Doanh nghiệp tuần qua: Thành viên HĐQT Hòa Phát nhận 1,4 tỷ đồng/tháng; Chủ tịch Bamboo Capital trấn an cổ đông; FLC Faros có tân Chủ tịch

0:00 / 0:00
0:00
HĐQT Hòa Phát nhận thù lao 117,8 tỷ đồng năm 2021. PV Drilling để ngỏ mục tiêu lợi nhuận năm 2022. Chủ tịch Bamboo Capital trấn an cổ đông khi cổ phiếu giảm...là những tin tức DN nổi bật.

PV Drilling để ngỏ mục tiêu lợi nhuận năm 2022

Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 4,700 tỷ đồng và không thua lỗ.

PV Drilling cho biết theo ước tính mới nhất, giá dầu Brent trung bình dự báo của EIA của trong năm 2022 sẽ duy trì ở mức 82,87 USD/thùng. Nguyên nhân chủ yếu là do tồn kho dầu đã giảm 6 quý liên tiếp và đẩy tồn kho của nhóm nước thuộc tổ chức OECD xuống mức 2,7 tỷ thùng, mức thấp nhất kể từ 2014. Bên cạnh đó, đặc biệt là liên quan đến căng thẳng Nga – Ukraine, cùng với lo ngại thị trường suy thoái vì xuất hiện biến thể Omicron sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ dầu.

PV Drilling lên kế hoạch năm nay có doanh thu hợp nhất 4,700 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện 2021

PV Drilling lên kế hoạch năm nay có doanh thu hợp nhất 4,700 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện 2021

Theo đó, PV Drilling lên kế hoạch năm nay có doanh thu hợp nhất 4.700 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện 2021 và không thua lỗ (hợp nhất). Lãi sau thuế Công ty mẹ dự kiến 45 tỷ đồng. Phương án chia cổ tức sẽ bàn ở ĐHĐCĐ thường niên 2023 (tỷ lệ chia cổ tức 2021 là 10%).

Ban lãnh đạo chỉ ra kế hoạch 2022 xây dựng dựa trên dự đoán thị trường dầu khí và đặc biệt là thị trường khoan còn khó khăn, dịch bệnh khó lường, ước tính các chương trình khoan trong nước không nhiều, tình trạng cung vượt cầu giàn khoan vẫn ở mức cao, đơn giá cho thuê giàn và các dịch vụ khác ở mức thấp.

2022 kỳ vọng là năm chạy đà của PV Drilling, đà tăng của giá dầu có thể khuyến khích các nhà thầu khoan khởi động các chương tình khoan mới, bắt đầu từ 2023.

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu cùng là động lực để thay đổi tư duy, linh hoạt… đồng thời tiếp tục áp dụng các giải pháp quản trị doanh nghiệp.

Tổng chi phí đầu tư trong năm 2022 dự kiến 315 tỷ đồng, trong đó chủ yếu bao gồm các khoản mục đầu tư liên quan đến công tác hoạt động sửa chữa và mua sắm thiết bị trên giàn khoan. Các khoản còn lại PV Drilling thực hiện đầu tư và những dự án mua sắm các trang thiết bị cần thiết cho hoạt động xản xuất kinh doanh.

Trong tổng 315 tỷ đồng kế hoạch đầu tư, các khoản mục đầu tư thuộc Công ty mẹ là 161 tỷ đồng, của các thành viên là 154 tỷ đồng.

Chủ tịch Bamboo Capital trấn an cổ đông khi cổ phiếu giảm chóng mặt

Theo ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Bamboo Capital, Công ty dự kiến sẽ ghi nhận một sự tăng trưởng tích cực trong kết quả kinh doanh quý II/2022 so với cùng kỳ.

Thị trường chứng khoán giảm sâu 3 tuần vừa qua do nhiều thông tin tiêu cực về việc một số lãnh đạo doanh nghiệp bị điều tra hành vi thao túng chứng khoán. Nhóm cổ phiếu đầu cơ ghi nhận số lượng giảm kịch sàn lớn nhất thị trường. Trong 10 phiên gần nhất thì VN-Index giảm tới 9 phiên, khiến tài sản nhà đầu tư và vốn hóa các công ty bốc hơi chóng mặt.

Cổ phiếu BCG và TCD thuộc hệ sinh thái Bamboo Capital cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực trên.

Thông cáo của Chủ tịch Bamboo Capital gửi các cổ đông

Thông cáo của Chủ tịch Bamboo Capital gửi các cổ đông

Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital trấn an cổ đông bằng cách gửi thông cáo tới các cổ đông. Trong đó, khẳng định: “Mặc dù thị trường có nhiều thách thức, chúng tôi xin khẳng định mọi hoạt động của Công ty đang diễn biến tốt đẹp theo định hướng đã được thông qua tại ĐHĐCĐ 2021 và bám sát kế hoạch kinh doanh mà chúng tôi xây dựng cho năm 2022. Chúng tôi dự kiến sẽ ghi nhận một sự tăng trưởng tích cực trong kết quả kinh doanh quý 2/2022 so với cùng kỳ năm trước”.

Cụ thể, mảng năng lượng tái tạo đang tăng trưởng tốt sau khi dịch bệnh COVID-19 qua giai đoạn căng thẳng, nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt tăng lên, các nhà máy điện mặt trời đã hòa lưới của BCG đã truyền tải công suất lớn dẫn đến doanh thu từ mảng này đóng góp ấn tượng.

Về mảng bất động sản của BCG Land đảm nhận, các dự án trọng điểm như Hoi An D’or, King Crown Infinity đang nhận được sự phản hồi tích cực từ thị trường và sẽ mang về doanh thu lớn cho Công ty. Mảng xây lắp - hạ tầng của Tracodi đang có những bước tiến rất vững chắc, ổn định. Dự kiến, TCD sẽ ghi nhận tăng trưởng ấn tượng về lợi nhuận trong quý 2/2022 so với cùng kỳ.

Trong khi đó, mảng sản xuất đồ gỗ nội – ngoại thất và tinh bột sắn biến tính của Nguyễn Hoàng lấy sự đổi mới làm trọng tâm, không ngừng tìm kiếm những giải pháp kinh doanh hiệu quả, để có thể mở rộng quy mô sản xuất và giảm thiểu rủi ro đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong thông cáo báo chí gửi đến cổ đông, Chủ tịch BCG khẳng định rõ: “Công tác huy động vốn của công ty vẫn luôn được tư vấn bởi những đơn vị chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm và tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật. Trong năm qua, BCG cũng đã chủ động thực hiện xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và được FiinRatings đánh giá triển vọng tích cực”.

FLC Faros bổ nhiệm tân Chủ tịch HĐQT thay bà Hương Trần Kiều Dung

Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) vừa công bố loạt nghị quyết HĐQT về vấn đề thay đổi nhân sự. Bà Nguyễn Bình Phương sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT FLC Faros.

Bà Nguyễn Bình Phương là tân Chủ tịch HĐQT FLC Faros

Bà Nguyễn Bình Phương là tân Chủ tịch HĐQT FLC Faros

Trước đó, ngày 8/4, bà Hương Trần Kiều Dung bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc giúp sức Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán. Ngoài là Chủ tịch FLC Faros, bà Dung còn là Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC, Chủ tịch Chứng khoán BOS.

Được biết, bà Nguyễn Bình Phương sinh năm 1973, bắt đầu làm Tổng Giám đốc FLC Faros từ ngày 30/11/2020 sau khi FLC Faros có nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Phó tổng Giám đốc của bà.

Cũng trong ngày 21/4, Hội đồng quản trị FLC Faros còn thay đổi chức danh đối với ông Lê Tuấn Hùng, cụ thể từ Phó tổng giám đốc thường trực thành Phó tổng giám đốc. Đồng thời, FLC Faros bổ nhiệm ông Trần Thế Anh làm Phó tổng giám đốc thường trực kể từ ngày 21/4.

Ông Trần Thế Anh sinh năm 1978, từng làm Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty cổ phần Liên doanh Đầu tư quốc tế KLF (nay đã đổi tên thành Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS), Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (MCK: GAB).

HĐQT Hòa Phát nhận thù lao 117,8 tỷ đồng năm 2021

Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán của Tập đoàn Hòa Phát năm 2021, thù lao của Hội đồng quản trị Tập đoàn là 117,8 tỷ đồng, cao gấp 4,67 lần so với năm 2020. Ngoài ra, thù lao của Ban giám đốc cũng tăng 67,7% lên 3,89 tỷ đồng; thù lao của Ban kiểm soát tăng 108,3% lên 1,75 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị của Hòa Phát gồm 7 thành viên

Hội đồng quản trị của Hòa Phát gồm 7 thành viên

Hiện nay, Hội đồng quản trị của Tập đoàn Hòa Phát đang gồm 7 thành viên là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT; ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT; ông Doãn Gia Cường, Phó chủ tịch HĐQT; ông Nguyễn Việt Thắng, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốcl ông Hoàng Quang Việt và ông Nguyễn Ngọc Quang.

Như vậy, tính trung bình mỗi thành viên HĐQT sẽ nhận thù lao 16,83 tỷ đồng/năm, tương ứng với 1,4 tỷ đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo phương án đề xuất trích lập các quỹ mà Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 HPG đã thông qua, thù lao cho Hội đồng quản trị sẽ có mức trích tối đa bằng 0,6% lợi nhuận sau thuế.

Năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát đạt mức 150.865 tỷ đồng và 34.521 tỷ đồng, lần lượt tăng 65,28% và 156% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, mức thù lao tối đa HĐQT công ty có thể nhận được trong năm nay là 207,13 tỷ đồng. Thù lao HĐQT công ty nhận trong năm 2021 vẫn thấp hơn mức tối đa khoảng 90 tỷ đồng.

Vinasun báo lãi trở lại sau 2 năm thua lỗ

Trong năm 2022, Vinasun đặt kế hoạch tổng doanh thu gần 639 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước

Trong năm 2022, Vinasun đặt kế hoạch tổng doanh thu gần 639 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) báo lãi ròng đạt hơn 12 tỷ đồng trong quý I/2022 trong khi cùng kỳ lỗ hơn 29 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, Vinasun ghi nhận doanh thu thuần giảm 26% so với cùng kỳ, xuống còn 164 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn giảm mạnh hơn đã giúp biên lãi gộp tăng vọt từ 3% lên gần 22%.

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng từ gần 2 tỷ đồng lên hơn 4.3 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng. Ngược lại, loạt chi phí đồng loạt giảm tốc.

Kết quả, “ông lớn” taxi thu về hơn 12 tỷ đồng lãi ròng, cùng kỳ lỗ hơn 29 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, do từ giữa cuối năm 2021, Công ty đã thực hiện hàng loạt các chính sách và giải pháp nhằm giảm số lượng xe nằm bãi, giảm chi phí, khuyến khích lái xe quay lại kinh doanh, tập trung hoạt động của Công ty vào các địa bàn trọng điểm và các chính sách này đã phát huy tác dụng trong quý I/2022.

Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 đã được khống chế và giảm dần, các hoạt động kinh doanh và giao thương của TP.HCM dần phục hồi trở lại đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của Công ty.

Tại thời điểm 31/03/2022, tổng tài sản của Vinasun ghi nhận hơn 1,470 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 23%, xuống còn 183 tỷ đồng.

Nợ phải trả tại thời điểm này giảm 31%, ghi nhận gần 252 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn (vay và nợ dài hạn đến hạn trả) hơn 55 tỷ đồng (giảm 58%) và dư nợ vay dài hạn hơn 26 tỷ đồng (giảm 55%).

Trong năm 2022, Vinasun đặt kế hoạch tổng doanh thu gần 639 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước và lãi sau thuế là 27 tỷ đồng, năm trước lỗ đậm hơn 277 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra, Công ty đã thực hiện được 46% mục tiêu lãi sau thuế 2022 dù chỉ vừa kết thúc quý đầu năm.

Tin bài liên quan