi mới, cải cách, DN Việt Nam đều thể hiện sức bật, sự vươn lên, khả năng thích nghi rất cao.

Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế khó khăn, nhưng tôi nghĩ phần lớn DN sẽ tìm được đường đi của mình, họ sẽ vượt lên khó khăn để trụ vững và phát triển.

Sức sống nội tại, năng lực vượt khó vươn lên của con người, DN Việt Nam là rất lớn. Với việc định hướng đúng đắn của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế trong giai đoạn hiện nay, phần lớn DN của chúng ta sẽ trụ vững và phát triển trong thời gian tới.