Doanh nghiệp nên bước tiếp thế nào sau 10 năm vào WTO?

(ĐTCK) Chúng ta đạt được những thành quả đáng ghi nhận sau khi gia nhập WTO, song cũng cần thừa nhận vẫn còn nhiều mục tiêu chưa thực sự đạt được như kỳ vọng và có không ít yếu tố hạn chế đã bộc lộ.

Năm 2017 đánh dấu 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ghi dấu ấn quan trọng trong tiến hình hội nhập và phát triển của Việt Nam. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần mang lại bước chuyển mới trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chặng đường hội nhập sâu rộng phía trước có thể khiến nhiều doanh nghiệp bị đào thải.

Doanh nghiệp nên bước tiếp thế nào sau 10 năm vào WTO? ảnh 1

 Luật sư Trần Hữu Huỳnh

Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO trong kỳ vọng lớn về sự bùng nổ của “con hổ châu Á mới”, với sức vươn mạnh mẽ ra toàn cầu. Nhìn lại chặng đường này, theo ông, đâu là những yếu tố tạo nên sự kỳ vọng lớn từ bản thân Việt Nam cũng như các đối tác?

Việt Nam gia nhập WTO trong điều kiện có nền móng hội nhập khá vững chắc, trước đó đã tham gia Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN, ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ…

Xét trên nhiều phương diện, các hiệp định song phương và đa phương này đã góp phần mang lại nhiều thành quả tương đối toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội, giúp Việt Nam tự tin hơn khi gia nhập WTO. Các đối tác thành viên WTO cũng nhìn Việt Nam như một đối tác tiềm năng, đáng tin cậy, từ đó tạo cho Việt Nam một vị thế khá thuận và vững vàng khi gia nhập tổ chức này.

Ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế - xã hội cũng như những dấu ấn được ghi nhận trên trường quốc tế của Việt Nam sau gần 10 năm gia nhập WTO?

Bức tranh kinh tế Việt Nam 10 năm sau gia nhập WTO đã đạt được nhiều thành tựu khả quan. Các chỉ số chính như GDP tăng nhanh, ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể so với trước, đầu tư trực tiếp của nước ngoài, xuất khẩu cũng có những bước nhảy vọt.

Tiến trình đổi mới và cải cách thế chế đạt được nhiều bước tiến khả quan với môi trường pháp lý cho kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp ngày càng thông thoáng, cơ sở pháp lý được xây dựng, hoàn thiện phù hợp với nguyên tắc cơ bản của WTO là minh bạch, công khai và không phân biệt đối xử.

Nhờ đó, Việt Nam cải thiện được thứ hạng về năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh trong bảng xếp hạng của các tổ chức uy tín trên thế giới. Bức tranh 10 năm gia nhập WTO chưa hẳn là màu hồng, song chúng ta có lý do để lạc quan với những gì đã đạt được, đổi mới thể chế tạo tiền đề cho những bước tiến mạnh mẽ hơn trong quá trình hội nhập sâu rộng sắp tới.

Bên cạnh các thành tựu, đâu là những điểm còn hạn chế?

Chúng ta đạt được những thành quả đáng ghi nhận sau khi gia nhập WTO, song cũng cần thừa nhận vẫn còn nhiều mục tiêu chưa thực sự đạt được như kỳ vọng và có không ít yếu tố hạn chế đã bộc lộ.

Thứ nhất, mặc dù Việt Nam nỗ lực cải cách mạnh mẽ, song cải cách thế chế vẫn chưa theo kịp và đáp ứng mức độ cũng như quy mô hội nhập sâu rộng. Điều này thể hiện ở sự chậm trễ trong kết quả cải cách nhằm thực thi các cam kết WTO nói riêng cũng như cải cách thể chế nói chung.

Vấn đề rõ nhất có thể nhìn thấy là việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp luật. Chúng ta ban hành hàng trăm đạo luật, song chủ yếu là luật khung, luật ống. Các chủ trương, định hướng hội nhập thiếu tiếng nói và sự tham gia của toàn xã hội.

Thứ hai, cải cách khu vực nhà nước nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói riêng diễn ra rất chậm so với đòi hỏi cải cách của nền kinh tế thị trường. Việc cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm, thiếu chất lượng, chưa thực sự giảm được vốn nhà nước và tỷ trọng cơ cấu khu vực này trong nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu. Thậm chí, có giai đoạn, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước tiếp tục được thành lập, khiến khu vực kinh tế nhà nước phình to, hoạt động kém hiệu quả. Điều này cho thấy, tiến trình tái cơ cấu còn nhiều vấn đề tồn tại, đặc biệt là ở khâu thực thi.

Thứ ba, hội nhập là để mở rộng môi trường thương mại, đầu tư ra toàn thế giới, nhưng trong nước lại có xu hướng chia cắt, cát cứ, khiến nền kinh tế chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, quy mô nhỏ. Ở cấp độ doanh nghiệp, khu vực DNNN, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thiếu sự liên kết để có thể xây dựng được các chuỗi sản xuất theo quy luật kinh tế thị trường.

Thêm vào đó, một số chính sách, định hướng không rõ ràng khiến 3 thành phần kinh tế chủ lực này ngày càng tách biệt, dẫn tới tình trạng hạn chế về chuyển giao công nghệ, năng lực quản trị, quản lý như mục tiêu đặt ra trong hội nhập, dẫn đến hiện trạng đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nhỏ dần.

Còn nhiều vấn đề tồn tại khác như: sự phối hợp, liên kết giữa Trung ương và địa phương trong tham gia hội nhập thiếu thống nhất, đồng bộ; sự phân bổ nguồn lực cho các động lực kinh tế chưa công bằng; hệ thống giáo dục đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn lao động; năng lực thực thi, phòng vệ còn yếu; năng lực cạnh tranh trên cả 3 phương diện: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia còn có những vấn đề lớn chưa giải quyết được.

10 năm gia nhập WTO, những bài học gì là đáng nhớ để bớt vấp váp trên con đường tương lai, theo ông?

Có thể nói, kinh nghiệm và bài học lớn nhất chúng ta đúc rút ra được từ chặng đường hội nhập thời gian qua là phải chuẩn bị chu đáo, toàn diện, quyết liệt từ bên trong để khai thác được các thuận lợi, hạn chế được các rủi ro trong hội nhập, do đó đòi hỏi cải cách phải thường xuyên, quyết liệt, đồng bộ.

Để hội nhập kinh tế quốc tế thành công, chúng ta phải quyết tâm, tập trung xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách, biện pháp điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển trong mối liên kết theo giá trị chuỗi.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách triệt để bộ máy hành chính và thủ tục hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, xoá bỏ sự rườm rà, phức tạp đối với doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm tối đa chi phí. Bên cạnh đó, nâng cao trình độ quản lý nền kinh tế của cơ quan quản lý nhà nước, trình độ quản trị doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện chiếm trên 95% số doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế.

Về phía các doanh nghiệp, theo ông, cần chuẩn bị gì cho giai đoạn hội nhập sắp tới?

Thứ nhất, hội nhập tự thân nó tạo ra cơ hội và thách thức. Do đó, vấn đề tiên quyết là doanh nghiệp cần phải biết, hiểu sâu về hội nhâp. Kinh nghiệm gia nhập WTO cho thấy, đa số doanh nghiệp chỉ biết loáng thoáng về hội nhập, số ít biết rõ hội nhập, số rất ít khai thác được thông tin và biến cơ hội này thành hiện thực. Phần lớn trong nhóm cuối này lại là các doanh nghiệp FDI.

Thứ hai, hội nhập tạo ra một không gian mới, rộng, đa dạng về xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Để biến cơ hội này thành hiện thực, cần sản xuất hàng hoá, cung cấp dịch vụ đủ lớn về số lượng, đủ tốt về chất lượng, đủ độ tin cậy về thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và dịch vụ. Do đó, các doanh nghiệp quá nhỏ, ví như chiếc thuyền thúng sẽ khó có thể ra khơi xa được. Liên kết tốt, quản trị tốt doanh nghiệp là điều kiện để thu hút đầu tư, trở thành doanh nghiệp lớn, có khả năng sản xuất, cung cấp dịch vụ theo đúng “ba đủ” nói trên. Nếu không, doanh nghiệp sẽ phải chịu cảnh “bắt tép ven bờ”, nguy cơ bị đào thải rất lớn.

Thứ ba, doanh nghiệp phải biết vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội. Ngoài nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, doanh nghiệp cần quan tâm đến các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế vốn rất đa dạng, phức tạp, đồng thời liên kết với nhau hoặc thông qua các hiệp hội để yêu cầu áp dụng các biện pháp tự vệ, các hàng rào kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, chủ động tham gia các vụ kiện, các tranh chấp quốc tế và trong nước.

Với kinh nghiệm lâu năm của tổ chức trọng tài lâu đời và lớn nhất tại Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp thương mại trong nước và quốc tế, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp đến từ các nước là thành viên của WTO, của ASEAN, APEC, có một số vụ trị giá tranh chấp hàng trăm triệu USD. Thực tế này cho thấy, quá trình hội nhập càng sâu rộng sẽ dẫn tới ngày càng nhiều tranh chấp, tăng áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu cũng như có ý thức và liên kết phòng vệ nhằm tránh được các tác động tiêu cực từ hội nhập.

Năm 1995, thu nhập bình quân của Việt Nam là 289 USD/người, đến năm 2016 đạt 2.445 USD/người.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn cao hơn so với nhiều nước trên thế giới và so với tốc độ tăng trung bình của các nền kinh tế.

Đầu tư toàn xã hội năm 2007, khi Việt Nam bắt đầu gia nhập WTO đạt 532.000 tỷ đồng, đến nay ước tăng hơn 3 lần, dự kiến đạt 1,588 triệu tỷ đồng trong năm 2016.

FDI thực hiện giải ngân đạt bình quân 11,22 tỷ USD/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh từ 48,4 tỷ USD năm 2007 lên 170 tỷ USD năm 2016, với nhiều mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng mạnh và dẫn đầu thế giới như: nông sản, linh kiện điện thoại và điện tử, dệt may, giày dép... Ngành nông nghiệp gần đây gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD.

Năm 2016, Việt Nam đạt thặng dư trong cán cân thương mại, với mức xuất siêu hơn 3 tỷ USD.

Tin bài liên quan