Doanh nghiệp xây dựng nỗ lực tạo lập giá trị mới

Doanh nghiệp xây dựng nỗ lực tạo lập giá trị mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn đang đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc, đồng thời sẵn sàng ứng phó với các tác động nếu dịch bệnh Covid-19 quay lại.

Vượt “bão” 2020

“2020 là một năm tất tả với nhiều lo lắng, hồi hộp, nhưng thành quả sau một giai đoạn tái cấu trúc, vượt qua bão Covid là động lực để chúng tôi bước tiếp trong giai đoạn mới, dần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng những dự án bất động sản mà tôi đã dành cả đời theo đuổi, những dự án góp phần tạo sự khởi sắc, nâng tầm đô thị tại các tỉnh ven thành phố”, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển xây dựng (DIG) chia sẻ.

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Tuấn nhận xét, thị trường bất động sản qua giai đoạn phát triển tự phát ban đầu đã đi vào chiều sâu, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước.

Do vậy, sức ép cạnh tranh trong ngành ngày càng gay gắt, đòi hỏi chủ đầu tư phải có tiềm lực tài chính mạnh, cách thức triển khai dự án chuyên nghiệp, coi trọng chữ tín mới có thể trụ vững. Với doanh nghiệp đã niêm yết, chịu sức ép của hàng ngàn cổ đông, nếu không thực hiện đúng hướng sẽ vấp phải sự phản ứng của cổ đông.

“Qua nhiều lần thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ từ cách quản trị, thay đổi cổ đông chiến lược, có sự đồng thuận, chia sẻ, cũng có những phải đối gay gắt, quyết liệt khi chưa thấu hiểu và tìm được lý tưởng chung, nhưng đến nay, tôi có thể thở phào nhẹ nhõm vì những nỗ lực đã được đền đáp”, ông Tuấn nói và khẳng định, kinh nghiệm đầu tư xây dựng phát triển các dự án đô thị, kinh doanh bất động sản và dịch vụ du lịch, hiểu biết về địa phương sâu sắc là những yếu tố làm nên thành công của DIG ngày hôm nay, đồng thời ấp ủ thêm nhiều kế hoạch lớn cho giai đoạn tiếp theo.

Cùng với việc đẩy mạnh tái cấu trúc theo hướng thoái vốn khỏi lĩnh vực đầu tư kém hiệu quả, lĩnh vực đầu tư ngoài ngành, DIG đang tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trong lĩnh vực phát triển dự án, khu đô thị, khu công nghiệp và dịch vụ du lịch, nhận thầu xây lắp các công trình và lĩnh vực khác.

Với Xuân Mai Corp, doanh nghiệp này trước đây từng bước lên đỉnh vinh quang, sau đó có giai đoạn rơi xuống vực thẳm khi không chủ động được nguồn lực tài chính, hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Đến nay, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Xuân Mai Corp vẫn cảm thấy may mắn khi công cuộc tái cấu trúc mang lại kết quả, dù bản thân phải trải qua chuỗi ngày dài trằn trọc nghĩ cách vực dậy doanh nghiệp.

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 khiến hàng loạt công trình của Công ty bị gián đoạn, nhưng đây là tình trạng chung của ngành xây dựng.

“Nhìn lại quá trình tái cấu trúc, cái được lớn nhất của Công ty không phải là con số về lợi nhuận trên báo cáo tài chính, dù đó là những con số mơ ước trước đây. Điều chúng tôi cảm thấy tự hào là việc đóng góp cho xã hội với nhiều công trình có chất lượng cao và lấy lại thương hiệu Xuân Mai đình đám một thời”, ông Sơn tâm sự.

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FECON (FCN) cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường xây dựng, đặc biệt là xây dựng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, tuy nhiên, khu vực bất động sản công nghiệp lại có nhiều tiềm năng. FCN sớm lường được khả năng sụt giảm lợi nhuận trong năm 2020, nhưng việc ký thêm được các hợp đồng mới là điểm sáng, sẽ tạo động lực phát triển cho Công ty trong giai đoạn cuối năm 2021 và những năm tiếp theo.

“Trong năm 2020, FCN đã thực hiện ký kết nhiều dự án, trong đó có 2 dự án doanh nghiệp tham gia với tư cách nhà thầu thi công hạ tầng là dự án cảng Vĩnh Tân tại Ðồng Nai và dự án Khu công nghiệp cầu cảng Phước Ðông, Long An. Năm 2021 cũng như giai đoạn 5 năm tới, 2 trong 5 mảng kinh doanh chủ đạo của FCN là xây dựng hạ tầng, xây dựng công nghiệp và phòng chống biến đổi khí hậu”, ông Khoa cho hay. Bên cạnh đó, các dự án điện gió và dự án thủy lợi, chống sạt lở cũng là mảng kinh doanh chiến lược trong vòng 5 năm tới của FCN, mục tiêu hướng đến đạt hơn 5.000 tỷ đồng doanh số trong năm 2021.

Sẵn sàng ứng phó với rủi ro

Covid-19 là cụm từ gần như được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2020 khi gây ra muôn vàn khó khăn, thách thức cho kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã sớm kiểm soát thành công dịch bệnh, nhưng trên thế giới vẫn có hàng chục nghìn ca nhiễm mới, hàng nghìn người tử vong vì Covid-19 mỗi ngày.

Các doanh nghiệp luôn trong tâm thế đề phòng dịch bệnh có thể quay trở lại, đồng thời chuẩn bị các phương án để đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nỗi lo dịch bệnh và những tác động khó lường chưa thể chấm dứt. Dù chịu tác động trực tiếp hay gián tiếp thì các doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị tâm lý đại dịch Covid-19 có thể quay trở lại và tìm cách ứng phó.

Mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp đã và đang có những giải pháp ứng phó linh hoạt theo nhiều cách khác nhau.

Theo lãnh đạo DIG, trong năm qua, thay vì mở rộng phát triển, doanh nghiệp đã nhìn nhận các nguồn thu khả quan nhất để tối ưu hóa dòng tiền, đồng thời xem xét lại các khoản chi tiêu cần thiết.

Thậm chí, doanh nghiệp đã tính đến việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho phù hợp với tình hình phức tạp của dịch bệnh.

Đến nay, dù hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, nhưng DIG vẫn luôn trong tâm thế đề phòng dịch có thể quay trở lại, đồng thời chuẩn bị các phương án để đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) cho biết, Công ty nỗ lực mở rộng thị trường, tham gia dự thầu nhiều dự án bao gồm cả công nghiệp, hạ tầng và tại nước ngoài. Cơ cấu lợi nhuận trong năm 2020 ước tính 60 - 65% từ mảng xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp, 35 - 40% từ mảng hạ tầng.

Về mảng xây dựng hạ tầng, công nghiệp, HBC đã tiến hành mua 57% vốn của Công ty 479 - đơn vị được tách ra từ Tổng công ty Cienco 4, chuyên thi công hạ tầng, có kinh nghiệm ở những công trình hạ tầng quy mô trên cả nước, có lượng khách hàng lớn.

Thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng phụ thuộc không nhỏ vào sự phục hồi thanh khoản và dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản, trong khi một số doanh nghiệp thi công nền móng, hạ tầng có thể hưởng từ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công. Thế nên, các hoạt động mà doanh nghiệp đang triển khai là điểm mấu chốt phản ánh sức khỏe nội tại và khả năng phục hồi của từng doanh nghiệp.

Tin bài liên quan