Các quỹ đầu tư ESG đang thu hút mạnh dòng tiền đầu tư mới.

Các quỹ đầu tư ESG đang thu hút mạnh dòng tiền đầu tư mới.

Quỹ đầu tư tích hợp ESG cần phát triển “nguồn hàng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng vốn đầu tư rót vào các quỹ đầu tư tích hợp ESG không ngừng gia tăng, tuy nhiên, tại Việt Nam mới có duy nhất 1 quỹ mở áp dụng đánh giá chuẩn mực ESG.

Quỹ ESG thu hút dòng vốn mới

Đầu tư ESG là quá trình đánh giá tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp dựa trên chỉ số ESG. ESG viết tắt của Environmental - Môi trường, Social - Xã hội, Governance - Quản trị doanh nghiệp, là một thước đo kết hợp cả 3 khía cạnh này.

Báo cáo mới nhất của PwC về thị trường ESG cho thấy, quy mô các quỹ đầu tư ESG tăng trưởng nhanh hơn các quỹ đầu tư truyền thống trong những năm gần đây. Tổng tài sản của các quỹ ESG toàn cầu đạt 18,4 nghìn tỷ USD, chiếm 14,4% tổng tài sản đầu tư.

Ước tính tới năm 2026, tổng tài sản các Quỹ ESG toàn cầu chiếm 21,5% tổng tài sản đầu tư, đạt 33,9 nghìn tỷ USD, tăng trưởng bình quân hàng năm 12,9%, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,3% của thị trường quỹ.

Đáng chú ý, các quỹ đầu tư ESG đang thu hút dòng tiền đầu tư mới. Chẳng hạn, tại châu Âu, dòng vốn mới vào các quỹ ESG chuyên biệt chiếm 43% tổng vốn đầu tư mới trong quý I/2023. Thậm chí trong năm 2022, các quỹ ESG tại châu Âu đón nhận dòng vốn đầu tư mới, trong khi các quỹ truyền thống bị rút ròng.

Một xu hướng tích cực đối với thị trường châu Á là việc nhận thức về đầu tư bền vững tại khu vực này gia tăng, kết hợp với cam kết mạnh mẽ từ các chính phủ để thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế cao, ổn định.

Theo số liệu của Morningstar, 100% các chỉ số bền vững của châu Á cho thấy tỷ suất sinh lợi vượt trội và giảm thiểu rủi ro giảm giá tốt hơn trong giai đoạn 2017-2021. Đây là một trong những động lực lớn khiến dòng vốn đầu tư tích hợp ESG chảy mạnh vào khu vực này, giúp tăng trưởng dòng vốn vào các quỹ ESG tại châu Á cũng cao hơn so với mặt bằng chung toàn cầu.

Tại Việt Nam, tháng 11/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã cấp giấy chứng nhận thành lập quỹ mở cho Quỹ đầu tư cổ phiếu United ESG Việt Nam (Quỹ UVEEF) cho CTCP Quản lý quỹ UBO Asset Management (Việt Nam). Đây là quỹ mở đầu tiên trên thị trường tài chính Việt Nam áp dụng việc đánh giá chuẩn mức ESG song song với những tiêu chuẩn phân tích nền tảng cơ bản thông thường để lựa chọn cổ phiếu đầu tư. Đến nay, đây cũng là quỹ ít ỏi “thuần” tập trung yếu tố ESG trên thị trường.

Mục tiêu của Quỹ UVEEF là đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu đầu ngành, có nền tảng cơ bản vững mạnh, tiềm năng tăng trưởng tốt và được xếp hạng ESG cao. Yếu tố này được đánh giá như khả năng tăng trưởng bền vững trong tương lai của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Quỹ UVEEF còn nhắm đến việc thúc đẩy các công ty thực hành tốt các chuẩn mực ESG để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, qua đó, làm gia tăng giá trị của các công ty này và góp phần gia tăng về mặt giá trị các khoản đầu tư của Quỹ UVEEF.

Trong tháng 6/2023, NAV của UVEEF tăng 5,5% so với tháng trước, trong khi VN-Index tăng 4,2%. Xét về hiệu suất đầu tư, UVEEF tăng trưởng 18% kể từ khi thành lập cho tới nay, tích cực hơn so với chỉ số VN-Index (tăng 14,1% trong cùng giai đoạn).

Tuy nhiên, quy mô của UVEEF còn khá khiêm tốn trên thị trường, với tài sản 66,2 tỷ đồng, so với nhiều quỹ mở khác có quy mô lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Tiềm năng lớn nhưng vẫn khó chọn hàng

Việt Nam là một trong những điểm đến kinh doanh và đầu tư năng động nhất châu Á, với hình ảnh là một quốc gia có định hướng rõ ràng và nỗ lực thực hiện các cam kết mạnh mẽ từ Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow (COP26) về thu hút đầu tư chất lượng cao hướng tới một nền kinh tế trung hoà carbon và tăng trưởng xanh.

Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược và kế hoạch hành động nhằm hiện thực hóa các cam kết, bao gồm: Định hướng Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam; Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011- 2020; Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII)…

Theo đó, việc có thêm các quỹ đầu tư ESG là cần thiết, nhằm dẫn dòng vốn đầu tư xanh vào thị trường Việt Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu cần thiết cho các mục tiêu trung hoà carbon và xây dựng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Chưa kể, các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức có thêm lựa chọn sản phẩm quỹ đầu tư để hiện thực hoá mong muốn đầu tư có trách nhiệm, hướng tới phát triển bền vững.

Trong sự kiện do Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia quản trị công ty ASEAN, Giám đốc phụ trách Ban Cố vấn chuyên môn VIOD cho biết, mức độ quan tâm đến ESG của các quỹ đầu tư ngày càng tăng, minh chứng rõ nét nhất là qua con số tài sản đang được các quỹ gắn nhãn ESG và khí hậu quản lý. Cụ thể, giá trị tài sản mà quỹ mang nhãn ESG ở toàn cầu đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua, trong khi con số này tại châu Á là gấp bốn lần và Đông Nam Á tăng hơn hai lần.

“Tuy nhiên, bản thân các quỹ gặp nhiều áp lực khi có lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư nhưng không giải ngân được vì cần tìm các doanh nghiệp đạt các chuẩn mực về ESG và chống biến đổi khí hậu. Đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội nếu doanh nghiệp có thể chuyển mình", bà Hiền nhận định.

Nhìn vào danh mục cổ phiếu của UVEEF có thể thấy những cái tên quen thuộc đối với thị trường, bởi đây là nhóm các doanh nghiệp lớn, chủ động thực thi ESG và ít nhiều đẩy mạnh công bố thông tin về hoạt động này. Những tên tuổi có thể kể tới như FPT, Vietcombank, Ree Corp, Dược Hậu Giang…

Top 10 cổ phiếu của UVEEF cho tới cuối tháng 6/2023.

Top 10 cổ phiếu của UVEEF cho tới cuối tháng 6/2023.

Theo UBO Asset Management, có 3 thách thức chủ yếu khi đầu tư ESG tại Việt Nam. Thứ nhất, thiếu nguồn lực tập trung cho ESG, khi các công ty chưa chú trọng nhiều đến đầu tư phát triển các nguồn lực về con người, dữ liệu cho ESG.

Thứ hai, công bố thông tin ESG hạn chế. Thông tin ESG công bố chưa thống nhất theo quy chuẩn giữa các công ty, quy định liên quan đến công bố thông tin ở các cấp công ty và doanh nghiệp còn hạn chế.

Thứ ba, vấn đề tẩy xanh. “Tẩy xanh” là khi doanh nghiệp công bố thông tin sai lệch để thể hiện rằng mình hành động có trách nhiệm với môi trường, cũng như thực thi các yếu tố khác của ESG. Các dữ liệu được dùng để tính chỉ số ESG có thể bị tẩy xanh, qua đó làm sai lệch thước đo chủ đạo mà các cá nhân hoặc thị trường đang sử dụng để đưa ra quyết định đầu tư ESG. Điều này gây khó khăn trong việc đánh giá các cam kết ESG của các doanh nghiệp.

Một con số mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm, theo VIOD là việc xây dựng các uỷ ban/hội đồng đảm bảo vai trò trách nhiệm của việc giám sát rủi ro và cơ hội về phát triển bền vững. Nếu Thái Lan có tới 15% hay Philippines có 7% doanh nghiệp niêm yết đã xây dựng các ủy ban phụ trách phát triển bền vững, thì con số ở Việt Nam còn chưa đạt 1%.

Thị trường quỹ ESG tại Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng, đặc biệt là sự đồng bộ và quan tâm từ các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, để các quỹ đầu tư ESG có thể phát triển và phát huy vai trò dẫn vốn xanh, cần cả sự nhập cuộc của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực thi chiến lược ESG và đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Tin bài liên quan