Doanh nghiệp được dán nhãn “hàng mau hỏng” khi vận chuyển một số loại hàng hoá

Doanh nghiệp được dán nhãn “hàng mau hỏng” khi vận chuyển một số loại hàng hoá

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp vận tải được phép in bổ sung thêm nhãn “hàng mau hỏng" dán trên kính xe kèm thẻ nhận diện khi chở một số loại hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn.

Cụ thể, để tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hoá trong thời gian TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ban hành văn bản số 4658, trong đó có nội dung tạo luồng xanh ưu tiên cho phương tiện vận chuyển đã có thẻ nhận diện phương tiện được đi qua các chốt kiểm soát trong thời gian sớm nhất.

Hiện nay, đối với một số loại hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn cần ưu tiên được vận chuyển nhanh đến người tiêu dùng như nông sản, thực phẩm tươi sông, hàng đông lạnh, tại văn bản số 4974, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải in bổ sung thêm nhãn “hàng mau hỏng" trên giấy màu vàng.

Sau đó, đóng dấu treo của đơn vị và dán trên kính xe kèm với thẻ nhận diện đã được cấp trong các chuyển vận chuyên loại hàng như trên để các chốt kiểm soát nhận biết và tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cam kết sử dụng nhãn “hàng mau hỏng" đối với đúng loại hàng hóa mau hỏng, đúng các quy định về việc sử dụng thẻ nhận diện, di chuyến đúng luồng, tuyến, dừng, đỗ bốc xếp dỡ hàng hóa đã ghi trong giấy vận tải.

Đồng thời, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương và thông báo cho các chốt để có biện pháp ưu tiên cho các phương tiện đã dán nhãn “Hàng mau hỏng" được lưu thông nhanh qua chốt.

Nhằm gia tăng năng lực cung ứng hàng hoá trên địa bàn, trong ngày 22/7, trên địa bàn TP.HCM có 77 điểm bán và 87 lượt xe bán bán hàng lưu động, phân bổ trên địa bàn các quận – huyện với tổng lượng hàng hóa trong ngày gồm 19 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 14.000 quả trứng.

Trong đó, Sở Công thương TP.HCM tổ chức 21 điểm với 31 lượt xe lưu động theo đề xuất của các quận huyện. Viettel Post tổ chức 34 điểm bán với 34 lượt xe với lượng hàng hóa là 11 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, đồ khô…)

VN Post tổ chức 22 điểm bán với 22 lượt xe với lượng hàng hóa là 01 tấn thực phẩm các loại (rau củ quả, thịt, đồ khô…) và 3.000 quả trứng.

Lũy kế từ ngày 11/7 đến ngày 22/7, các doanh nghiệp cùng ngành công thương TP.HCM đã tổ chức được 798 điểm bán với 866 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận – huyện, Thành phố Thủ Đức.

Tổng lượng hàng hóa cung cấp trong 12 ngày này khoảng 415 tấn thực phẩm các loại, 120.700 quả trứng.

Tin bài liên quan