Doanh nghiệp hứng khởi với triển vọng 2017

Doanh nghiệp hứng khởi với triển vọng 2017

(ĐTCK) Về triển vọng kinh tế năm 2017, theo nhận định của nhiều doanh nghiệp (DN), sẽ lạc quan hơn năm 2016, khi các nền kinh tế lớn trên thế giới dần vượt qua khủng hoảng. 

Đối với Việt Nam, nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ trong tiến trình cải cách mạnh mẽ đất nước theo Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cũng mang lại kỳ vọng sẽ tạo nên sự bứt phá mới. 

Kỳ vọng sáng sủa

Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của DN 10 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ 2015, kết quả khảo sát các DN trong Bảng xếp hạng VNR 500 do Vietnam Report thực hiện vào tháng 11/2016 cho thấy, mặc dù vẫn có những phản hồi về sự suy giảm doanh thu hay lợi nhuận trong giai đoạn này (khoảng 15%), song phần lớn DN đều cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh đã tăng trưởng về mọi mặt.

Doanh nghiệp hứng khởi với triển vọng 2017 ảnh 1

Năm 2016 được đánh giá là năm mà DN phải đối diện với nhiều thách thức, từ áp lực tăng trưởng nền kinh tế trong nước, cho đến những biến động kinh tế, địa chính trị trên thế giới… Mặc dù vậy, dự báo cho tình hình sản xuất kinh doanh trong 3 tháng đầu năm 2017, đa phần DN trong VNR 500 đưa ra đánh giá khả quan về tổng thể tình hình sản xuất kinh doanh. Theo đó, có 60% DN cho hay sẽ giữ nguyên số lượng và quy mô lao động trong quý I/2017…

Với lĩnh vực đầu tư, hầu hết DN lớn đều quyết định tăng đầu tư cho các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong giai đoạn 2017-2018, cụ thể: 32% DN cho biết sẽ tăng giá trị đầu tư tối thiểu 1,5 lần (50%) so với mức hiện tại; 76% DN phản hồi sẽ tăng quy mô kinh doanh và chỉ có 5% giữ nguyên tình hình quy mô hiện tại… 

Nhiều cơ hội đầu tư mới

Không chỉ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong nước, đáng chú ý, kết quả khảo sát trên cũng cho thấy, nhiều DN lớn có kế hoạch mở rộng đầu tư ra các thị trường nước ngoài nhằm đón nhận và khai thác cơ hội kinh doanh mới.

Cụ thể, có 45% DN chia sẻ ý định và kế hoạch đầu tư ra nước ngoài trong vòng 5 năm tới, tập trung tại DN trong khối ngành công nghiệp/chế tạo và dịch vụ/thương mại. Điều này cho thấy, xu hướng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đang ngày càng gia tăng. Theo đánh giá của Vietnam Report, đối với các DN thuộc VNR 500, điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất là các quốc gia thuộc khối US/NAFTA, trong đó tập trung vào 3 nước khu vực Bắc Mỹ là Canada, Mỹ và Mexico, sau đó là các quốc gia châu Á đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia…

Liên quan đến tiến trình hội nhập, vấn đề lớn trước mắt hiện nay là trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó một số FTA sẽ có hiệu lực từ năm 2017, các DN Việt đã chuẩn bị những gì để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và liệu đã đủ nội lực để sẵn sàng cạnh tranh với các DN nước ngoài chưa ?

Trả lời câu hỏi này, báo cáo khảo sát các DN VNR 500 cho biết, gần 60% DN đánh giá ở mức mạnh và rất mạnh trong kỹ năng quản trị và nguồn cung ổn định. Tuy vậy, chỉ có 9% đánh giá ở mức rất mạnh và 25% ở mức mạnh về chất lượng hàng hóa/dịch vụ; bên cạnh, có 12% DN nhận định hoạt động marketing còn ở mức yếu…

“Những đánh giá trên cho thấy, vấn đề ưu tiên đối với các DN là phải đẩy mạnh thương hiệu Việt và nâng cao năng suất chất lượng nếu muốn tham gia sân chơi toàn cầu”, Báo cáo khảo sát khuyến nghị. 

Mở rộng làn sóng M&A

Đáng chú ý, theo nhận định của Báo cáo trên, xu hướng của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới là hội nhập sâu rộng và mở rộng hợp tác. Vì vậy, đã có nhiều nhà đầu tư từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc chọn cách gia nhập thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A).

“M&A và JV (liên doanh) đang dần trở thành các phương thức mà DN tìm kiếm để thu hút dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Gần 25% DN phản hồi đã thực hiện và đang trên tiến trình đàm phán sáp nhập, liên doanh trong 3 năm qua; 10% đã tìm kiếm và đang thăm dò về các thương vụ này”, Báo cáo cho biết.

Nhận định chung của các DN cho thấy, hoạt động M&A đang ngày càng hấp dẫn và trở thành kênh huy động vốn tốt, một hình thức đầu tư hiệu quả và là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DN, cũng như nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều DN có ý định M&A còn băn khoăn trong quá trình thực hiện, nhất là việc thu thập các nguồn thông tin đáng tin cậy về đối tượng, mục tiêu M&A.

Báo cáo trên chỉ ra rằng, có khoảng 24% DN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các cơ hội M&A do thiếu các đối tượng, mục tiêu hấp dẫn; 19% gặp rào cản từ việc đáp ứng các chính sách, quy định liên quan đến lĩnh vực M&A…

Do đó, đề xuất chung của các DN là cần tích cực đẩy mạnh việc minh bạch hóa thông tin của DN, cũng như thị trường M&A, đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách có liên quan, nhằm tạo khung pháp lý đầy đủ cho hoạt động M&A.

Tin bài liên quan