Trước năm 2016, dù là doanh nghiệp đầu ngành trong mảng xây lắp điện, nhưng với các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, PCC1 là cái tên lạ lẫm, thậm chí thương hiệu còn thua xa Sông Đà 11 (SD11), một doanh nghiệp có nhiều điểm tương đồng như cùng xây lắp điện, làm đường dây 500 kV, đầu tư thủy điện… PCC1 bắt đầu gây chú ý với giới đầu tư khi xuất hiện trên bản công bố thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Công ty Du lịch Kim Liên, doanh nghiệp sở hữu khu khách sạn Kim Liên cùng các đại gia khác.
Gây chú ý là bởi, nếu không có trong tay ít nhất 300 - 400 tỷ đồng, nhà đầu tư khó có thể tham gia cuộc đua thâu tóm khu đất vàng này và những ai tham gia cuộc đua này chắc chắn có dính dáng đến đầu tư bất động sản.
Nhưng thời điểm đó, PCC1 chưa lên sàn, thông tin về doanh nghiệp này bởi vậy cũng chỉ có thể cóp nhặt đây đó, mà khó có thể mường tượng được bức tranh đầy đủ về doanh nghiệp. Còn người đứng đầu là ông Trịnh Văn Tuấn, qua lời kể của một số đối tác đã từng hợp tác với ông là người có năng lực, có tầm nhìn xa và đặc biệt là biết “đồng lợi”.
Những nhận xét như vậy, đến nay dường như khá tương đồng với triết lý của Warren Buffett mà ông tâm đắc. Đặc biệt là động thái đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE để tận dụng lợi thế của sàn chứng khoán, huy động được thêm nhiều nguồn lực mới để cùng nhau “đi thật xa”.
Trước khi cổ phiếu PC1 của PCC1 được niêm yết, VEIL, một quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital đã trở thành cổ đông lớn của Công ty khi mua 11,48 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ, chiếm 15,25%. VEIL mua PC1 với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, mà không yêu cầu tham gia quản trị tại doanh nghiệp. Có thời điểm, PC1 đã đạt giá gần 50.000 đồng/cổ phần, còn hiện tại đang ở mức gần 40.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý là cổ phiếu này được khối ngoại mua vào rất lớn.

Ở thị trường trong nước, ông Tuấn chủ trương giữ vững vị trí dẫn đầu ngành xây lắp điện với giá trị sản lượng hơn 2.000 tỷ đồng/năm, tham gia nhiều gói thầu giá trị lớn ở các dự án như đường dây 500 KV Sông Hậu. Nếu như tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này giai đoạn 2015 - 2016 chỉ vào khoảng 8% thì năm 2017 được Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự tính tới 19,5%.
Trên thị trường, đối thủ của PCC1 là các công ty cổ phần xây lắp điện II, III, IV hoặc một số nhà thầu Trung Quốc…, nhưng với năng lực và kinh nghiệm quản trị dự án, quản trị chi phí và tiến độ tốt, PC1 có ưu thế lớn.
Gần đây, PC1 còn mở rộng thêm thị trường thông qua gói thầu xây lắp trạm biến áp, đường dây cho các khách hàng lớn như Samsung tại Khu công nghiệp Yên Phong, dự án cáp ngầm ở Khu đô thị mới Văn Phú (Hà Đông), hay các khu đô thị do Vingroup làm chủ đầu tư…
Trong mảng sản xuất công nghiệp, vị thế nhà sản xuất cột thép đầu ngành với thị phần 40% được PC1 giữ vững và từng bước tăng dần tỷ trọng.
Hai mảng hoạt động khác, tuy không phải là ngành lõi, song thể hiện rõ nét sự năng động và nhạy bén bắt cơ hội của ông Tuấn. Đó là đầu tư thủy điện và bất động sản.
PC1 đã đầu tư 4 dự án thủy điện, trong đó 2 dự án thủy điện Trung Thu và Bảo Lâm 1 đã hoàn thành đưa vào phát điện từ năm 2016. Hai dự án tiếp theo là Bảo Lâm 3, Bảo Lâm 3A dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV năm nay. Tiếp theo là hai dự án thủy điện Mông Ân và Bảo Lạc B.
Cụm dự án thủy điện này PCC1 đã M&A từ vài năm trước, có lợi thế được vay vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) với chi phí thấp và thủy văn khu vực Tây Bắc không chịu tác động của hiện tượng Elnino. Các dự án mới đưa vào vận hành đều chạy trên công suất thiết kế, chỉ 2 dự án mới đưa vào vận hành cuối năm 2016, quý I này đã cho lợi nhuận sau thuế hợp nhất 11 tỷ đồng.
Với lĩnh vực bất động sản, ông Tuấn đã tạo thương hiệu ở phân khúc tầm trung bằng vài dự án khu chung cư, nhà ở thấp tầng tại Nguyễn Trãi, Hà Đông (Hà Nội) hiện đã được lấp đầy, dự án Mỹ Đình Plaza quy mô 480 căn hộ. Tới đây, dự án Triều Khúc (Thanh Xuân) khởi công với quy mô trên 400 căn hộ.
Định vị ở phân khúc tầm trung, vị trí các dự án đều ở khu có hạ tầng, tiện ích đầy đủ nên theo đơn vị phân phối Đất Xanh Miền Bắc, PC1 không lo ế hàng. Đơn cử, mới mở bán, dự án Mỹ Đình Plaza đã tiêu thụ được hơn 100 căn.

Dự án Mỹ Đình Plaza
Điểm nhấn trong chiến lược dài hạn mà ông Tuấn và các cộng sự theo đuổi chính là những kế hoạch vươn ra thị trường nước ngoài đầy tham vọng.
Với lĩnh vực xây lắp điện, PCC1 sẽ mở rộng sang Lào. Còn trong sản xuất công nghiệp, cụ thể là chế tạo cột thép bên cạnh các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bangladesh, Chilê, PCC1 đang thương thảo hợp đồng có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng với đối tác xuất khẩu sang Indonesia. Việc sản xuất sẽ bắt đầu từ quý IV năm nay và từ năm 2018, cột thép “made by PCC1” sẽ có mặt trên đất nước bạn.
PCC1 xuất khẩu có lãi không? Bộ phận tài chính của Công ty cho biết, giá xuất khẩu rất tốt, trung bình bằng 1,5 - 1,7 lần giá bán trong nước. Như vậy, nếu chiến lược vươn ra bên ngoài thành công, dư địa tăng trưởng và không gian kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được mở rộng bền vững.
Với các tổ chức đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại, bên cạnh vị thế và các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, một trong những vấn đề họ luôn quan tâm và tìm hiểu trước khi quyết định bỏ vốn đầu tư, đó là người lãnh đạo. Nắm ghế điều hành tại doanh nghiệp từ năm 2010, ông Tuấn hơn ai hết hiểu rõ hệ thống, từng điểm yếu, điểm mạnh.
PCC1 vốn là doanh nghiệp nhà nước, thực hiện cổ phần hóa và Nhà nước thoái toàn bộ vốn từ năm 2005, song mối quan hệ với các đối tác, với ngành không hề suy giảm. Bằng chứng là 70% giá trị các hợp đồng xây lắp điện của Công ty đến từ EVN, cho thấy khả năng duy trì và mở rộng các mối quan hệ đối tác của người đứng đầu PCC1 rất tốt.
Độ gắn kết và cống hiến của ông Tuấn cho doanh nghiệp cũng khá thuyết phục khi cá nhân ông hiện sở hữu 15,67 triệu cổ phiếu PC1, tương ứng với 20,83% cổ phần của Công ty. Vợ ông là bà Lê Thị Thoi sở hữu tới 1,71 triệu cổ phiếu PC1.
Dragon Capital là một trong ít tổ chức đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam đã vào PCC1, đó có thể là một tấm vé bảo chứng khiến nhiều nhà đầu tư ngoại khác yên tâm. Nhưng bên cạnh điều kiện cần như vậy, còn có các điều kiện khác, đó là chiến lược và đường hướng phát triển tương lai của doanh nghiệp. Ở độ tuổi 55, ông Tuấn được giới đầu tư đánh giá vẫn còn nhiều thời gian để đưa doanh nghiệp bứt phá.