Doanh nghiệp niêm yết tìm động lực vực dậy

Doanh nghiệp niêm yết tìm động lực vực dậy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quý III/2021, nhiều doanh nghiệp lần đầu tiên “nếm mùi” thua lỗ, hoặc thua lỗ sau nhiều năm. Nỗ lực vực dậy trong quý IV để hoàn thành kế hoạch năm là mục tiêu họ phấn đấu.

Nhiều doanh nghiệp báo lỗ quý III

Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021, với doanh thu 1.049 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2020 và ghi nhận lỗ hơn 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 90 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên Công ty lỗ ròng kể từ năm 2016.

9 tháng đầu năm 2021, PPC ghi nhận lợi nhuận trước thuế 223 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá vốn bán hàng tăng cao vượt doanh thu khiến lợi nhuận gộp âm 44,4 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính tăng 29%, đạt hơn 29 tỷ đồng, chi phí bán hàng không thay đổi nhiều, ghi nhận 21 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Nhiệt điện Phả Lại ghi nhận doanh thu 3.346 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 223 tỷ đồng, lần lượt giảm 45% và 62% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến hết 9 tháng đầu năm 2021, PPC hoàn thành 59% chỉ tiêu doanh thu và 54% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Nếu như quý III năm ngoái, Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh – Haxaco (mã HAX) báo cáo kết quả kinh doanh rất tích cực, với 65,4 tỷ đồng thì kỳ này, Công ty ghi nhận lỗ 28,3 tỷ đồng.

Doanh thu trong quý ghi nhận 684 tỷ đồng, sụt giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, Haxaco ghi nhận doanh thu hợp nhất 3.395 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 44,3 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco) cho biết, hoạt động kinh doanh của Haxaco chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ tư.

Hai chi nhánh tại TP.HCM phải đóng cửa trong cả quý III, trong khi hai chi nhánh tại Hà Nội đóng cửa đến ngày 21/9 mới mở lại. Doanh số sụt giảm mạnh, song vẫn phải gánh các chi phí khấu hao, chi phí lương, chi phí cố định khác… khiến Haxaco thua lỗ trong quý.

Nằm trong tâm điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) hoạt động “3 tại chỗ” trong suốt tháng 9, nên công suất và sản lượng sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, các khoản chi phí lại tăng cao, chi phí xét nghiệm cho công nhân 2 lần/tuần đã khiến TCM thua lỗ trong tháng 9. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp TCM thua lỗ. Doanh thu sụt giảm trong khi chi phí tăng đã khiến biên lợi nhuận gộp của TCM thấp đi.

Dù vậy, tính chung luỹ kế 9 tháng đầu năm, TCM ước tính doanh thu đạt hơn 114 triệu USD (2.622 tỷ đồng) tương đương cùng kỳ năm 2020 và lãi sau thuế gần 4,9 triệu USD (gần 113 tỷ đồng). Với kết quả này, TCM thực hiện được 63,5% kế hoạch doanh thu và 39,5% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm.

TCM xuất khẩu hàng dệt may đi nhiều nước trên thế giới, tháng 9/2021, doanh thu xuất khẩu vào thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất, với 36,63% tổng lượng hàng xuất khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm khoảng 31,8%, Nhật và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo chiếm khoảng trên 9%.

Ở khối công ty chứng khoán, trong khi nhiều công ty ghi nhận mức lãi quý III kỷ lục như SSI, VNDIRECT… thì Chứng khoán Bảo Minh (mã BMS) báo lỗ sau thuế hơn 38 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ lớn nhất Công ty ghi nhận kể từ quý I/2020.

Trong quý III, doanh thu của Chứng khoán Bảo Minh giảm 11,4% so với cùng kỳ, xuống mức 54,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do sự kém hiệu quả của bộ phận tự doanh chứng khoán, vốn là mảng chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu.

Cụ thể, lãi từ các tài sản tài chính qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ đạt 29 tỷ đồng, trong khi phần lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL xấp xỉ 78 tỷ đồng - xuất phát từ việc đánh giá tài sản tài chính. Do đó, hoạt động tự doanh ghi nhận khoản lỗ ròng gần 66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 chỉ lỗ 28 tỷ đồng.

Bên cạnh một số doanh nghiệp lần đầu tiên báo lỗ hay báo lỗ sau nhiều năm thì có những doanh nghiệp việc thua lỗ được dự báo trước đó. Đơn cử, Công ty cổ phần Ánh Dương (mã VNS) công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu hơn 22 tỷ đồng, sụt giảm 90% so với cùng kỳ.

Việc kinh doanh dưới giá vốn (giá vốn bán hàng trong kỳ hơn 99 tỷ đồng) khiến VNS chịu lỗ gộp gần 77 tỷ đồng. Quý III cũng là giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt giãn cách xã hội do Covid-19, VNS báo lỗ hơn 90 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng năm 2021, VNS lỗ 185 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 182 tỷ đồng).

Nỗ lực tăng tốc trong quý IV

Bước vào quý IV, lãnh đạo Haxaco cho biết đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc triển khai các kế hoạch kinh doanh khi nền kinh tế bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Toàn bộ nhân viên đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, đảm bảo an toàn cho hoạt động. Công ty cũng làm việc với nhà máy Mercedes- Benz Việt Nam và các đối tác để đảm bảo cân đối cung – cầu trong mùa cao điểm kinh doanh cuối năm.

Trong khi đó, tại Nhiệt điệt Phả Lại, ông Lê Thế Sơn, Giám đốc Tài chính cho biết, quý III hàng năm là giai đoạn thấp điểm trong hoạt động của Công ty, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh và việc Nhà máy Phả Lại 2 gặp sự cố phải sửa chữa khiến sản lượng tiêu thụ hao hụt hơn hẳn so với cùng kỳ. Việc Công ty tiến hành sửa chữa 2 tổ máy tại Nhà máy Phả Lại 2 - vốn đóng góp lợi nhuận chính (đã bị ngưng hoạt động vào tháng 4/2021 do sự cố kỹ thuật) đã có thể đưa phát điện này vào hoạt động trở lại hoàn toàn trong quý IV/2021.

“Hy vọng việc sửa chữa các nhà máy giúp Công ty cải thiện được lợi nhuận trong quý IV để có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm 2021 với doanh thu 5.658,11 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 414,59 tỷ đồng”, ông Sơn nói và cho biết, tình hình hoạt động kinh doanh của Công ty sẽ sáng sủa hơn trong năm 2022 nhờ sản lượng điện hợp đồng tăng trở lại và cả hai tổ máy tại Nhà máy Phả Lại 2 đi vào hoạt động nguyên năm.

Với doanh nghiệp ngành dệt may, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho biết, Công ty đang nỗ lực đẩy mạnh công suất hoạt động nhằm đáp ứng tốt đơn hàng xuất khẩu. Hiện TCM đã nhận đơn hàng đến hết năm 2021 và quý I/2022. Công ty đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022.

Tương tự, ông Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) cho biết, trong giai đoạn quý III/2020, các doanh nghiệp nói chung chịu ảnh hưởng rất lớn từ việc giãn cách, trong khi ở mảng xuất khẩu, các đơn hàng tại thị trường Mỹ và Colombia có phần sụt giảm do liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khó khăn trong vận chuyển.

Công ty nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, nhưng việc phát triển thị trường ở giai đoạn này rất khó.

Lợi nhuận quý III của GMC không mấy khả quan, nhưng ông Hùng hy vọng, “với việc TP.HCM mở cửa trở lại, Công ty sẽ thúc đẩy các đơn hàng để cải thiện lợi nhuận trong quý cuối cùng của năm”.

Bức tranh chung của doanh nghiệp niêm yết trong quý III của nhiều nhóm ngành có thực trạng kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Dù vậy, bước vào tình trạng “bình thường mới”, các doanh nghiệp đều nỗ lực tối đa công suất trong 3 tháng cuối năm để vớt vát lại trong một năm kinh doanh đầy khó khăn.

Tin bài liên quan