Doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dần chuẩn mực quản trị quốc tế

Doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dần chuẩn mực quản trị quốc tế

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Kết quả đánh giá Quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết năm 2020 cho thấy các doanh nghiệp đạt giải đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí về quyền lợi của cổ đông, tiệm cận dần chuẩn mực quản trị quốc tế.

Quyền lợi của cổ đông được đáp ứng tốt

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết các doanh nghiệp buộc phải tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) muộn hơn so với kế hoạch, nhưng vẫn đảm bảo trong khuôn khổ pháp luật cho phép là 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính và có công văn xin gia hạn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư.

ĐHCĐ dù được tổ chức trễ hơn, nhưng khâu chuẩn bị lại rất chu đáo, các thông tin về thư mời, tài liệu họp được công bố chi tiết, đầy đủ, chậm nhất 10 ngày trước khi đại hội diễn ra. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn tới việc công bố tài liệu họp bằng tiếng Anh để giúp các cổ đông nước ngoài dễ tiếp cận thông tin. Doanh nghiệp cũng công khai danh sách ứng viên kiểm toán để ĐHCĐ chọn ra ứng viên phù hợp, đảm bảo tính độc lập và chi phí hợp lý so với phạm vi kiểm toán.

Trong quá trình diễn ra đại hội, cổ đông được tạo điều kiện để chất vấn ban lãnh đạo và nhận được phản hồi, tất cả đều được ghi nhận chi tiết trong biên bản ĐHCĐ. Sau khi đại hội kết thúc, biên bản này được doanh nghiệp công bố công khai trên các phương tiện chính thống vào ngày làm việc tiếp theo, bao gồm cả kết quả biểu quyết (số phiếu đồng ý, phản đối hay phiếu trống đối với tất cả các vấn đề nghị sự).

Ngoài ĐHCĐ, các doanh nghiệp còn tạo điều kiện cho cổ đông hiểu rõ hơn về tình hình hoạt động kinh doanh, đồng thời đóng góp ý kiến cho công ty thông qua các chương trình gặp gỡ, hội nghị nhà đầu tư, các cuộc tham quan nhà máy, xí nghiệp hoặc thông qua kênh liên hệ bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) nhằm giúp cổ đông có thể giải đáp thắc mắc khi cần thiết.

Đồng thời, để tạo niềm tin cho cổ đông tiếp tục đồng hành với công ty trong dài hạn, nhất là với kế hoạch tăng vốn trong tương lai, doanh nghiệp đã thực hiện chi trả đầy đủ cổ tức cho cổ đông trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc ĐHCĐ. Doanh nghiệp cũng đã tăng cường phát hành cổ phiếu lựa chọn cho người lao động (ESOP) để gắn bó lợi ích lâu dài của nhân viên với công ty.

Các doanh nghiệp đoạt giải cũng thể hiện rõ đang dần nâng cao vai trò và trách nhiệm của hội đồng quản trị (HĐQT). Top các doanh nghiệp dẫn đầu tập trung vào các khía cạnh như đa dạng về giới tính cũng như kiến thức, kinh nghiệm trong cơ cấu thành viên HĐQT, tách bạch vai trò của chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc, công khai danh sách vị trí thành viên HĐQT ở các công ty khác, không có thành viên HĐQT nào là nguyên tổng giám đốc trong 2 năm trước đây để tránh mâu thuẫn.

Đồng thời, HĐQT và ban kiểm soát đã tích cực thực thi vai trò, trách nhiệm của mình thông qua các cuộc họp với sự tham gia đầy đủ của các thành viên; thực hiện báo cáo chi tiết vai trò lãnh đạo, giám sát ban điều hành, kế hoạch trong tương lai, đánh giá ban giám đốc, tổng hợp các cuộc họp và quyết định; đáp ứng được tiêu chí trưởng Ban kiểm soát có chuyên môn kinh nghiệm liên quan đến tài chính, kế toán, kiểm toán để đảm bảo thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm được giao...

Có một điểm mới trong thẻ điểm năm nay là yêu cầu các doanh nghiệp thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ và hơn 60% doanh nghiệp top đầu đã làm được điều này. Qua 3 năm đánh giá, các doanh nghiệp có sự tiến bộ đáng kể trong việc bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty/thư ký công ty, công bố rõ danh tính kèm thông tin lý lịch, vai trò của những đối tượng này.

Phần lớn doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của các ủy ban hỗ trợ cho HĐQT nên đã thành lập các ủy ban chuyên trách, đồng thời trình bày chi tiết các rủi ro trọng yếu và biện pháp quản lý rủi ro tương ứng.

Những mặt hạn chế

Bên cạnh những tiêu chí được thực hiện tốt, các doanh nghiệp cũng còn một số mặt hạn chế như chưa tạo điều kiện cho cổ đông đóng góp ý kiến về chương trình nghị sự, đặc biệt là các cổ đông thiểu số, bao gồm các nội dung về đề cử người vào HĐQT, Ban kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức được ĐHCĐ trực tuyến và không công bố danh sách thành viên HĐQT, ban kiểm soát tham dự đại hội.

Nhiều doanh nghiệp đã công bố báo cáo đánh giá liên quan đến môi trường và xã hội, chính sách bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như quan tâm đến sức khoẻ, an toàn, phúc lợi và đào tạo phát triển kỹ năng, chuyên môn cho nhân viên... Tuy nhiên, việc công bố chủ yếu tập trung ở nhóm vốn hóa lớn, nội dung công bố còn chưa chi tiết.

Bộ quy tắc ứng xử cũng đã được doanh nghiệp công bố, nhưng chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu, chẳng hạn bộ quy tắc mới chỉ dành cho cán bộ, nhân viên, mà không yêu cầu tất cả lãnh đạo công ty phải tuân thủ.

Hầu hết doanh nghiệp có thành viên HĐQT độc lập, nhưng chưa đáp ứng được tiêu chí đủ 1/3 số lượng thành viên HĐQT là thành viên độc lập, đồng thời chưa đáp ứng yêu cầu chủ tịch HĐQT, trưởng ban kiểm soát, chủ tịch các ủy ban là thành viên độc lập, hay thành viên độc lập đánh giá hoạt động của các thành viên HĐQT khác trong năm; các cuộc họp riêng của các thành viên không điều hành còn chưa được tổ chức thường xuyên…

Việc cập nhật kiến thức về quản trị công ty cho các thành viên HĐQT, thư ký công ty, người phụ trách quản trị công ty còn hạn chế khi công ty vẫn chưa chú trọng cập nhật kiến thức hàng năm, hoặc có tham gia nhưng chưa công bố rõ thông tin chương trình, thời gian tham gia, đơn vị đào tạo.

Năm nay thẻ điểm đánh giá có bổ sung các tiêu chí mới là yêu cầu công ty công bố chính sách và thông tin liên hệ để các bên liên quan có thể báo cáo sai phạm, cũng như các tiêu chí liên quan đến môi trường - xã hội trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp, nhưng đa số doanh nghiệp chưa thực hiện được tiêu chí này. Bù lại, các doanh nghiệp đều lập báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn được quốc tế công nhận như GRI, SASB, báo cáo tích hợp.

Để nâng cao chất lượng quản trị công ty, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, việc minh bạch trong công bố thông tin là yếu tố vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp đạt giải đã thực hiện tốt hầu hết các tiêu chí về tính độc lập của thành viên HĐQT, sở hữu của thành viên chủ chốt, cổ đông lớn, cơ cấu cổ đông; công bố báo cáo thường niên, báo cáo tình hình quản trị công ty đúng hạn; điều lệ, quy chế được cập nhật đầy đủ và khẳng định sự tuân thủ đầy đủ với quy tắc quản trị công ty... Tuy nhiên, động thái này mới đạt mức độ tuân thủ, mà chưa áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, các thông tin về lương, thưởng của ban điều hành, của từng thành viên HĐQT, ban kiểm soát cũng chưa đạt yêu cầu của bộ tiêu chí.

Nhìn chung, các doanh nghiệp dẫn đầu đã thực hiện tốt các tiêu chí tuân thủ về quản trị công ty theo chuẩn mực của Việt Nam, nhưng cần cải thiện hơn nữa những mặt còn hạn chế để nâng cao chất lượng quản trị tại doanh nghiệp, tiến tới thực hiện theo các thông lệ tốt của quốc tế.

Các tiêu chí đánh giá về quản trị công ty giúp doanh nghiệp đánh giá lại thực hành quản trị tại công ty hàng năm, qua đó giúp doanh nghiệp thấy được những điểm tiến bộ cũng như những điểm hạn chế còn tồn tại để tiếp tục cải thiện. Quản trị công ty tốt vừa giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu lợi nhuận song hành với mục tiêu phát triển bền vững, vừa nâng cao được thương hiệu, hình ảnh và độ tín nhiệm trong mắt nhà đầu tư.

(*) Nhóm đánh giá Quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam năm 2020.

Tin bài liên quan