11 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt của Imexpharm là 107 tỷ đồng, bằng 89,3% kế hoạch năm

11 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt của Imexpharm là 107 tỷ đồng, bằng 89,3% kế hoạch năm

Doanh nghiệp dược tăng tốc về đích 2014

(ĐTCK) Chỉ còn chưa đầy nửa tháng là kết thúc năm tài chính, nhiều doanh nghiệp ngành dược đang nỗ lực tăng tốc để ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất, hoàn thành kế hoạch 2014 đề ra.

Theo thông tin từ CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), kết quả kinh doanh tháng 10 và tháng 11 đều có sự tăng trưởng về mặt doanh thu so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2014, tổng doanh thu IMP là 687,6 tỷ đồng, đạt 68,8% kế hoạch 2014, giảm 0,4% so với cùng kỳ 2013. Lợi nhuận trước thuế 10 tháng đạt 94,2 tỷ đồng, bằng 78,5% kế hoạch năm, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Tính riêng tháng 10 năm 2014, tổng doanh thu đạt 88,9 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 12 tỷ đồng, tăng 135,3% so với tháng 10/2013. Đối với hàng Imexpharm tự sản xuất và phân phối, doanh thu 10 tháng giảm 0,6% so với cùng kỳ, trong đó thị trường OTC (nhà thuốc) đạt mức tăng trưởng cao 35,2%, chiếm tỷ trọng 78%; thị trường ETC (bệnh viện) giảm 48,7%, chiếm tỷ trọng 22%. 

Sang tháng 11, tổng doanh thu của Công ty đạt 84,7 tỷ đồng, tăng 19,3% so với tháng 11/2013, lợi nhuận trước thuế đạt 13 tỷ đồng, tăng 64,6% so với cùng kỳ. Luỹ kế 11 tháng, tổng doanh thu Imexpharm là 772,4 tỷ đồng, đạt 77,2% kế hoạch 2014, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 107 tỷ đồng, bằng 89,3% kế hoạch năm, tăng 13,4% so với cùng kỳ.

So với kế hoạch doanh thu 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận 120 tỷ đồng, ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch HĐQT IMP cho biết, năm nay do cạnh tranh gay gắt nên doanh thu cả năm của IMP dự kiến đạt khoảng 95% kế hoạch, nhưng lợi nhuận vẫn đảm bảo đạt 120 tỷ đồng như Nghị quyết ĐHCĐ đã thông qua.

Trong tháng 11/2014 vừa qua, IMP đã hoàn tất đợt phát hành hơn 1,25 triệu cổ phiếu ESOP. Công ty đang triển khai kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược tỷ lệ 10% vốn điều lệ, giá phát hành dự kiến không thấp hơn 30.000 đồng/CP. Với mục tiêu đẩy mạnh thị trường OTC, ông Định cho biết, đối tác chiến lược của IMP là doanh nghiệp trong nước có hệ thống phân phối mạnh. Theo đánh giá của CTCK Maybank Kim Eng, nếu đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của IMP sẽ tăng từ 263 tỷ đồng hiện nay lên 289,4 tỷ đồng. Tỷ lệ pha loãng tính chung sau các đợt phát hành khoảng 6,6%. Theo đó, room nước ngoài sẽ tăng thêm khoảng 1,9 triệu cổ phiếu (hiện cổ phiếu IMP hầu như đã kín room nước ngoài).

Tại CTCP Dược Hậu Giang (DHG), quý III năm nay, doanh thu thuần đạt 908,4 tỷ đồng, chủ yếu do sản lượng tăng, trong đó, doanh thu hàng sản xuất tăng gần 20% và hàng phân phối giảm gần 32% so với cùng kỳ. Theo đó, hàng sản xuất đóng góp hơn 90% tổng doanh thu, tăng 4% so với cùng kỳ. Sự thay đổi cơ cấu doanh thu của DHG cũng dễ hiểu, bởi năm nay phần lớn DHG không còn phân phối sản phẩm Eugica cho đối tác Mega Lifesciences nữa. Lợi nhuận trước thuế 178 tỷ đồng, giảm 34,6% so với cùng kỳ do quý III năm 2013, thương vụ chuyển nhượng Eugica đã đem về cho DHG khoảng 122 tỷ đồng lợi nhuận. Theo nhận định của CTCK, nếu loại trừ thu nhập bất thường này, lợi nhuận trước thuế quý III năm 2014 vẫn tăng trưởng tốt ở mức 18,5%. Theo đó, trong 9 tháng năm 2014, DHG đã hoàn thành 67% kế hoạch doanh thu và và 75% kế hoạch lợi nhuận. Giai đoạn những tháng cuối năm thường là mùa cao điểm của kênh thương mại (OTC), vốn là kênh phân phối chủ lực của DHG. Do vậy, DHG có thể đạt được kế hoạch đề ra.

CTCP Traphaco (TRA) có vẻ khó khăn hơn do bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi chính sách bán hàng. Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2013, trước khi áp dụng chính sách bán hàng mới, Traphaco đã có khoảng 10.000 khách hàng là các đại lý thứ cấp và các nhà thuốc bán lẻ. Trong thời gian đầu áp dụng chính sách mới, số lượng khách hàng thứ cấp tái ký hợp đồng sụt giảm về mức 6.700 khách hàng do họ chưa quen với cách thức vận hành mới và chưa thấy được lợi ích từ việc tái ký hợp đồng. Theo đó, 9 tháng năm 2014, TRA ghi nhận sự sụt giảm về kết quả kinh doanh với 1.134 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 103 tỷ đồng, lần lượt giảm 11,2% và 14% so với cùng kỳ.

Trong tháng 10 vừa qua, TRA công bố thông tin về việc xử lý vi phạm về thuế theo kết quả thanh tra của Cục thuế Hà Nội cho giai đoạn 2009-2013, theo đó, tổng số tiền thuế phải nộp bổ sung và tiền phạt là khoảng 6,2 tỷ đồng. Khoản phải nộp này chỉ gần bằng 4% kế hoạch lợi nhuận sau thuế của TRA nên có thể không ảnh hưởng nhiều tới KQKD năm 2014. Tuy nhiên, trước những thông tin đó, nhiều NĐT cho rằng năm nay, TRA khó có thể đạt được kế hoạch đề ra. Cũng cần chú ý, TRA là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường đông dược trong nước, đồng thời chính sách bán hàng mới phát huy tác dụng thì có thể năm 2015, TRA sẽ lấy lại được “phong độ” của mình.

Tại các DN khác như OPC, luỹ kế 9 tháng thu về 62 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 72% kế hoạch 2014 và lợi nhuận sau thuế  46,6 tỷ đồng. Tại DMC, do Công ty chủ động thay đổi cách thức trong kinh doanh đối với một số sản phẩm không hiệu quả và tập trung vào hàng hoá do Công ty sản xuất nên doanh thu thuần 9 tháng đạt hơn 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 95 tỷ đồng, tăng lần lượt 9,53% và 26,47%.

Khả năng nhiều DN dược về đích kế hoạch 2014 là khá cao.

Tin bài liên quan