Doanh nghiệp Việt ngại IFRS, do đâu?

Doanh nghiệp Việt ngại IFRS, do đâu?

(ĐTCK) 10 năm gần đây, việc áp dụng các Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đã phát triển nhanh chóng và được áp dụng phổ biến trên toàn cầu. 

Ông Hans Hoogervorst, Chủ tịch Ủy ban chuẩn mực Kế toán quốc tế (IASB) cho biết, trong số 140 quốc gia được IASB khảo sát, có 116 nước yêu cầu toàn bộ hoặc hầu hết các doanh nghiệp nội địa áp dụng IFRS. Đa số các quốc gia còn lại cho phép áp dụng IFRS...

IFRS được ưa chuộng trên toàn cầu bởi nó tạo ra sự minh bạch, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp; giảm bớt độ chênh thông tin giữa nội bộ và bên ngoài công ty; cải thiện tính minh bạch và mức độ tin cậy về thông tin tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, qua đó hấp dẫn các dòng vốn đầu tư nước ngoài…

Lợi ích của IFRS là rõ ràng, song đến nay vẫn chưa được triển khai phổ biến ở Việt Nam. Theo Deloitte Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) trong lập báo cáo tài chính (BCTC) theo luật định, chỉ một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc niêm yết trên thị trường quốc tế lập BCTC theo IFRS.

Sở dĩ phạm vi áp dụng IFRS tại Việt Nam còn rất khiêm tốn vì hành lang pháp lý chưa mở, chưa có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng. Các chỉ tiêu trong IFRS thay đổi khá thường xuyên, nên khiến các doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí để có thể đáp ứng. Do IFRS chưa được hệ thống pháp lý và cơ quan quản lý công nhận, nên ngay cả khi doanh nghiệp lập BCTC theo IFRS cho các mục tiêu khác nhau, thì họ vẫn phải lập thêm BCTC theo VAS để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý, nhất là cho cơ quan thuế, kiểm toán, thanh tra… Điều này gây phiền hà, tốn kém cho doanh nghiệp, nên họ ngại áp dụng IFRS.

Tuy nhiên, giới chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới, dù muốn hay không, Việt Nam sẽ phải áp dụng IFRS.

“Những khó khăn mà Việt Nam phải vượt qua để mở rộng phạm vi áp dụng IFRS, không đáng gì so với những lợi ích mà IFRS mang lại cho nền kinh tế, cũng như các doanh nghiệp về dài hạn. Quan trọng là Nhà nước và doanh nghiệp hãy đổi mới mạnh mẽ…”, ông Hans Hoogervorst nhìn nhận và khuyến nghị: “Việt Nam nên áp dụng nguyên vẹn chuẩn mực IFRS, thay vì áp dụng từng phần, có điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong trường hợp chưa thể áp dụng 100% chuẩn mực IFRS, thì trước tiên Việt Nam nên áp dụng bộ chuẩn mực IFRS dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với các yêu cầu đơn giản, dễ dàng cho doanh nghiệp tuân thủ. Bộ chuẩn mực này đã được áp dụng tại 78 quốc gia. IASB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam triển khai IFRS”.

Theo ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính, trong điều kiện nền kinh tế thị trường đang dần hoàn thiện, yêu cầu áp dụng IFRS là cấp bách, khách quan, nhưng cần có lộ trình phù hợp. Trước mắt, cơ quan quản lý sẽ đề xuất phương án áp dụng từng phần trước khi tiến tới áp dụng hoàn toàn IFRS. Để hiện thực hóa bước đi này, Việt Nam rất cần sự tư vấn, hỗ trợ của IASB và các chuyên gia của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế.

Tin bài liên quan