Doanh nghiệp ngóng room tín dụng hơn chờ hỗ trợ lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách tăng tốc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, trong khi nhiều doanh nghiệp cho biết, họ mong sớm được ngân hàng giải ngân.
Việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm có phần do ngân hàng cạn room tín dụng. Ảnh: Đức Thanh

Việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% chậm có phần do ngân hàng cạn room tín dụng. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng, doanh nghiệp cùng ngóng nới room tín dụng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Phú Thọ cho hay, room tín dụng được ngân hàng cấp cho chi nhánh ngân hàng ông là 4%, nhưng 6 tháng đầu năm đã “xài” hết 3,8%. Room tín dụng còn lại nửa cuối năm quá ít, khiến chi nhánh phải xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng từ Tổng giám đốc, song nhận được câu trả lời là toàn hệ thống cũng đang cạn room và đang chờ Ngân hàng Nhà nước nới thêm room.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng thương mại hiện nay. Mới đây, một ngân hàng đã thông báo các chi nhánh lùi thời hạn giải ngân tín dụng sang đầu tháng 9/2022.

Ngân hàng thiếu room đồng nghĩa với doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Ảnh Việt (hoạt động trong lĩnh vực du lịch) cho hay, công ty ông đã bị ngân hàng từ chối cho vay với lý do "hết hạn mức tăng trưởng tín dụng".

Trước tình hình căng thẳng room tín dụng của các ngân hàng, cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, muộn nhất là đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo tăng trưởng tín dụng phần còn lại của năm nay (trong tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% của năm 2022), nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước không công khai mức nới room cho từng ngân hàng, song khả năng chỉ một số ngân hàng thương mại được nới room. Theo đó, các ngân hàng có khả năng được nới room cao là Vietcombank, MB (nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc), VPBank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB...

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng cơ hội phục hồi. Nếu chờ đợi đến quý IV/2022 mới nới room là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, lạm phát của Việt Nam là do lạm phát chi phí đẩy (chủ yếu lạm phát nhập khẩu), chứ không phải lạm phát do cầu kéo. Chính vì vậy, kiểm soát lạm phát ở Việt Nam không thể dùng chính sách tiền tệ, mà phải dùng biện pháp thuế (giảm thuế nhập khẩu để giảm giá hàng hóa). Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, Ngân hàng Nhà nước có thể nới room tín dụng. Theo chuyên gia này, tín dụng Việt Nam năm nay ở mức 15-16% là có thể chấp nhận được.

Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%: Các bộ, ngành cam kết vào cuộc

Cùng với thiếu room tín dụng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến nay, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm với quy mô 40.000 tỷ đồng mới giải ngân được 4.300 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất tính đến cuối tháng 8/2022 mới đạt khoảng 13,5 tỷ đồng, rất thấp so với mục tiêu đề ra. Theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, nhiều khách hàng từ chối tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2% do ngại thủ tục, sợ bị thanh tra, kiểm toán nếu được hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng còn nhiều băn khoăn do hướng dẫn còn mang tính định tính, chưa cụ thể, chặt chẽ, sợ không được quyết toán sau này.

Trước băn khoăn của các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có giải đáp thống nhất, bởi nếu không thống nhất, mỗi người hiểu cách khác nhau, thì kiểm toán thực hiện và Bộ Tài chính là đơn vị kiểm tra cuối cùng để chi ngân sách cũng gặp khó khăn.

Trong khi đó, đại diện Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết sẽ lắng nghe ý kiến của ngân hàng thương mại và doanh nghiệp. Theo lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này chỉ căn cứ các tiêu chí đã được xây dựng lên, căn cứ vào chuẩn mực quy định của Kiểm toán Nhà nước để kiểm toán, nên đề nghị các bộ, ngành xây dựng tiêu chí chặt chẽ. Kiểm toán Nhà nước sẵn sàng tổng hợp ý kiến về các khó khăn vướng mắc, tìm nguyên nhân và đề xuất với các cấp có thẩm quyền.

Liên quan giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải đảm bảo không để xảy ra trường hợp các doanh nghiệp đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hưởng hỗ trợ lãi suất. Các ngân hàng thương mại chủ động xác định khó khăn, vướng mắc, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành liên quan có hướng tháo gỡ.

Đặc biệt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố cũng phải phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các đơn vị chức năng của các bộ, ngành tại mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước thành lập đường dây nóng để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân, từ đó giải quyết vướng mắc và xử lý nghiêm các trường hợp không triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ.

TPBank đã tiếp cận gần 500 khách hàng thuộc đối tượng nhận hỗ trợ, nhưng tỷ lệ khách hàng đề nghị hỗ trợ rất thấp, chỉ có 30 khách hàng. Trong số đó, tới thời điểm hiện tại, Ngân hàng mới hỗ trợ được 3 khách hàng do một số hồ sơ không đủ điều kiện. Nhiều khách hàng lo lắng rằng, số tiền hỗ trợ lãi suất thì không được bao nhiêu, mà đến khi thanh quyết toán, kiểm toán sau này sẽ gặp nhiều khó khăn, nên không mấy mặn mà. TPBank được giao chỉ tiêu hỗ trợ 700 tỷ đồng, nhưng với tình hình hiện tại, chúng tôi sợ khó có thể giải ngân hết.

- Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank

Tin bài liên quan