Doanh nhân thời 4.0

Doanh nhân thời 4.0

(ĐTCK) Tỷ phú Jack Ma có câu nói “Thế giới đang thay đồi hàng ngày, nếu bạn không thay đổi, sẽ bị tụt hậu”. Có lẽ, hơn ai hết, doanh nghiệp, doanh nhân cảm nhận rõ nhất sự chuyển động mạnh mẽ của thế giới ngày nay, trong đó thị trường ngày càng trở nên biến động, khó đoán, phức tạp và thậm chí còn trở nên mơ hồ.

Chủ tịch một tập đoàn lớn trong nước kể rằng, ông đã dự hội thảo gồm 500 lãnh đạo doanh nghiệp đề cập đến chủ đề thích ứng ở Mỹ.

Họ đã vẽ ra bức tranh tương lai mà qua công cụ khảo sát giữa giờ cho thấy, cả 500 người tham dự đều cảm thấy "run" khi mình có khả năng mất kiểm soát doanh nghiệp và có thể là chính bản thân. Thực tế, các nhà khoa học cũng đã chứng minh rằng, không phải loài thông minh nhất sống sót và phát triển, mà là loài thích nghi nhất.

Bức tranh về doanh nghiệp dệt may sẽ ra sao khi một robot hiện có thể đảm nhận công việc của 20 công nhân, mà lại cho ra sản phẩm 100 cái như một? Bộ phận chăm sóc khách hàng của nhiều doanh nghiệp sẽ dần sử dụng nhân viên ảo, thay thế người thật.

Mới đây, tại Thụy Ðiển, đã có doanh nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo đảm nhận thành viên hội đồng quản trị. Tại Mỹ, đã có những công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo thay thế một số đầu việc của các luật sư, mà kết quả cho thấy trí tuệ nhân tạo đem lại hiệu quả và chính xác tới 90%, trong khi người thực chỉ đáp ứng được 70%...

Trong một thế giới đang ngày càng phẳng, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ chịu những tác động lớn, bất kể đó là doanh nghiệp hoạt động đơn thuần trên thị trường nội địa hay có tầm quốc tế hóa.

Những ví dụ về sự thụt lùi của các hãng taxi nội trước cạnh tranh dữ dội của Uber, Grab, sự yếu thế của hàng dệt may về giá cả và đường kim, mũi chỉ so với các đối thủ trong khu vực, hay các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ của Việt Nam đã cho thấy rõ điều đó.

Doanh nghiệp Việt có thể sản xuất được một số phụ tùng theo yêu cầu của Samsung, Honda, nhưng lại không thể đáp ứng được về giá thành, về khối lượng và thời gian giao hàng.  

Những gót chân achiles của doanh nghiệp Việt đang lộ ra ngày một rõ ràng. Nhưng để sửa phải tìm nguyên nhân gốc rễ. Mô tả môi trường kinh doanh Việt Nam, ông Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lấy hình ảnh mạng nhện dây điện, dây cáp để minh họa. Nói về kinh tế tư nhân và gánh nặng của doanh nghiệp Việt Nam, ông Cung mô tả hình ảnh một người đơn độc đi trên sợi dây mỏng manh với tảng đá đè nặng trên vai.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ đang có những hành động để đập tan mạng nhện chằng chịt bấy lâu nay, để nhấc dần tảng đá đè nặng vai doanh nghiệp.

Trong đó, bên cạnh nhiều chính sách được ban hành và sửa đổi  với tư duy ngày một thông thoáng hơn, hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp, vai trò, vị thế của doanh nhân, lực lượng xung kính trên mặt trận kinh tế cũng được tôn vinh, đề cao. Tất nhiên, gỡ mối bòng bong chưa bao giờ là dễ dàng.

Trong bối cảnh sức nóng cạnh tranh đang hầm hập sau lưng, hơn ai hết, các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ là người phải thích nghi với biến đổi xung quanh. Nghĩ khác, làm khác, đổi mới, sáng tạo sẽ phải trở thành văn hóa doanh nghiệp. Có lẽ như vậy mới kỳ vọng doanh nghiệp sẽ tồn tại và phát triển, để có thể mơ đến những hành trình vươn xa.

Tin bài liên quan