Đốc thúc... tiêu tiền

0:00 / 0:00
0:00
Các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã bắt đầu các kế hoạch kiểm tra, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
Ước giải ngân đến hết tháng 5 của 8 tỉnh, thành phố của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu) là khoảng 7.657,790 tỷ đồng

Ước giải ngân đến hết tháng 5 của 8 tỉnh, thành phố của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu) là khoảng 7.657,790 tỷ đồng

Rốt ráo kiểm tra, đốc thúc

Lần lượt trong tuần qua, các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã bắt đầu việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, ngành, địa phương tính đến cuối tháng 4/2022 chưa phân bổ hết vốn kế hoạch, hoặc có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Điểm chung trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại các đơn vị này, đó là tình hình đã được cải thiện, nhất là trong phân bổ vốn, nhưng “vẫn chậm”.

Ước giải ngân đến hết tháng 5 của của 8 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu), do Tổ công tác số 2 kiểm tra, là khoảng 7.657,790 tỷ đồng, đạt 18,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình hình có khá hơn ở 5 địa phương là Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước do Tổ công tác số 6 kiểm tra, bởi con số giải ngân đến hết tháng 5 ước đạt hơn 6.458 tỷ đồng, bình quân đạt 24,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong nhóm này, Bình Thuận đã đẩy nhanh được tiến độ giải ngân, nên đã đạt 42,2% kế hoạch Thủ tướng giao.

Nhưng không phải nơi nào tiến độ cũng tích cực như vậy. Số liệu thống kê cho thấy, ước giải ngân của 8 bộ, ngành, cơ quan trung ương - cũng thuộc Tổ công tác số 2 - chỉ đạt trên 337 tỷ đồng, đạt 9,7% kế hoạch được giao. Thậm chí, ở Tổ công tác số 3, tỷ lệ giải ngân của 17 bộ, ngành chỉ đạt 3,86% kế hoạch, trong đó có 13 đơn vị dự kiến giải ngân rất thấp, dưới 10%.

Như vậy, qua kiểm tra, ở hầu hết các bộ, ngành, địa phương này, tỷ lệ giải ngân vẫn thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, ước đến cuối tháng 5/2022, giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước đạt trên 115.922 tỷ đồng, bằng 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó, vốn trong nước đạt 23,15% kế hoạch, còn vốn nước ngoài đạt 6,26% kế hoạch - PV). Tỷ lệ này, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, là đã cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2021 đạt 22,12% kế hoạch), song vẫn chậm. Đáng chú ý, vẫn có 41/51 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 5 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Gần 1/2 chặng đường của năm đã qua đi, song tỷ lệ giải ngân chưa được cải thiện như kỳ vọng. Chính vì vậy, các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa được thành lập, để đốc thúc chuyện... tiêu tiền.

Theo Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác số 1, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công năm nay rất lớn, khoảng trên 700.00 tỷ đồng, tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với năm trước, do vậy cần phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân. “Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế”, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nói.

Quyết liệt rà soát, tháo gỡ vướng mắc

Có rất nhiều nguyên nhân tiếp tục được chỉ ra để lý giải cho tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Vướng về giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu tăng cao, công tác chuẩn bị dự án đầu tư còn “có vấn đề”... là những nguyên nhân điển hình.

Việc giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân, mỗi bộ, ngành, địa phương, Dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến giải ngân chung của cả nước. Yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật.

- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Giữ vai trò Tổ trưởng các tổ công tác số 1, 2, 3, 4, khi thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao phó, các Phó thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm, đồng thời chỉ đạo phải có các biện pháp triển khai quyết liệt, dự án nào không kịp triển khai sớm thì kịp thời điều chuyển vốn. Dự án nào có bất cập về thể chế, thì gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất điều chỉnh chung trên cả nước. Một lần nữa, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu lại được nhấn mạnh.

Không chỉ Chính phủ sốt ruột, mà Quốc hội cũng sốt ruột trước tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện mạnh mẽ. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh việc một số đơn vị chưa thật sự quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và đề nghị Chính phủ đưa ra giải pháp, hướng xử lý.

“Năm 2022, ngoài giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, còn phải thực hiện nhiệm vụ giải ngân theo Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhất là thời gian vừa qua công tác chuẩn bị đầu tư còn nhiều hạn chế ảnh hưởng lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư công”, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, bên cạnh việc tập trung cải cách thể chế đầu tư công, cũng cần xây dựng cơ chế đặc biệt để giám sát việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong giai đoạn hiện nay, vừa bảo đảm giải ngân nhanh, vừa đạt hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Hiện tại, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề xuất cải cách thể chế về đầu tư công. Chẳng hạn, Vĩnh Phúc “kêu” về thẩm quyền trong việc kéo dài thời gian thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm của các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương còn chưa linh hoạt. Việc chia tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án độc lập cũng mới chỉ được áp dụng với các dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A.

Trong khi đó, Bình Thuận đề xuất sớm giao kế hoạch bổ sung dự toán ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội...

Các ý kiến tiếp tục được ghi nhận để tổng hợp, báo cáo lên Chính phủ, khi toàn bộ việc kiểm tra, rà soát giải ngân vốn đầu tư công được 6 tổ công tác hoàn tất. Còn trước mắt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện tốt việc giải ngân vốn đầu tư công.

Tin bài liên quan