Doanh nghiệp tuần qua: Ricon và Coteccons cùng "nóng"; Nhiệt điện Phả Lại nhận "thẻ đỏ"; Bamboo Airways tái cơ cấu đội bay

0:00 / 0:00
0:00
Nhiệt điện Phả Lại nói gì khi bị đình chỉ 12 tháng vì gây ô nhiễm. Ricon làm rõ tin liên quan đến Coteccons. Bamboo Airways tái cơ cấu đội bay. FPT Retail lỗ kỷ lục trong quý II/2023.

Nhiệt điện Phả Lại nói gì khi bị đình chỉ 12 tháng vì gây ô nhiễm

Theo quyết định xử phạt từ Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường, Bộ Công an, CTCP Nhiệt điện Phả Lại bị xử phạt vì loạt vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường.

CTCP Nhiệt điện Phả Lại bị xử phạt vì loạt vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường

CTCP Nhiệt điện Phả Lại bị xử phạt vì loạt vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường

Quyết định chỉ ra Nhiệt điện Phả Lại đã có hành vi thải bụi, khí có thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật tại 2 ống khói dây chuyền 1 và 2.

Với các hành vi vi phạm trên, Nhiệt điện Phả lại bị xử phạt hành chính dành, tổng mức tiền phạt hơn 3,9 tỷ đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động trong thời hạn 12 tháng.

Sau khi có thông báo xử phạt, ngày 27/07, Nhiệt điện Phả Lại đã có văn bản phản hồi. Doanh nghiệp cho biết thời gian qua đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đảm bảo môi trường theo quy định, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế với thông số môi trường và chưa đáp ứng yêu cầu ở một số thời điểm.

“Trên tinh thần nghiêm túc khắc phục các tồn tại đã được Cục Cảnh sát môi trường nêu, Công ty đang khẩn cấp lập phương án xử lý để triển khai ngay biện pháp khắc phục, đồng thời nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết bị để đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ báo cáo kết quả triển khai tới Cục Cảnh sát Môi trường và Bộ Tài nguyên Môi trường.

Với tình hình cung cấp điện ở miền Bắc đang có nhiều khó khăn, Công ty sẽ khẩn trương, nghiêm túc triển khai các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu về môi trường để sớm đưa các tổ máy vào vận hành trở lại trong thời gian sớm nhất để phục vụ cung cấp điện cho miền Bắc” - trích thông báo từ Nhiệt điện Phả Lại.

Nhiệt điện Phả Lại đang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với 51% cổ phần do Tổng công ty Phát điện 2 (EVN GENCO2) nắm giữ. REE đang giữ 24,14% cổ phần và các cổ đông khác nắm giữ 23,96% cổ phần.

Ricon ra thông báo, làm rõ tin liên quan đến Coteccons

Trong thư gửi cổ đông, khách hàng, đối tác, Ricons làm rõ ba nội dung. Thứ nhất, đối tượng bị yêu cầu mở thủ tục phá sản là Coteccons, không phải Ricons. Thứ hai, việc nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons là kết quả của khoản công nợ quá hạn đã được Coteccons thừa nhận nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán.

Ricons nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons

Ricons nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons

Ricons đã cân nhắc phương án tối ưu nhất để thu hồi công nợ và đã chủ động gửi nhiều công văn đến Coteccons đề xuất phương án giải quyết; trong quá trình đó, cũng đã thông báo và cập nhật cho Coteccons về việc Ricons đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với mong muốn giải quyết trước khi Tòa án thụ lý đơn, nhằm tránh hậu quả bất lợi có thể xảy ra. Nhưng rất tiếc, Chúng tôi đã không nhận được phản hồi thiện chí từ Coteccons.

Việc Ricons yêu cầu thanh toán công nợ và nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật trong suốt một thời gian dài. Đến ngày 04/07/2023, Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu của Ricons.

Ricons khẳng định, hành động pháp lý nêu trên không nhằm mục đích nào khác là để thu hồi khoản công nợ quá hạn đã lâu, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty và Cổ đông, đảm bảo dòng tiền thanh toán cho các đối tác Nhà thầu phụ/ nhà cung cấp đã đồng hành cùng Ricons trong tình hình thị trường khó khăn như hiện tại.

Thứ ba, đến thời điểm hiện tại, vụ việc vẫn đang được Tòa án giải quyết. Mọi lập luận, kết luận liên quan đến vấn đề giữa hai Công ty sẽ được trình bày và giải quyết tại Tòa án – nơi được cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về vụ việc.

Trước đó, trên mạng xã hội có đăng tải nhiều thông tin sai lệch liên quan đến việc Ricons nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, gây ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của Ricons và làm tăng thêm sự căng thẳng không cần thiết giữa các bên.

Ngày 24/07, CTCP Xây dựng Coteccons đã nhận được thông báo của Tòa án Nhân dân TP.HCM về việc thụ lý yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons. Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, CTD khẳng định là có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả giữa hai Công ty.

Coteccons cho rằng, dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên Toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà Coteccons cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này.

Bamboo Airways tái cơ cấu đội bay

Trong thông báo mới đây, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cho biết dự kiến điều chỉnh lịch và tần suất khai thác một số đường bay kể từ tháng 08/2023.

Bamboo Airways sẽ điều chỉnh lịch và tần suất khai thác một số đường bay kể từ tháng 08/2023

Bamboo Airways sẽ điều chỉnh lịch và tần suất khai thác một số đường bay kể từ tháng 08/2023

Việc này nhằm để thực hiện tái cơ cấu đội bay, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hãng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Bamboo Airways cho biết.

Theo đó, Bamboo Airways sẽ tiếp tục khai thác đội tàu gồm đầy đủ loại tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, tàu bay thân hẹp Airbus A320/321 và phản lực khu vực Embraer.

Bên cạnh phương án khai thác mới, Bamboo Airways cũng nâng cấp các chính sách chăm sóc khách hàng, hỗ trợ mạng lưới đối tác, đại lý trong và ngoài nước, để đảm bảo hài hoà lợi ích chính đáng của các bên. Lịch bay mới và các chính sách cập nhật sẽ được Hãng thông tin trực tiếp và cụ thể đến các đối tác và hành khách trong thời gian sớm nhất.

Công ty cho biết, những sự điều chỉnh tạm thời trên là một phần trong tiến trình tái cơ cấu tổng thể mà Bamboo Airways đã và đang thực hiện.

FPT Retail lỗ kỷ lục trong quý II/2023

Trong quý II/2023, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) ghi nhận doanh thu thuần 7,2 ngàn tỷ đồng và lãi gộp gần 1,1 ngàn tỷ đồng, đều tăng 15% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận vẫn ổn định ở mức 15%.

Long Châu đang đóng góp 50% doanh thu cho Tập đoàn trong quý II/2023

Long Châu đang đóng góp 50% doanh thu cho Tập đoàn trong quý II/2023

Xét riêng từng chuỗi, Long Châu rõ ràng đang bứt phá với doanh thu gần gấp đôi cùng kỳ, lên 3,615 tỷ đồng.

Trong khi đó, FPT Shop đang lao đao trong cuộc chiến giá gay gắt và sự suy giảm tiêu dùng với các thiết bị ICT, với doanh thu sụt 18% xuống 3.605 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Long Châu đang đóng góp 50% doanh thu cho Tập đoàn trong quý II/2023. Trong khi đó, các khoản phí tăng mạnh đã góp phần làm xấu đi bức tranh kinh doanh của FPT Retail.

Trong quý II, chi phí lãi vay tăng 49% lên 73 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 24% lên 963 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 167% lên 256 tỷ đồng.

Nguyên nhân có thể đến từ việc mở rộng chuỗi Long Châu cùng với việc tung ra các chương trình khuyến mãi và cạnh tranh giá của chuỗi FPT Shop trong bối cảnh sức cầu yếu. Trong quý II/2023, Long Châu mở thêm 187 cửa hàng, trong khi FPT Shop đóng 7 cửa hàng.

Đây là nguyên nhân chính khiến FPT Retail lỗ ròng 219 tỷ đồng trong quý 2/2023, đánh dấu quý lỗ thứ hai liên tiếp và là quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay

Lũy kế 6 tháng đầu năm, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần 14,924 tỷ đồng, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ ròng 224 tỷ đồng. Trong đó, Long châu là “đầu kéo” cho tăng trưởng về doanh thu, với gần 6,9 ngàn tỷ đồng, còn FPT Shop sụt giảm về 8 ngàn tỷ đồng. Theo chia sẻ từ FPT Retail, mỗi cửa hàng Long Châu mang về doanh thu trung bình 1 tỷ đồng trong 1 tháng.

Tin bài liên quan