Hầu hết các dự án do HBC làm nhà thầu phải dừng hoạt động trong thời gian qua.

Hầu hết các dự án do HBC làm nhà thầu phải dừng hoạt động trong thời gian qua.

Doanh nghiệp xây lắp nóng lòng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà thầu xây lắp đang tích cực chuẩn bị cho ngày hoạt động trở lại khi lệnh giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố dần được gỡ bỏ.

Rục rịch trở lại sau giai đoạn “đông cứng”

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) chia sẻ, “việc chính quyền TP.HCM công bố sẽ mở cửa dần các lĩnh vực kinh tế, trong đó có lĩnh vực xây dựng trong thời gian tới là tín hiệu vui mừng với HBC sau một thời gian dài phải tạm ngừng thi công các công trình”. Công ty đang tích cực chuẩn bị kế hoạch hoạt động trở lại, bám sát các tiêu chí của UBND TP.HCM.

Đến thời điểm này, Sở Xây dựng TP.HCM đã công bố các tiêu chí để công trình xây dựng được tiếp tục thi công. Theo đó, tất cả các công nhân làm việc trên công trình bắt buộc phải có "thẻ xanh" – chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin hoặc là F0 đã khỏi bệnh có chứng nhận của cơ quan y tế. Những người tiêm 1 mũi vắc-xin được tham gia làm việc hạn chế hơn, tùy vào khu vực và mức độ rủi ro.

Công trình được phép thi công phải nằm trong vùng xanh, vùng không có ca nhiễm Covid-19. TP.HCM cũng giới hạn các nhóm công trình được thi công, bao gồm: công trình phục vụ công tác phòng chống dịch; công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của Thành phố; công trình sắp hoàn thành khi đưa vào khai thác sử dụng có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội (khối lượng xây dựng đã thực hiện đạt trên 80%); công trình bắt buộc phải tiếp tục triển khai để đảm bảo kỹ thuật công trình, an toàn tính mạng cộng đồng; công trình xây dựng trong khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; công trình sửa chữa, cải tạo nhà xưởng, thiết bị trong phạm vi mặt bằng của doanh nghiệp; công trình xây dựng, công trình công cộng, công nghiệp, giao thông khác…

UBND TP.HCM đã giao Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động các công trình xây dựng và tuân thủ bộ tiêu chí phân loại công trình được phép xây dựng theo quy định.

Tại Hà Nội, sau ngày 21/9/2021 (thời điểm bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15 về phòng chống dịch bệnh), UBND Thành phố cho phép các công trình xây dựng hoạt động trở lại với các điều kiện cụ thể. Riêng các “vùng đỏ” - vùng có ca nhiễm bệnh - sẽ không được xây dựng.

Trước đó, rất nhiều công trình xây dựng tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác bị ngừng thi công hoặc thi công cầm chừng để tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có báo cáo nêu rõ, việc triển khai nhiều dự án xây dựng trọng điểm của Thành phố gặp khó khăn bởi diễn biến phức tạp của Covid-19. Cụ thể, dự án cầu Thủ Thiêm 2, cầu vượt trước bến xe miền Đông mới, dự án xây dựng hầm chui đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7)… tạm ngưng thi công hoặc thi công cầm chừng.

Trong khi đó, dự án tuyến đường sắt metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chỉ thi công gói thầu nhà ga Bến Thành, tính chung khối lượng toàn tuyến đến nay đạt trên 88%. Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ vận hành kỹ thuật vào cuối năm 2021, nhưng với tình hình hiện tại, tiến độ được lùi sang giữa năm 2022.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2, bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 1 với TP. Thủ Đức, đã hợp long vào ngày 2/9 vừa qua. Công ty cổ phần Địa ốc Đại Quang Minh, chủ đầu tư dự án, cho biết, việc thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài gây nhiều khó khăn cho nhà thầu.

Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD) đã tạm dừng các gói thầu tại dự án Opal Skylines, Hồ Tràm Strip… để tập trung nguồn lực chống dịch. Nhà thầu Delta cũng chia sẻ, tất cả các dự án của doanh nghiệp đều phải tạm dừng thi công khiến sản lượng sụt giảm mạnh.

“Đông cứng” trong một thời gian dài, các doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh các khoản chi phí lớn, áp lực dòng tiền đè nặng.

Mới đây, Tổng công ty 36 đã gửi đơn “kêu cứu” lên Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, phản ánh tình trạng nhiều công trường thi công ngừng trệ do không huy động được thiết bị, thiếu nhân lực, vật liệu khan hiếm, tăng giá.

“Đông cứng” trong một thời gian dài, các doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh các khoản chi phí lớn, áp lực dòng tiền đè nặng. Bởi vậy, các doanh nghiệp ngành xây lắp đang nóng lòng quay trở lại hoạt động, nhất là khi mùa xây dựng cuối năm đã cận kề.

Kế hoạch lợi nhuận cả năm bất khả thi

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 kéo dài và diễn ra trên diện rộng, HBC có hơn 50 công trình phải tạm dừng thi công. Khi TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố được nới lỏng giãn cách, ông Lê Viết Hải hy vọng, 60 - 70% số công trình mà HBC làm nhà thầu sẽ được phép hoạt động trở lại.

Dẫu vậy, cùng với niềm vui là nỗi lo của các doanh nghiệp xây lắp. Theo ông Hải, cơ quan có thẩm quyền cần đưa ra những tiêu chí phù hợp hơn để doanh nghiệp vừa đảm bảo an toàn sản xuất vừa tối ưu chi phí, nguồn lực.

Thời gian qua, việc áp dụng quy định về hoạt động “3 tại chỗ” phát sinh nhiều bất cập, các doanh nghiệp phải chịu chi phí test nhanh Covid-19 rất tốn kém và cứ xuất hiện F0 là phải ngừng sản xuất, ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp.

“Với tinh thần sống chung với dịch, chỉ khoanh vùng những nơi có F0, chứ không nên đóng cửa toàn bộ các công trình để giúp doanh nghiệp duy trì công việc liên tục, công ăn việc làm cho người lao động”, ông Hải kiến nghị.

Sau quý III “đông cứng” hoạt động, không có doanh thu, áp lực dòng tiền là câu chuyện lớn với các doanh nghiệp xây lắp trong ngày trở lại. Đó là chưa nói tới áp lực chỉ tiêu kinh doanh năm, khi hai quý đầu năm, dù chỉ có một giai đoạn ngắn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã giảm khá mạnh.

Chẳng hạn, tại Coteccons, năm nay, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 17.413 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 340 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 2% so với mức thực hiện năm 2020.

Thực tế, giá trị hợp đồng ký mới của nhà thầu Coteccons trong năm nay rất tốt, theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có thể đạt 20.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Coteccons cũng tự tin về kế hoạch giá trị hợp đồng mới ký năm 2021 là 21.700 tỷ đồng, cao gấp 3 lần năm 2020.

Tuy vậy, tiến độ triển khai các dự án bị chậm lại bởi dịch bệnh. Trong hai quý đầu năm, Công ty mới ghi nhận doanh thu 5.119 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 99 tỷ đồng, tương ứng giảm 32% và 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng thời gian, Tổng công ty Vinaconex (mã VCG) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế sụt giảm lần lượt 7% và 8%, tương ứng đạt 2.341 tỷ đồng và 422 tỷ đồng. Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Ricons suy giảm 38% lợi nhuận so với cùng kỳ 2020.

Công ty Xây dựng Delta cũng cho biết, việc đình trệ hoạt động trong cả quý III ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi nhuận năm nay của Công ty.

Năm nay, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch doanh thu 13.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 235 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 5% so với năm trước. Ông Lê Viết Hải chia sẻ, kế hoạch này đặt ra hồi đầu năm nên không còn khả thi và HBC sẽ điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình mới.

“Trong thời gian dài dịch bệnh vừa qua, HBC có nhiều áp lực, đặc biệt về chi phí tăng cao do tổ chức thi công “3 tại chỗ” và áp lực dòng tiền. Chúng tôi hy vọng Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng, giãn nợ để dần dần hồi phục”, ông Hải nói.

Tin bài liên quan