Doanh nghiệp thép lạc quan vào triển vọng cuối năm

Doanh nghiệp thép lạc quan vào triển vọng cuối năm

(ĐTCK) Tiết giảm chi phí, hạ giá thành, đồng thời triển khai biện pháp phòng vệ thương mại đối với giá rẻ từ Trung Quốc, các DN thép trong nước đang chủ động hơn trong nâng cao sức cạnh tranh, đón nhận cơ hội từ sự khởi sắc của thị trường bất động sản.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Văn Thạnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Việt Ý (VIS) cho biết, 9 tháng đầu năm nay, sản lượng tiêu thụ của VIS tương đối ổn định.

Trong quý III vừa qua, Công ty có lợi nhuận tương đối tốt, nhưng do trong quý I lỗ hơn 40 tỷ đồng nên lợi nhuận 9 tháng khó đạt con số dương. Từ đầu năm 2015 đến nay, giá thép nguyên liệu có xu hướng tăng, trong khi sản phẩm đầu ra lại giảm gây bất lợi lớn cho những doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu như VIS. Mặc dù vậy, ông Thạnh kỳ vọng, hoạt động kinh doanh của Công ty trong quý cuối năm sẽ chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn, cả về sản lượng tiêu thụ lẫn giá cả nguyên vật liệu.

Ngành thép Việt Nam đang phải đối phó với sức ép cạnh tranh khốc liệt từ thép Trung Quốc giá rẻ. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sau khi thống nhất với các doanh nghiệp trong ngành, sẽ khởi kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc cũng như phải có biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng tôn màu của Trung Quốc.

“DN ngành thép cũng như VIS đang tính toán để đảm bảo cân bằng giữa chất lượng sản phẩm và giá thành. Quan điểm của chúng tôi là phải tiết giảm chi phi, đưa giá thành về mức hợp lý nhất, phù hợp với xu thế cạnh tranh trong nước và quốc tế”, ông Thạnh nói. 

Theo ông Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Ống thép Việt Đức (VGS), trong điều kiện lãi suất ngân hàng về mức khá thấp, thị trường bất động sản hồi phục, các ngành vật liệu xây dựng đang được hưởng lợi. VGS ước tính sẽ vượt nhẹ kế hoạch kinh doanh năm 2015 (với doanh thu 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng).

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2015, lượng sắt thép thô đạt 2.770,2 nghìn tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ. Thép cán đạt 3.084,8 nghìn tấn, tăng 20,1% so với cùng kỳ, thép thanh, thép góc đạt 2.921 nghìn tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2015, nhập khẩu thép các loại tăng 41,5% về lượng, tăng 7,2% về trị giá, nhập khẩu sản phẩm từ thép tăng 37,3% về trị giá. Bộ Công Thương cũng dự báo thị trường thép trong quý IV/2015 có khả năng tăng trưởng tích cực.

Nhận định về triển vọng của ngành khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thép cho rằng, sẽ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhờ thuế suất xuất khẩu vào các thị trường trong khối sẽ được cắt giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VIS Trần Văn Thạnh, thách thức sẽ đến cùng với cơ hội và chỉ những doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh mới có thể tồn tại được.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng nhiều lần nhấn mạnh về việc các doanh nghiệp thép sẽ có nhiều cơ hội hơn khi tham gia TTP. Dẫu vậy, muốn cạnh tranh tốt, doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ và cạnh tranh thành công trên thị trường trong nước và thế giới.

Với HSG, sau 9 tháng đầu năm tài chính 2014 - 2015, Công ty đạt 13.515 tỷ đồng doanh thu, hoàn thành 81,9% kế hoạch cả năm và 485 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 7,7% kế hoạch năm. Trong báo cáo mới đây, SSI dự báo lợi nhuận ròng năm tài chính 2014-2015 của HSG có thể đạt 611 tỷ đồng. Trong năm 2016, SSI kỳ vọng doanh thu của HSG tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 21.396 tỷ đồng, nhờ vào dây chuyền sản phẩm mới tại nhà máy ở Nghệ An và Bình Định và lợi nhuận có thể đạt 658 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2015.  

Tin bài liên quan