Doanh nghiệp không dễ phục hồi như giá chứng khoán

Doanh nghiệp không dễ phục hồi như giá chứng khoán

(ĐTCK) Tuần qua, VN-Index giảm 14,5%. Nhu cầu bắt đáy xuất hiện trong phiên cuối tuần đã tạo lực đỡ cho thị trường, giảm thiểu nguy cơ mất mát thêm của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp, nỗi lo tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh ngày càng lớn. 

Mức ảnh hưởng của dịch ngoài dự báo

Thực tế, sức càn quét của Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế là điều sớm được sự báo. Song với không ít doanh nghiệp, điều này đang diễn ra một cách nhanh chóng ngoài sức kiểm soát.

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành kinh doanh dịch vụ cho biết, cách đây hơn 1 tháng, khi Covid-19 mới chớm xuất hiện tại Việt Nam, doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh năm 2020 dựa trên các kịch bản tốt (ổn định), trung bình và xấu, để từ đó có các phương án kinh doanh hợp lý.

Khi đó, các ngành dịch vụ của công ty chỉ mới chịu ảnh hưởng giảm từ 10 - 15% bởi dịch, nhưng đến thời điểm hiện tại, các mảng dịch vụ hoạt động ghi nhận mức giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, doanh nghiệp không còn các kịch bản nữa, mà chỉ tập trung tìm giải pháp để có thể tồn tại trong năm 2020.

“Các nguồn thu giảm mạnh, trong khi doanh nghiệp vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền lãi ngân hàng, tiền lương cho cán bộ, nhân viên… Cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2020 sẽ diễn ra trong gần 1 tháng nữa, hội đồng quản trị công ty hiện chưa biết phải làm gì để các cổ đông thấu hiểu và chia sẻ với doanh nghiệp”, lãnh đạo doanh nghiệp trên nói.

Số liệu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân từ việc khảo sát 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 mới đây cho thấy, mức độ ảnh hưởng là lớn.

74% doanh nghiệp được khảo sát quan ngại, doanh nghiệp có thể bị phá sản nếu dịch bệnh kéo dài 6 tháng, chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng…

Về mức độ suy giảm doanh thu, gần 30% có doanh thu giảm từ 20 - 50%; 60% doanh nghiệp có doanh thu giảm trên 50%.

Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (Savico, mã chứng khoán SVC) vốn là doanh nghiệp rất mạnh trong mảng phân phối, sửa chữa ô tô, nhưng dự kiến trong quý I/2020, doanh thu giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân là do khách hàng đến xưởng sửa chữa xe và số lượng xe mới tiêu thụ đều giảm mạnh. Hai mảng kinh doanh vốn tạo thêm nguồn thu cho Savico trước đây là siêu thị và nhà hàng cũng ghi nhận tình trạng doanh thu teo tóp.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trên cả nước là 16.200, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9.400, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.800.

Theo lãnh đạo Savico, khó có thể lường được mức độ tác động của dịch bệnh lại lớn đến như vậy.

Hiện tại, doanh nghiệp tập trung khắc phục theo hướng tăng dịch vụ trực tuyến như khách hàng có yêu cầu sửa chữa không phải mang xe đến xưởng mà sẽ có công nhân trực tiếp đến tân nơi; kêu gọi các thành viên trên toàn hệ thống tiết kiệm chi phí, giảm lượng hàng tồn kho… để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dịch Covid-19 đang tác động đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhất là du lịch, giáo dục, dệt may, da giày, hàng không… Không ít doanh nghiệp đã phải tính đến việc cắt bớt nhân công, cho nghỉ việc không lương, thậm chí ngừng các hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp đã có đơn kiến nghị Chính phủ có thêm các chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, miễn lãi với thuế nộp chậm, miễn đóng bảo hiểm xã hội, giảm lãi suất, giãn các khoản vay, khoanh nợ…

Chính phủ đã công bố gói hỗ trợ kép, đó là gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng. Hai gói “cứu trợ” này có tác dụng san sẻ rủi ro giữa các thành phần kinh tế, thay vì bơm thêm tiền vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, cần có thời gian để gói cứu trợ được hấp thụ và không phải doanh nghiệp nào cũng được hỗ trợ.

Hiện tại, nhóm doanh nghiệp bất động sản đang gánh chịu những thiệt hại lớn mà “hàng tồn kho” là điểm mấu chốt.

Cụ thể, trong số các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng, 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 - 7.397 tỷ đồng. Hàng tồn kho bất động sản đang được xem gánh nặng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế khi doanh nghiệp không hoặc chưa bán được dự án.

Ðối với các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, sau năm 2019 “thăng hoa” cả về hiệu quả kinh doanh lẫn thị giá cổ phiếu, thì nay cũng đang chịu những tác động lớn khi nhu cầu thuê khu công nghiệp, kho vận suy giảm.

Khu công nghiệp và kho vận giảm công suất sản xuất ảnh hưởng đến bất động sản công nghiệp.

Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng tại Trung Quốc gây ảnh hưởng dây chuyền đến các quốc gia lân cận, do phần lớn hàng hóa trung gian trong chuỗi cung ứng của khu vực châu Á được sản xuất tại nơi bùng phát dịch Covid-19 này.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm về nhu cầu từ các khách thuê Trung Quốc trong những tháng đầu năm.

Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp liên tiếp trong tình trạng đỏ lửa, thậm chí giảm giá sàn.

Trong lĩnh vực dệt may, ông Lê Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Garmex (GMC) cho hay, Công ty đã lên kế hoạch tổ chức Ðại hội đồng cổ đông vào tháng 4/2020.

Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh diễn ra theo chiều hướng phức tạp thì Công ty sẽ tính đến việc xin lùi thời gian tổ chức.

Nói về tác động của Covid-19 đến doanh nghiệp, ông Hùng cho biết, hiện tại vẫn chưa thể lượng hóa được những thiệt hại từ dịch bệnh và các doanh nghiệp sẽ cần thời gian để khắc phục.

Với các hợp đồng đã ký với các đối tác, Công ty đang thực hiện đúng cam kết và tiến độ, nhưng khâu nhập nguyên liệu hay việc xuất hàng ra các thị trường gặp khó khăn, nhất là dịch Covid-19 đang có chiều hướng lan rộng ra các thị trường Mỹ, châu Âu…

“Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Công ty đang được Hội đồng quản trị nghe ngóng thêm nhiều thông tin, phân tích và xem xét để đưa ra kế hoạch phù hợp và khả thi nhất”, ông Hùng chia sẻ.

Một tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp ngành dệt may đó là các thị trường có mối liên thông quan trọng với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc… đang mở cửa trở lại, điều này giúp các doanh nghiệp sớm giải quyết được vấn đề nguyên phụ liệu cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa, vốn bị đóng cửa trong thời gian qua.

Doanh nghiệp không dễ phục hồi như giá chứng khoán

Trên sàn chứng khoán, kể từ sau khi Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 thứ 17, cũng là ca đầu tiên tại Hà Nội, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lao dốc.

Cụ thể, trong tuần giao dịch từ 9 - 13/3, chỉ số VN-Index mất 130 điểm, tương ứng giảm 14,5%, đóng cửa tại 761,78 điểm (trong phiên cuối tuần, chỉ số có thời điểm giảm còn 723,4 điểm).

Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam ước tính “bốc hơi” gần 600.000 tỷ đồng, tương tương khoảng 26 tỷ USD.

Dấu hiệu tích cực là trong phiên cuối tuần, mức giảm của các chỉ số được rút ngắn so với đầu phiên nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng.

Thậm chí, trên sàn phái sinh, sắc xanh xuất hiện, cho thấy tâm lý kỳ vọng thị trường cơ sở sẽ hồi phục.

Trong tuần, người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã lên tiếng trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK, thị trường chứng khoán Việt Nam suy giảm nằm trong bối cảnh suy giảm chung của thị trường chứng khoán khu vực và quốc tế.

Ông Dũng khuyến nghị, nhà đầu tư cần bình tĩnh, tin vào nội lực và không nên bán tháo đẩy thị trường xấu hơn.

Anh Nguyễn Văn Dũng, người có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư cho rằng, với tình hình hiện tại, diễn biến lao dốc của thị trường chứng khoán không đáng sợ, bởi chỉ một thời gian, khi tâm lý nhà đầu tư ổn định, thị trường sẽ hồi phục, vì nhiều doanh nghiệp niêm yết có nội lực vững vàng.

Thị trường chứng khoán lao dốc càng nhanh thì khả năng phục hồi cũng nhanh, dù khó có thể lấy lại những gì đã mất. Nhưng “sức khỏe” của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian, nhất là trong bối cảnh dịch vẫn đang có diễn biến phức tạp và trở thành đại dịch toàn cầu.            

Tin bài liên quan