Doanh nhân Đoàn Thị Yên.

Doanh nhân Đoàn Thị Yên.

Doanh nhân Đoàn Thị Yên: Bỏ phố về rừng, dành trọn tình yêu cho du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Bỏ lại chốn phồn hoa đô hội, doanh nhân Đoàn Thị Yên tìm về núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng và gây dựng Khu du lịch sinh thái OZO Park (thuộc Công ty TNHH Du lịch Phong Nha Heritage), với mong muốn mang lại bình yên, yêu thương cho tất cả mọi người…

Chiều muộn, những đoàn khách cuối cùng đang lục tục rời Khu du lịch sinh thái OZO Park để trở về nhà. Sau một ngày “bung lụa” với vô vàn trải nghiệm thú vị giữa không gian bao la của núi rừng, nét mặt ai nấy đều lộ rõ vẻ mãn nguyện, nhất là đám trẻ. Tiếng cười nói lao xao xa dần rồi tắt hẳn. Tán rừng bỗng trở nên yên tĩnh lạ thường…

Sau khi tiễn khách ra về, cô chủ OZO Park Đoàn Thị Yên mời chúng tôi đến khu vực camping bên bờ suối - một khoảng đất rộng và bằng phẳng nằm ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ của cánh rừng nguyên sinh ngàn năm tuổi. Con suối OZO màu xanh ngọc hiền hòa như đang thủ thỉ tâm tình bên tai du khách. Không gian ngập tràn sự tinh khiết của núi rừng. Có lẽ, đây là món quà mà chủ nhân dành tặng “khách Thủ đô” một cách ý nhị và tinh tế. Đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới lại được hòa mình vào thiên nhiên trong lành đến thế, cảm giác yên bình, thư thái đến thế...

Chúng tôi lặng im hồi lâu để tận hưởng hương vị của rừng, hít hà mùi thơm của trái chín, của cỏ cây, hoa lá ngút ngàn. Trên đầu, ánh trăng mười sáu lách qua những tán lá rừng phủ lên dòng suối dải lụa bàng bạc khiến cho khung cảnh trở nên huyền ảo, hư hư, thực thực.

Trong không gian ấy, được lắng nghe những tâm sự, sẻ chia của cô gái quê gốc Nam Định về “đứa con tinh thần” OZO Park mà cô tâm huyết gây dựng bằng tình yêu từ trái tim để hướng đến chữa lành những tổn thương trong tâm hồn và mang lại bình yên, yêu thương cho mọi người, chúng tôi càng thêm hiểu, thêm trân trọng những tâm tư của cô gái bỏ lại chốn phồn hoa đô hội để về với núi rừng…

Niềm tin là sức mạnh

Năm 2001, cô nữ sinh có vóc dáng bé nhỏ Đoàn Thị Yên thi đỗ 3 trường đại học khiến cả vùng quê Hải Thịnh (Hải Hậu, Nam Định) xôn xao. Ngày đó, người dân miền biển quê Yên gần như mặc định là học hết phổ thông rồi đi làm phụ giúp gia đình. Với họ, việc thoát nghèo quan trọng hơn việc học, thế nên, chẳng có mấy ai theo con đường học hành.

Nhà Yên cũng không khá giả, nguồn sống của cả gia đình 7 người (bố mẹ và 5 chị em Yên) chỉ trông chờ vào quán ăn nhỏ phục vụ ngư dân đi biển. Thấy sự nhọc nhằn vất vả thức khuya dậy sớm của bố mẹ, Yên thầm nhủ, chỉ có con đường học thật giỏi để đi làm kiếm tiền giúp gia đình thoát nghèo. Lúc đó, dù chưa thể hình dung ra được ngành nghề cụ thể, nhưng trong suy nghĩ, Yên đã hướng đến mục tiêu “phải làm cái gì đó liên quan đến nước ngoài”.

Tìm hiểu thấy Khoa Kinh tế đối ngoại, Trường đại học Ngoại thương có khả năng mở ra nhiều cơ hội, Yên quyết tâm phải thi đỗ. Những năm đó, độ phủ Internet rất hạn chế, việc tìm kiếm tài liệu học tập rất khó khăn, nhất là môn tiếng Anh. Tìm nơi học Anh ngữ quanh vùng, nhưng không có cơ sở nào dạy, Yên “lùng” mua sách dạy ngữ pháp, truyện tiếng Anh về tự học.

Yên nhớ, sắp đến ngày đi thi, cô mới chia sẻ với bạn bè rằng mình sẽ thi khối D, nhưng không ai tin, vì “không qua lò luyện tiếng Anh thì sao mà thi nổi”. Thế nên, việc Yên nhận được giấy báo trúng tuyển của 3 trường đại học (Ngoại ngữ, Ngoại thương, Học viện Hàng không) với số điểm cao đã gây “chấn động” cả vùng quê trong suốt thời gian dài…

Đỗ vào trường đại học nằm trong top những trường danh tiếng nhất là niềm tự hào rất lớn với Yên và gia đình. Ngay từ năm thứ nhất, để trang trải cuộc sống và cũng là để rèn luyện bản thân trong môi trường mới, Yên đi làm gia sư, rồi làm part time (bán thời gian) cho một công ty xuất nhập khẩu. Yêu cầu của công ty lúc đó chỉ là viết email giao dịch với khách hàng, việc này không khó với người chắc ngữ pháp như Yên.

Bước sang năm thứ 3, Yên tìm được việc làm có thu nhập tốt hơn, không những đủ nuôi bản thân, mà còn nuôi một cô em gái học trung cấp. Đến năm thứ tư, Yên được một công ty xây dựng nhận làm việc full time (toàn thời gian).

Mối nhân duyên đến với Yên giống như câu chuyện cổ tích. Người chủ công ty cảm mến cô nhân viên chăm chỉ, tận tụy, đầy tinh thần trách nhiệm với công việc, đã ngỏ lời cầu hôn Yên và họ nên duyên vợ chồng…

Với đặc thù của công ty xây dựng, cung cấp thiết bị, công nghệ cấp thoát nước đô thị nhập khẩu từ Tây Ban Nha và một số nước châu Âu, Yên có cơ hội đi nước ngoài rất nhiều. Cô cũng là người trực tiếp đưa nhiều đoàn doanh nghiệp trong nước đến các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà máy ở châu Âu để tìm hiểu quy trình sản xuất, thăm công trình, tìm kiếm các mối giao thương, hợp tác. Những năm 2014 - 2015, Yên đi châu Âu nhiều đến mức, hộ chiếu kín đặc dấu xuất - nhập cảnh. Cuối năm 2015, khi mang bầu bé thứ 3, Yên vẫn đưa đoàn sang Italia, rồi quyết định sinh con ở đó.

“Lúc ấy, tôi cảm thấy thực sự oải, muốn dừng công việc để trở về với thiên chức của người mẹ, người vợ, nhưng rồi vẫn không dứt ra được. Tôi tâm niệm, niềm tin là sức mạnh, có thể biến cái không thể thành điều có thể…”, Đoàn Thị Yên bày tỏ.

Làm du lịch bằng trái tim…

Không phải nhà đầu tư nào cũng dám xuống tiền ở những nơi phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo về bảo vệ rừng, cảnh quan môi trường sinh thái, bảo tồn thiên nhiên. Quan điểm xuyên suốt của OZO Park là khách đến đây sẽ cảm nhận được những giá trị mà thiên nhiên mang lại. Điều này khác biệt hoàn toàn với những nơi đã bị thương mại hóa, bê tông hóa, bất chấp mọi thứ để hút dòng khách đại trà….

- Doanh nhân Đoàn Thị Yên

Năm 2021, Yên đang triển khai một công trình ở Quảng Nam, khi ra Quảng Bình để về Hà Nội thì kẹt vì Covid-19 nên không về được. Lúc đó, chồng ở Hà Nội với con lớn, Yên ở Quảng Bình cùng 2 con, gia đình bị ngăn cách bởi đại dịch.

Cảm giác “tù chân” ngột ngạt vì suốt ngày loanh quanh trong nhà, khi lệnh giãn cách được nới lỏng, cô dẫn các con đi khắp các điểm du lịch ở Quảng Bình, mấy mẹ con lang thang vào Phong Nha - Kẻ Bàng. Lần đầu tiên được chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ vượt xa sức tưởng tượng, bất chợt, Yên ước muốn được sở hữu một “không gian nho nhỏ” làm chỗ vui chơi cho các con, cho những gia đình có trẻ nhỏ giống như mình...

Thế rồi, cơ duyên dẫn lối Yên đến với OZO Park như một sự sắp đặt của định mệnh. Một lần, đi vào hang Tám Cô, Yên tình cờ lạc bước vào một khu du lịch bị bỏ hoang vì đại dịch, bước qua thân cây nằm chắn ngang cổng, cô thấy giữa những ngổn ngang bùn đất, cây cối gãy đổ - hậu quả của trận lũ để lại - là một con đường sạn đạo bằng gỗ uốn lượn rất nên thơ (dù lúc đó đã bị lũ tàn phá hư hỏng nặng), bên cạnh là con suối nước trong xanh như ngọc. Yên quyết định tìm chủ cũ để mua lại, dù trong đầu chưa có khái niệm gì về triển khai các hoạt động du lịch, chỉ đơn giản là bị chinh phục hoàn toàn bởi thiên nhiên ngập tràn - một nơi có thể mang lại nguồn cảm xúc, năng lượng...

Yên bắt tay vào việc với muôn vàn gian khó, toàn bộ nhân sự cũ đã đi tìm công việc mới vì suốt 2 năm dịch Covid-19 không có việc làm. Cùng với việc tái thiết cơ sở vật chất (gần như phải làm lại từ đầu), Yên vận động, thuyết phục mọi người trở lại làm việc.

Thấy cô đổ tiền vào “vùng trũng nhất của Phong Nha - Kẻ Bàng” - nơi đầu tiên hứng ngập khi mùa mưa đến, cũng là nơi lũ ngập sâu nhất, nhiều người bảo Yên đừng nên mạo hiểm, nhưng cô kiên định niềm tin vào xu hướng tìm về thiên nhiên hoang sơ sau đại dịch, suy từ chính bản thân mình.

Mất hàng tháng trời vất vả dọn dẹp cây cối đổ gãy trôi từ đầu nguồn xuống kẹt lại, những vật dụng bị lũ tàn phá còn đọng lại trong toàn khu vực rộng tới 5 ha, rồi lớp bùn khô đóng dày cả tấc trên các lối đi, ven bờ suối…, khi đã tương đối gọn gàng, thì đến giữa tháng 3/2021, một trận lũ tiểu mãn bất ngờ tràn về, cả khu OZO Park lại nhuốm màu bùn đất.

Khó chồng khó, vì không đội thợ nào nhận công trình mãi tít trong rừng, vậy nên, tất cả chỉ có “người nhà mình”. Không những vậy, xung quanh toàn những điểm du lịch đã có tiếng từ lâu, nên việc xác định chiến lược, thị trường cũng là một bài toán nan giải. Trước những góp ý về việc giảm giá thật thấp để hút khách, chỉ cần khách đến một lần để nhanh chóng thu hồi vốn, Yên trả lời thẳng thắn “không làm theo kiểu ăn xổi, mà đặt tiêu chí du khách về với OZO phải cảm thấy như về với ngôi nhà của họ”.

Yên chia sẻ, cô học được điều này từ những ngày đi châu Âu, những khu, điểm thu hút đông khách nhất không phải là những công trình hoành tráng, mà là những khu mang giá trị cốt lõi từ bề dày lịch sử, văn hóa, từ những câu chuyện lay động lòng người. Biết rõ sự “kém bề thế” của OZO Park so với những điểm xung quanh, nên cô tập trung vào chiều sâu, đặc biệt chú trọng đến giá trị trải nghiệm của khách.

Sau một năm hoạt động, kết quả cho thấy hướng đi hoàn toàn đúng, lượng du khách tìm về với OZO Park ngày một tăng. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, có ngày, OZO Park đón tới 1.600 lượt khách, một con số cực kỳ ấn tượng.

OZO Park đang tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 60 lao động địa phương. Mọi người như được truyền năng lượng, cảm hứng tích cực từ bà chủ. Những lúc rảnh rỗi, các thành viên trong đại gia đình OZO cùng học nhảy, học hát, sơn màu, trang trí, làm bảng biển và những vật dụng sinh hoạt như bàn, ghế, mẹt đựng thức ăn; thu hái những quả sung chín trong rừng để ngâm rượu, làm ruốc; mùa Tết thì làm các set quà tặng handmade. Tiến tới, sẽ có các sản phẩm OCOP mang thương hiệu OZO nhằm tạo việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập ngày càng tăng…

“Tôi yêu nơi này đến mức bỏ lại tất cả những điều tốt đẹp đang có để về với núi rừng. Mong muốn lớn nhất của tôi là cùng với những người con quê hương Quảng Bình đang làm việc tại đây chung tay xây dựng OZO Park trở thành niềm tự hào của người Quảng Bình, trở thành điểm đến không chỉ của du khách trong nước, mà cả những người nước ngoài khi đến đây cũng phải thừa nhận, đó là sự hiểu biết về cách thức làm du lịch trên nguyên tắc tôn trọng văn hóa bản địa, bảo vệ thiên nhiên, hạn chế tuyệt đối tác động đến tự nhiên; vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, nhưng đồng thời mang tính hội nhập cao”, Đoàn Thị Yên bày tỏ.

Tin bài liên quan