Tiki - sàn thương mại điện tử do người Việt sáng lập đặt kế hoạch IPO ở Mỹ vào năm 2025

Tiki - sàn thương mại điện tử do người Việt sáng lập đặt kế hoạch IPO ở Mỹ vào năm 2025

Doanh nghiệp Việt tái xuất giấc mơ IPO xuyên biên giới

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều công ty Đông Nam Á đang phát triển mạnh và có khả năng vượt ra ngoài khuôn khổ trong nước để thực hiện giấc mơ IPO xuyên biên giới.

Nhọc nhằn lộ trình IPO

Gần đây, các nhà đầu tư trên thế giới chứng kiến và gặp gỡ một nhóm công ty mới nổi tại châu Á đang dự tính phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ, nơi hoạt động niêm yết quốc tế từng chủ yếu do các công ty khởi nghiệp Trung Quốc thúc đẩy.

Trong số đó, chỉ vài doanh nghiệp Indonesia có nhu cầu, còn Thái Lan không có một công ty nào. Vậy nên, việc nhiều công ty ở Việt Nam muốn IPO là một điều thực sự có ý nghĩa với các nhà đầu tư khi họ đang tìm những doanh nghiệp tăng trưởng và đáng tin cậy để bỏ vốn, kiếm lời.

Hầu hết doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam có tham vọng vươn ra khu vực và toàn cầu đều đặt mục tiêu phải IPO ở thị trường lớn. Trong đó Mỹ và Singapore là lựa chọn của họ.

Theo dữ liệu của Renaissance Capital, tính đến ngày 29/11, trong số 103 đợt IPO của Mỹ trong năm nay, có 10 đợt đến từ các công ty có trụ sở tại Đông Nam Á.

Vào tháng 8/2023, Hãng ô tô điện VinFast có trụ sở tại Việt Nam đã tạo sóng lớn khi niêm yết tại Mỹ, thông qua SPAC (công ty mua lại với mục đích đặc biệt). Bên cạnh đó, “kỳ lân” công nghệ Việt Nam VNG cũng nộp hồ sơ niêm yết trên Nasdaq. Các sản phẩm của VNG bao gồm trò chơi, công nghệ tài chính và phát nhạc trực tuyến.

Theo ông Bob McCooey, Phó chủ tịch Nasdaq, có rất nhiều công ty từ Đông Nam Á đang xem xét thị trường Mỹ để IPO. Nhưng điều kiện thị trường đang trì hoãn kế hoạch niêm yết của họ sang nửa đầu năm tới.

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG thừa nhận, IPO trên thị trường quốc tế là việc ông rất lo, vì nó kéo theo những rủi ro đáng kể. “Tuy nhiên, đó là điều mà chúng tôi tin tưởng, vì nếu không làm thì VNG không thể đưa công ty phát triển một cách thực sự”, ông Minh nói.

Tiki - sàn thương mại điện tử do nhóm người Việt đồng sáng lập cũng đặt kế hoạch thực hiện IPO ở Mỹ vào năm 2025. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Tiki vẫn chưa có động thái mới. Hiện Tiki đứng trước ngưỡng cửa kỳ lân với mức định giá 832 triệu USD. Tiki đã nhận đầu tư 470 triệu USD, theo dữ liệu của CrunchBase. Lần gần nhất, Tiki bán 10% cổ phần cho Tập đoàn tài chính Shinhan (Hàn Quốc).

Hiện các nhà đầu tư quốc tế kỳ vọng vào động thái của tên tuổi mới là The CrownX của Masan Group. Masan có tham vọng phát triển nền tảng bán lẻ The CrownX thành kênh dịch vụ tiêu dùng tích hợp, dựa trên nền tảng F&B, hệ thống bán lẻ Winmart, đối tác với Techcombank, và tiềm năng M&A các thương hiệu tiêu dùng khác.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ông Danny Le, Tổng giám đốc Masan cho biết, đợt IPO của The CrownX có thể được triển khai trong năm 2024 hoặc 2025, khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn.

Đến nay, Masan đã thuyết phục thành công nhiều tên tuổi lớn trong thị trường tài chính quốc tế như SK Group (Hàn Quốc), Alibaba (Trung Quốc), Platinum Orchid (thuộc Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi), hay SeaTown Master Fund (công ty con của Temasek Holdings)… làm đối tác chiến lược và cùng hiện thực hóa tham vọng vươn tầm của mình.

Công ty cổ phần Tập đoàn FPT cũng tiết lộ, FPT Software có thể IPO để phục vụ tham vọng trở thành nhà sản xuất chip hàng đầu khu vực. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT cho biết, Tập đoàn có thể chi hàng trăm triệu USD cho M&A để mở rộng độ phủ, thiết lập đồng minh trên toàn cầu, đặc biệt ở các khu vực như Mỹ, châu Á, châu Âu và Mỹ La tinh.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thay vì niêm yết cổ phiếu để tiếp cận thị trường vốn, đại gia ngành công nghệ Việt lại có chiến lược tấn công “trực diện” vào thị trường Mỹ với bệ phóng là nguồn lực dồi dào sau nhiều năm tích lũy.

Thực tế, sau sự niêm yết của VinFast và Society Pass, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng trong 18 tháng tới sẽ có các sự kiện niêm yết của VNG, Tiki và The CrownX.

“Nút thắt” thị trường IPO trong nước

Việc một số công ty có nguồn gốc Việt Nam muốn niêm yết tại thị trường quốc tế được các nhà đầu tư coi là minh chứng cho đà tăng trưởng ổn định của Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến các công ty chất lượng, có chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ, thành tích tăng trưởng cao của Việt Nam. Đó là tín hiệu tích cực với Việt Nam, khi đã có một chiến lược rõ ràng về thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, thương vụ IPO của VinFast lại thuộc một doanh nghiệp đăng ký thành lập bên ngoài lãnh thổ Việt Nam (cụ thể là Singapore) thông qua hình thức SPAC được thực hiện ở thị trường chứng khoán NASDAQ của Mỹ. Do đó, thương vụ IPO này không nằm trong số thống kê của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC).

Ở trong nước, thị trường huy động vốn thông qua hình thức IPO đã trải qua một năm khá ảm đạm. Trong 10 tháng của năm 2023, có 3 doanh nghiệp hoàn thành IPO, huy động được 7,1 triệu USD theo công bố trên cổng thông tin của SSC.

Số lượng IPO thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt IPO và niêm yết được thắt chặt, đồng thời, lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn do các yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong năm 2023. Những điều kiện bất lợi này, cùng với diễn biến giảm điểm của VN-Index kể từ nửa đầu năm 2022, đã khiến những công ty có mong muốn IPO phải trì hoãn kế hoạch và chờ thời điểm thích hợp để niêm yết.

Ông Bùi Văn Trịnh, lãnh đạo phụ trách dịch vụ đảm bảo, Deloitte Việt Nam cho rằng, mặc dù các chỉ số chứng khoán của Việt Nam phục hồi vào cuối năm 2023, nhưng vẫn cách xa so với mức đỉnh năm 2021 và đầu năm 2022. Trong khi đó, số lượng IPO tại Đông Nam Á tương đối cao trong năm 2023. Indonesia nổi lên là thị trường sôi động nhất khu vực, với 77 thương vụ IPO, huy động được 3,6 tỷ USD, chiếm một nửa số thương vụ IPO của khu vực và 66% tổng số tiền IPO huy động được trên 6 sàn giao dịch.

Thành tích này đã giúp Indonesia có sàn giao dịch chứng khoán mạnh thứ 4 trên toàn cầu tính đến thời điểm hiện tại, chỉ đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Các công ty Đông Nam Á đang phát triển mạnh và có khả năng vượt ra ngoài khuôn khổ trong nước để thực hiện IPO xuyên biên giới. Thực tế này được thúc đẩy bởi một số yếu tố như kỳ vọng về mức định giá ưu đãi, thanh khoản được cải thiện, khả năng tương thích của ngành nghề và khẩu vị quen thuộc của nhà đầu tư với một số lĩnh vực nhất định. Các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn cầu đang chú ý nhiều hơn đến các công ty tại Đông Nam Á.

Bà Tay Hwee Ling, phụ trách dịch vụ IPO thị trường Đông Nam Á và Singapore của Deloitte chia sẻ, Đông Nam Á không phải là khu vực duy nhất đối mặt với thách thức duy trì một thị trường vốn cổ phần sôi động và hấp dẫn. Trên toàn cầu, số lượng IPO và số vốn IPO huy động đã trở lại mức trước Covid-19. Điều này được thúc đẩy bởi xu hướng các công ty muốn duy trì hình thức sở hữu tư nhân lâu hơn, gần đây là để ứng phó với môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu và tình hình lãi suất đầy thách thức.

“Các công ty đang cân nhắc niêm yết công khai có thể đã có một số mục tiêu thương mại. Mặc dù các thị trường chứng khoán trong khu vực có thể nghĩ ra nhiều chủ trương nhằm thu hút các công ty niêm yết, nhưng tầm ảnh hưởng trực tiếp của các chủ trương này đến quyết định niêm yết của các doanh nghiệp chỉ ở mức độ nhất định”, bà Tay Hwee Ling nói.

Theo đó, các nhà đầu tư sẽ xác định cách phân bổ nguồn vốn dựa trên chiến lược và cách họ nhìn nhận thị trường. Chính phủ các nước trong khu vực nhận ra giá trị của thị trường chứng khoán hấp dẫn là một phần của hệ sinh thái dịch vụ tài chính tổng thể và phải liên tục thích ứng với những thay đổi trên thị trường vốn toàn cầu.

Hiện Singapore gần như là “thiên đường” cho các doanh nghiệp trong khu vực muốn IPO để huy động vốn, đặc biệt qua hình thức SPAC.

Theo đại diện Deloitte Singapore, mặc dù thị trường IPO ở Singapore có vẻ trầm lắng trong năm nay, nhưng có một điểm quan trọng đáng lưu ý, đó là năng lực tài chính dồi dào của các công ty Singapore, sẵn sàng khám phá cơ hội để có những thương vụ niêm yết xuyên biên giới trên các sàn giao dịch toàn cầu.

“Singapore có sự ổn định chính trị và môi trường pháp lý vững chắc, tạo tiền đề khơi thông dòng vốn chưa từng có tiền lệ, đóng vai trò là cầu nối chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời là nơi đặt trụ sở chính trong khu vực được nhiều quỹ và các công ty quản lý quỹ gia đình lựa chọn”, đại diện Deloitte Singapore khẳng định.

Đối với nhiều công ty, việc niêm yết tại Mỹ hấp dẫn do Mỹ có cộng đồng lớn các nhà đầu tư và tính thanh khoản cao hơn, thì không ít công ty cũng có thể chọn niêm yết tại các khu vực khác, giúp họ tiếp cận tốt hơn với thị trường mục tiêu chính.

Tin bài liên quan