Đến năm 2030, năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) dự kiến chiếm tỷ lệ từ 17,9 - 23,9%

Đến năm 2030, năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) dự kiến chiếm tỷ lệ từ 17,9 - 23,9%

Doanh nghiệp năng lượng tái tạo chờ Quy hoạch điện VIII

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu Đề án Quy hoạch điện VIII được thông qua, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp đang triển khai các dự án năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tích cực kể từ năm 2023.

Chờ cú huých

Nhà đầu tư Nguyễn Việt Thắng (Hà Nội) đang nắm giữ cổ phiếu BCG của Công ty cổ phần Bamboo Capital chia sẻ, anh kỳ vọng mã BCG nói riêng, nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo nói chung sẽ tạo được sức bật nếu chính sách cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp và Quy hoạch điện VIII được thông qua trong những tháng cuối năm 2022.

Theo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) của Bộ Công thương, tổng nguồn điện “xanh” của Việt Nam có thể đạt trên 70%, trong đó, năng lượng sạch gồm thủy điện, điện mặt trời chiếm khoảng 46%, điện khí chiếm gần 25%.

Tính riêng đến năm 2030, năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) dự kiến chiếm tỷ lệ từ 17,9 - 23,9%.

Cụ thể, tại Tờ trình 4778/TTr-BCT ngày 11/8/2022 của Bộ Công thương, trình xin ý kiến Thường trực Chính phủ về Đề án Quy hoạch điện VIII, bộ này đề nghị tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án/phần dự án điện mặt trời đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành với tổng công suất khoảng 2.428,42 MW.

Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ xem xét thông qua Đề án Quy hoạch điện VIII với tổng công suất các nhà máy điện đến năm 2030 (bao gồm 2.428,42 MW công suất các dự án điện mặt trời) khoảng 120.995 - 148.358 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát). Trong đó, thủy điện (tính cả thủy điện nhỏ) đạt 26.795 - 28.946 MW, chiếm tỷ lệ 19,5 - 22,1%; nhiệt điện than là 37.467 MW, chiếm tỷ lệ 25,3 - 31%; nhiệt điện khí (tính cả nguồn điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng - LNG) đạt 29.880 - 38.980 MW, chiếm tỷ lệ 24,726,3%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện đạt 21.666 - 35.516 MW, chiếm tỷ lệ 17,9 - 23,9%; nhập khẩu điện khoảng 3.937 - 5.000 MW, chiếm tỷ lệ 3,3 - 3,4%.

Về cơ chế đối với các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, Bộ Công thương đề xuất và đề nghị Thủ tướng chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ ban hành.

Nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời càng nhiều càng tốt, nhưng giá phải hợp lý.

Với các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ triển khai trong tương lai, Bộ Công thương đề xuất và đề nghị Thủ tướng chấp thuận áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý của dự án.

Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, có gần 3.500 MW điện gió (thuộc 62 dự án) và 452 MW điện mặt trời đã ký hợp đồng mua bán điện nhưng chưa kịp vận hành thương mại (COD) đúng hạn (trước 1/11/2021) để được hưởng cơ chế giá ưu đãi (FIT). Các dự án “chuyển tiếp” này chưa được bán điện hoặc tạm hoãn việc xây dựng do chưa xác định được giá bán điện.

Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, nếu chính sách cho các dự án chuyển tiếp và Đề án Quy hoạch điện VIII chính thức được thông qua trong năm 2022 sẽ tạo sức bật cho doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng tái tạo. Các công niêm yết có dự án chuyển tiếp như Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán GEG), Công ty cổ phần Bamboo Capital… sẽ được hưởng lợi. Về dài hạn, các công ty thầu xây lắp dự án điện gió, nhất là điện gió ngoài khơi như Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán PC1), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán PVS)… cũng được hưởng lợi.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo sẽ hồi phục tốt trong những tháng cuối năm 2022, do đây là nhóm có dòng tiền khá tốt và ổn định, lợi suất cổ tức tốt. Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng CO2 bằng 0 vào năm 2050. Hiện thực hóa cam kết này, nhóm ngành năng lượng tái tạo sẽ được thúc đẩy phát triển, cơ hội rộng mở.

Kỳ vọng tăng trưởng dài hạn

Công ty Chứng khoán Tân Việt dự báo, nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo sẽ có diễn biến tích cực vào năm 2023, với kỳ vọng chính sách giá cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp và Quy hoạch điện VIII được thông qua trong năm 2022. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhóm ngành này nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tích cực kể từ năm 2023.

Công ty cổ phần Điện Gia Lai hiện có dự án Điện gió Tân Phú Đông, công suất 100 MW và dự án Điện mặt trời Đức Huệ, công suất 49 MWp, dự kiến lần lượt phát điện vào tháng 10/2022 và năm 2023. Jera, nhà sản xuất điện lớn nhất Nhật Bản đã mua 35,09% cổ phần GEG, có thể sẽ hỗ trợ Điện Gia Lai cả về nguồn vốn lẫn trình độ kỹ thuật, qua đó tạo thêm động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Đối với Công ty cổ phần Bamboo Capital, dự án Điện mặt trời Phú Mỹ đã hoàn thành lắp đặt xong 114 MW giai đoạn 2, đang chờ chính sách để đóng điện. Với các dự án Redsun, Sunflower và Đức Huệ, Công ty tích cực đàm phán để được đưa vào Quy hoạch điện VIII. Với mảng điện gió, Công ty chuẩn bị triển khai dự án Điện gió Khai Long giai đoạn 1 (100 MW), Đông Thành giai đoạn 1 (80 MW).

Nếu Đề án Quy hoạch điện VIII được thông qua vào những tháng cuối năm 2022, các dự án đã chuẩn bị sẵn được phát triển sẽ giúp Bamboo Capital hưởng lợi. Giá mục tiêu cho cổ phiếu BCG được một số công ty chứng khoán định giá là hơn 28.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn đáng kể so thị giá dao động quanh mức 16.000 đồng/cổ phiếu gần đây.

Về tình hình thu xếp vốn, Bamboo Capital đã tiếp cận được với ngân hàng nước ngoài và bổ sung nguồn vốn 2.500 tỷ đồng từ phát hành thêm cổ phiếu và phân bổ 1.800 tỷ đồng cho công ty con là BCG Energy để triển khai dự án.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự phóng, năm 2022, Bamboo Capital có thể đạt doanh thu 5.008 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.381 tỷ đồng; năm 2023 đạt lần lượt là 7.248 tỷ đồng và 1.822 tỷ đồng, với động lực chính là mảng năng lượng tái tạo và bất động sản.

Tại Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (mã chứng khoán REE), những năm gần đây, doanh nghiệp này tập trung đầu tư mảng năng lượng tái tạo. Công ty Chứng khoán BIDV dự phóng, năm nay, REE có thể đạt 9.484 tỷ đồng doanh thu và 3.446 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 63% và 61% so với năm ngoái. Bên cạnh sự đóng góp của các mảng cơ điện lạnh, nước sạch, bất động sản thì sản xuất điện được kỳ vọng tăng trưởng với sự dẫn dắt của thuỷ điện và năng lượng tái tạo.

Tại Hội nghị Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 11/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công thương xem xét lại quy hoạch nguồn điện, quy hoạch tải, quy hoạch các vùng miền theo hướng đảm bảo yếu tố kinh tế, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, trong đó làm rõ về giá của năng lượng tái tạo. “Khi chưa làm rõ những điều này thì chưa duyệt được Quy hoạch điện VIII”, Thủ tướng nói.

Tin bài liên quan