Ngoài các khoản thuế, trong thực tế, doanh nghiệp còn phải đóng góp hàng trăm loại phí khác.

Ngoài các khoản thuế, trong thực tế, doanh nghiệp còn phải đóng góp hàng trăm loại phí khác.

Doanh nghiệp lo gánh nặng chi phí tuân thủ

Ngay cả khi thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn 15 - 17%, thì bài toán chi phí kinh doanh của doanh nghiệp cũng không hẳn đã dễ chịu.

Giảm thuế chỉ là một vế

Không cảm thấy bất ngờ khi những bàn luận về khả năng thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) sẽ về mức 15 - 17%, thay vì 20% như hiện tại, bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất mức này từ năm trước, với đối tượng áp dụng là DN nhỏ và vừa.

Ngay trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã quy định, nhóm DN này sẽ được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn thuế suất phổ thông trong một thời hạn nhất định. 

“Mặc dù đây là một trong những chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa luôn được nhắc tới, nhưng cũng phải nói rõ, hỗ trợ này dành cho các doanh nghiệp có lợi nhuận.

Hơn thế, chúng tôi cũng đã góp ý các vấn đề kỹ thuật, như giới hạn trần của khoản hỗ trợ về thuế thu nhập DN, để không làm giảm động cơ lớn lên của DN Việt, nhưng cũng không làm khó các DN đủ điều kiện hưởng lợi”, bà Hằng nói.

Thực tế, trong rất nhiều khảo sát của VCCI, số DN phàn nàn về chi phí thủ tục để nhận được các chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa thường khá cao.

Thông tin mới nhất của VCCI tới Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc làm việc với Bộ Tài chính hôm 6/4/2018 là chỉ có 28% DN cảm thấy các thủ tục miễn, giảm thuế là dễ dàng.

Nhưng, bà Hằng hào hứng đặt vấn đề, nếu như mức thuế suất này được áp dụng chung, thì chi phí kinh doanh cho DN sẽ giảm khá mạnh. “Sự hấp dẫn của môi trường kinh doanh và động cơ kinh doanh của DN có thể sẽ có thêm động lực mới”, bà Hằng kỳ vọng.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới đưa ra vào năm 2014, tổng chi phí thuế, phí của DN Việt Nam chiếm tới 40,8% lợi nhuận, mức này cao hơn rất nhiều so với Singapore (18,4%), Thái Lan (26,9%)… Năm 2016, cũng với khảo sát tương tự, tỷ lệ này đã giảm, nhưng không đáng kể, còn 39,6%.

Rõ ràng, với giả thuyết thuế suất thuế thu nhập DN giảm xuống 15 - 17%, thì bức tranh lợi nhuận của DN Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, thuế thu nhập DN chỉ là một trong số rất nhiều đầu mục được liệt kê ở bài toán chi phí mà DN Việt Nam đang phải đối mặt.

Gánh nặng chi phí tuân thủ

Bà Hằng tính toán, ngoài các khoản thuế, trong thực tế, DN còn phải đóng góp hàng trăm loại phí khác, như các loại thuế, phí, lệ phí như phí giao thông, phí kiểm tra chuyên ngành, phí kiểm dịch, chi phí liên quan đến quyền sử dụng đất…

“Nếu tính cả, mức thực tế DN phải đóng góp có thể không chỉ là gần 40%”, bà Hằng thẳng thắn.

Trong kiến nghị gửi Viện Quản lý kinh tế Trung ương góp ý cho Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, VCCI đã liệt các khoản chi phí trên vào nhóm chi phí tuân thủ pháp luật, bên cạnh các nhóm chi phí đầu vào sản xuất - kinh doanh và chi phí không chính thức nảy sinh trong quá trình hoạt động.

“Chúng tôi đã đề nghị mục tiêu trọng tâm của nghị quyết này là cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN, vì đây là nhóm liên quan đến thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, việc tập trung cắt giảm chi phí tuân thủ cũng sẽ có tác động đáng kể tới giảm chi phí không chính thức cũng như nhóm chi phí đầu vào trong sản xuất - kinh doanh của DN”, bà Hằng nêu ý kiến mà VCCI đã góp ý chính thức.

Đơn cử, trong khảo sát về tiếp cận đất đai năm 2017 do Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa công bố, chỉ có 25% DN tham gia khảo sát không gặp khó khăn gì, giảm khá mạnh so với tỷ lệ 40% của năm 2013. Cũng chỉ có 50% DN có thể tiếp cận thông tin đấu thầu qua các kênh công khai. 

Kế hoạch giảm chi phí

Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình Hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đang được lấy ý kiến có thể coi là thông điệp tiếp theo của Chính phủ trong cam kết cắt giảm chi phí cho DN mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra trong 2 năm qua.

Trong Dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính đã được điểm tên riêng, bên cạnh các phần việc chung giao cho các bộ, ngành, địa phương.

Hàng loạt yêu cầu cắt giảm thủ tục liên quan đến đăng ký thành lập DN, thủ tục về lương, bảo hiểm xã hội, các thủ tục liên quan đến phí, lệ phí, tiền thuê đất được liệt kê chi tiết, với các quy định cần phải sửa đổi.

Đặc biệt, có một đầu mục dành riêng cho yêu cầu giảm phí không chính thức.

“Đây là các phần việc phải làm ngay trong năm nay, để cùng với các kế hoạch cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong các nghị quyết khác, chi phí hoạt động của DN phải giảm được thực sự”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nói.

Tin bài liên quan