Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam

Doanh nghiệp xây dựng trong trạng thái báo động tài chính: Không cần "giải cứu" nhưng cần cơ chế bảo vệ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Không có cơ chế bảo vệ nhà thầu xây dựng thì 5 năm nữa không còn nhà thầu xây dựng”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo “Gỡ vướng địa ốc – Thúc đẩy tăng trưởng” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 19/4.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều vướng mắc, nhà thầu xây dựng là đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên, bởi mối liên thông giữa bất động sản và xây dựng là rất chặt chẽ. Ngành xây dựng đóng góp khoảng 6% vào GDP Việt Nam 2022, là lĩnh vực quan trọng có sức lan toả trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, quý I/2023 chỉ thực hiện được 8% kế hoạch 2023.

“Đây là trạng thái bi bét nhất từ trước tới nay”, ông Hiệp nói và cho biết thêm, khoảng 40 doanh nghiệp xây dựng thuộc Hiệp hội ở miền Trung không có việc làm. Nhóm nhà thầu phía Nam mà Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình là đơn vị dẫn đầu đã “kêu cứu” tới Thủ tướng với 21 chữ ký ủng hộ của các nhà thầu. Tại miền Bắc, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công có việc. Trong khi đó, đa phần các nhà thầu xây dựng là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Hiệp, vấn đề ở đây là thiếu cơ chế pháp lý bảo vệ nhà thầu. Doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để thực hiện hoạt động, làm xong dự án mới được thanh toán, chịu trả lãi vay 11-13%/năm.

“Nhiều trường hợp chủ đầu tư khó khăn không thể chi trả, thậm chí yêu cầu trả bằng sản phẩm là nhà đã xây… Trong khi doanh nghiệp xây dựng phải ôm nợ vay ngân hàng. Nếu không có cơ chế bảo vệ, doanh nghiệp xây dựng đối mặt nguy cơ phá sản, tiêu vong… Theo đó, không chỉ cần tháo gỡ pháp lý cho thị trường bất động sản, mà còn cho cả ngành xây dựng”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thay mặt 21 doanh nghiệp thành viên SACA nói lên thực trạng các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng đứng trước bờ vực phá sản. Hàng vạn người lao động đã bị mất việc làm và hàng trăm ngàn lao động trong ngành cũng đang đứng trước nguy cơ đó.

Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng và vật liệu xây dựng đều trong tình trạng bị chủ đầu tư nợ và vì thế nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế. Nhiều dự án, công trình, trong đó có các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công. Nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể thực hiện được.

Ngay tại Hòa Bình - tập đoàn xây dựng lớn nhất Việt Nam, ông Lê Viết Hải cho biết, lần đầu tiên trong suốt 35 năm, Hòa Bình đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 3.300 cán bộ nhân viên, hơn 40.000 lao động thầu phụ, nhà phân phối, nhà cung cấp và sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị thi công; tác động vô cùng tiêu cực đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người.

"Chúng tôi đã huy động tất cả nguồn lực của mình để tìm cách khắc phục tình trạng dòng tiền ngày càng xấu đi mà không thể kịp thời cải thiện được", ông Hải cho biết.

Tin bài liên quan