Doanh nghiệp FDI đã chuyển giao công nghệ?

Doanh nghiệp FDI đã chuyển giao công nghệ?

(ĐTCK) Đang tồn tại ý kiến trái chiều, khi trả lời câu hỏi các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam hay chưa?

Doanh nghiệp FDI đã chuyển giao công nghệ? ảnh 1Chưa có bằng chứng đủ thuyết phục cho thấy đã diễn ra quá trình chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN Việt Nam

 

Đáp án chưa thuyết phục?

Tại Hội thảo công bố hai nghiên cứu chuyên sâu: Hiệu ứng lan tỏa công nghệ theo chiều dọc; công nghệ và cạnh tranh của DN, dựa trên báo cáo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ DN tại Việt Nam: kết quả điều tra năm 2011”, do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường đại học Copenhagen (Đan Mạch) tổ chức vừa diễn ra, cho thấy, các DN FDI đã thực hiện chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam.

Với tư cách là người trực tiếp tham gia nhóm nghiên cứu, TS. Theodore Talbot, Trường đại học Copenhagen khẳng định, thay vì đưa ra câu hỏi các DN FDI đã chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam hay chưa như nhiều nghiên cứu trước đây, điểm khác biệt của kết quả nghiên cứu mới nhất này là khẳng định: quá trình chuyển giao công nghệ đã diễn ra. Kết luận này được đưa ra trên cơ sở tổng hợp số liệu của 3 năm liên tiếp gần đây từ các cuộc khảo sát trực tiếp tại các DN, cũng như bằng các nghiên cứu thực nghiệm khác.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tú Anh, Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng, qua theo dõi và nghiên cứu số liệu hoạt động của các DN FDI suốt hơn 20 năm qua cho thấy, chưa có bằng chứng đủ thuyết phục cho thấy đã diễn ra quá trình chuyển giao công nghệ của DN FDI cho các DN Việt Nam. Điều này đặt ra hai khả năng: các DN FDI không muốn chuyển giao công nghệ, hoặc các DN Việt Nam không muốn hoặc không đủ năng lực nhận chuyển giao công nghệ.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong nỗ lực thu hút FDI là tạo ra quá trình chuyển giao công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài cho các DN Việt Nam . Quá trình này đã diễn ra hay chưa, ở hình thái và cấp độ nào, đang là câu hỏi mà đáp án trả lời vẫn còn khác nhau. Một khi chưa có câu trả lời tương đối thống nhất, sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách không khỏi lúng túng trong đề xuất các chính sách thu hút vốn FDI trong giai đoạn tới.

 

Thiếu “đất” cho chuyển giao công nghệ

Trong bối cảnh dư địa cho các DN Việt Nam tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng nhân công, nguồn nguyên liệu giá rẻ đang ngày càng ít đi, các DN không còn sự lựa chọn nào khác là phải đầu tư nhiều hơn cho công nghệ nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với kết quả nghiên cứu vừa công bố, TS. Theodore Talbot cho hay, quá trình chuyển giao công nghệ cho thấy đã có tác động tích cực đến lợi nhuận của DN. Điều đó có nghĩa, công nghệ đang ngày càng có vị trí quan trọng không chỉ ở khía cạnh nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, mà còn là công cụ hữu hiệu giúp DN gia tăng lợi nhuận. Để thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ được diễn ra liên tục và hiệu quả, nếu chỉ có sự vào cuộc của DN thôi chưa đủ, mà rất cần Nhà nước làm “bà đỡ”, đặc biệt là ở khía cạnh tạo ra cơ chế kích thích quá trình chuyển giao công nghệ.

Tầm quan trọng của chuyển giao công nghệ đối với DN không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là đang thiếu môi trường cho quá trình chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN Việt Nam diễn ra thực chất và hiệu quả hơn. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Tú Anh, là sự bất ổn kinh tế vĩ mô. Thực tế đã chứng minh, môi trường vĩ mô bất ổn chỉ kích thích các DN, nhà đầu tư triển khai các hoạt động đầu cơ, để vừa giảm thiểu rủi ro, nhưng đồng thời tranh thủ kiếm lời nhanh, hơn là triển khai các hoạt động đầu tư bài bản mang tính dài hạn. Trong khi đó, yếu tố cốt lõi mà hoạt động đầu tư và chuyển giao công nghệ luôn đòi hỏi tại bất cứ một nền kinh tế nào, là môi trường vĩ mô phải ổn định bền vững. Chỉ có như vậy, DN mới yên tâm đầu tư cho con người, công nghệ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Chính bởi vậy, không còn cách nào khác, phải kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nếu muốn quá trình đầu tư và chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN Việt Nam diễn ra nhanh và hiệu quả hơn…”, ông Tú Anh khuyến nghị đồng thời cho rằng, cùng với đó Nhà nước cũng cần sớm hình thành cơ chế đồng bộ để khuyến khích quá trình chuyển giao công nghệ diễn ra thực chất hơn vì chính lợi ích của DN.