Doanh nghiệp niêm yết tăng tốc trên hành trình ESG

Doanh nghiệp niêm yết tăng tốc trên hành trình ESG

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đã dành 1 - 3% doanh thu cho các hoạt động vì cộng đồng, song đây không phải là khoản chi lớn nếu so với các hạng mục ESG.

Mở vùng đất mới

Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) mới đây đã hợp tác với STACS - công ty công nghệ về dữ liệu ESG hàng đầu châu Á, có trụ sở chính tại Singapore. Bamboo Capital sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sử dụng nền tảng kỹ thuật số ESGpedia do STACS phát triển để thực hiện báo cáo ESG, đặt nền tảng cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu minh bạch về phát thải CO2 và chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC).

Các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ được cấp chứng chỉ REC cho mỗi MWh điện tạo ra (1 REC = 1 MWh). Ngoài doanh thu bán điện, các doanh nghiệp năng lượng tái tạo còn có thêm nguồn thu thụ động từ việc bán chứng chỉ REC. Việc mua chứng chỉ REC cho phép các doanh nghiệp khấu trừ hạn ngạch phát thải CO2 mình tạo ra và chứng minh quy trình sản xuất của công ty thân thiện với môi trường, thỏa mãn điều kiện “xanh hóa” từ đối tác quốc tế mà không cần trực tiếp sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Mặc dù REC là công cụ quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero của châu Á, nhưng việc truy xuất nguồn gốc REC và đảm bảo không có giao dịch kép đang là một thách thức lớn. Bamboo Capital sẽ sử dụng ESGpedia để ghi nhận chi tiết các dữ liệu REC tạo ra và các giao dịch mua bán REC với đối tác để những doanh nghiệp tham gia thị trường REC có thể dễ dàng tiếp cận thông tin minh bạch và ra quyết định đầu tư chính xác.

Phát triển thị trường tín chỉ các-bon Việt Nam là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020. Hiện việc xây dựng thị trường này đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai, theo kế hoạch sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch tại Việt Nam vào năm 2028.

Theo ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Sở đang nghiên cứu và sẽ triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ các-bon liên thông với các sở giao dịch lớn trên thế giới ngay trong quý IV/2023. Đây sẽ là bước lấy đà rất quan trọng, trong quá trình phát triển thị trường giao dịch tín chỉ các-bon tại Việt Nam trong tương lai, cũng là một ví dụ về triển khai chiến lược ESG tại doanh nghiệp.

Nhìn lại thời gian qua, phát triển bền vững đã đem đến bước ngoặt cho không ít doanh nghiệp niêm yết. Traphaco đã phát triển các vùng dược liệu sạch đạt chuẩn quốc tế, công nghệ sản xuất thuốc Đông dược hiện đại, thân thiện môi trường, tạo ra các sản phẩm thuốc chất lượng. Doanh thu và lợi nhuận qua đó tăng vọt, tạo đà cho doanh nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, mở rộng sang các lĩnh vực mới, với tham vọng vươn ra khu vực.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững, từ 5 năm gần đây, Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam do các sở giao dịch chứng khoán phối hợp với Báo Đầu tư và Dragon Capital tổ chức, đã bổ sung hạng mục vinh danh Doanh nghiệp phát triển bền vững. Vinamilk, Dược Hậu Giang, Traphaco, Bảo Việt… đã được xướng tên ở hạng mục này.

Gần đây, yêu cầu về phát triển xanh trở nên cấp thiết hơn với các doanh nghiệp xuất khẩu. Theo bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ từ quý IV/2023 phải đáp ứng thêm nhiều yêu cầu “xanh”, nếu không muốn bị mất đơn hàng, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng.

Chuẩn bị cho các yêu cầu khắt khe này đã nằm trong chiến lược của nhiều doanh nghiệp niêm yết. Chẳng hạn, từ năm 2022, CTCP May Sông Hồng đã nghiên cứu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho toàn bộ hơn 20 xưởng sản xuất. Nhà xưởng Sông Hồng 7 và Sông Hồng 10 là hai dự án điện áp mái đầu tiên đã đi vào hoạt động trong hành trình “xanh hóa” nguồn năng lượng sản xuất của Công ty, với công suất lần lượt đạt 1,2 MWp và 0,77 MWp. Việc thay thế một phần năng lượng sản xuất bằng nguồn năng lượng điện mặt trời sẽ giúp giảm thiểu 2.000 tấn CO2 mỗi năm và giúp bảo tồn 33.000 cây xanh mỗi năm ngay chính trên các nhà máy này.

“Cùng với bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thải khí CO2, chúng tôi còn đạt được nhiều lợi ích về mặt kinh tế như chi phí điện năng cho sản xuất giảm hơn và chi phí bảo trì mái cũng giảm đáng kể”, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng chia sẻ.

Ngoài tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, Công ty cũng đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại, có thể tái sử dụng sau khi xử lý. Bên cạnh đó, May Sông Hồng cũng là đơn vị tích cực dùng nguyên phụ liệu tái sinh.

Trụ cột quản trị doanh nghiệp, ưu tiên hiệu quả được lãnh đạo Công ty quan tâm đặc biệt. Theo ông Bùi Việt Quang, May Sông Hồng luôn ưu tiên cho việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng theo hướng tự động hóa và thân thiện môi trường, hoàn thiện hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp, nhờ đó có thể tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức tối ưu.

Lấp dần khoảng cách

Mức độ quan tâm và triển khai chiến lược ESG tại các doanh nghiệp niêm yết đã cải thiện hơn, nhưng so với các doanh nghiệp niêm yết tại châu Á - Thái Bình Dương vẫn có khoảng cách khá xa.

Khảo sát của PwC cho thấy tình trạng thiếu lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam tham gia với vai trò tập trung thúc đẩy cam kết ESG. Khoảng hai phần ba số doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp thiếu sự tham gia tích cực và quản trị minh bạch của hội đồng quản trị đối với chương trình nghị sự ESG. Thêm vào đó, gần một nửa cho biết tổ chức của họ không có hoặc chưa xác định rõ lãnh đạo ESG để giúp dẫn dắt và thực hiện các sáng kiến ESG.

Nhận thức rủi ro/cơ hội liên quan đến biến đổi khí hậu tại các nước Châu Á - Thái bình dương năm 2021 và 2022. Nguồn: PwC.

Nhận thức rủi ro/cơ hội liên quan đến biến đổi khí hậu tại các nước Châu Á - Thái bình dương năm 2021 và 2022. Nguồn: PwC.

Trong số các công ty được khảo sát tại Việt Nam, 46% công bố trách nhiệm của hội đồng quản trị liên quan đến tính bền vững; 44% công bố cơ cấu quản trị bền vững và chỉ 8% công bố số lượng thành viên hội đồng quản trị hoặc nhân sự quản lý đã qua đào tạo về phát triển bền vững. Các tỷ lệ này đều thấp hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, lần lượt là 84%, 79% và 36%.

Đáng chú ý hơn, không có doanh nghiệp nào tiết lộ mối liên hệ giữa thù lao của giám đốc điều hành và hiệu quả công việc của họ trong việc quản trị bền vững. Điều này trở thành một thách thức lớn khi Hội đồng quản trị đóng vai trò nòng cốt trong việc giám sát các yếu tố ESG và tích hợp tính bền vững vào các chiến lược tăng trưởng dài hạn, nhằm đảm bảo phân bổ và ưu tiên các nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện ESG.

Các chuyên gia tư vấn khuyến nghị, doanh nghiệp niêm yết nên chủ động tích hợp các nguyên tắc ESG vào hoạt động, tận dụng các cấu trúc có sẵn và nguồn lực dồi dào của tổ chức. Đồng thời, các cơ quan chính phủ và cơ quan quản lý nên xây dựng các chính sách rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi ESG, cùng với hướng dẫn chi tiết về các phương thức báo cáo phát triển bền vững.

Thúc đẩy thực hành các tiêu chuẩn ESG là chủ trương của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Tại lễ ra mắt Sổ tay Hướng dẫn báo cáo phát thải khí, dự án do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp với UBCK triển khai tại các doanh nghiệp niêm yết, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kỳ vọng, việc ban hành cuốn sổ tay này sẽ giúp doanh nghiệp xác định và quản lý rủi ro cũng như tìm kiếm cơ hội hành động mới nhờ làm nổi bật những cải thiện có hiệu quả chi phí mà trước đó chưa được chú trọng.

“Không ít doanh nghiệp đang lúng túng trong việc lập báo cáo phát thải khí nhà kính. Cuốn sổ tay gần như là “cầm tay, chỉ việc”, hướng dẫn các doanh nghiệp từng bước một để có thể đưa ra báo cáo chuẩn mực, tuân thủ các quy định của Thông tư 96 của Bộ Tài chính trong việc lập báo cáo liên quan đến phát thải khí nhà kính”, ông Sơn nói.

Tin bài liên quan