Quầy thu đổi ngoại tệ của Ngân hàng ANZ

Quầy thu đổi ngoại tệ của Ngân hàng ANZ

Đổi ngôi CEO trong ANZ Việt Nam

Sự thay đổi ở vị trí Tổng giám đốc tại Ngân hàng ANZ Việt Nam là tín hiệu cho thấy, ngân hàng này đang chuyển hướng chiến lược kinh doanh tại Việt Nam.

 

Bà Đàm Bích Thủy, còn gọi là Thủy Đàm, nguyên Tổng giám đốc (CEO) của Ngân hàng ANZ tại Việt Nam và khu vực Mekong, đã chính thức nhường chiếc ghế lãnh đạo cao nhất của ngân hàng này (tại Việt Nam và Mekong) cho ông Tareq Muhmood từ ngày 27/7/2011. Khu vực Mekong trong bộ máy của ANZ bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Và từ ngày 25/7/2011, bà chính thức đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch ANZ tại khu vực Mekong.

 

Trong thông cáo chính thức phát đi từ Hà Nội ngày 27/7 vừa qua, ANZ Việt Nam viết ngắn gọn: “Bà Thủy sẽ tiếp tục giữ vai trò thúc đẩy sự phát triển của ANZ trong khu vực Mekong và củng cố mối quan hệ với các khách hàng quan trọng, cũng như các cơ quan nhà nước tại các thị trường này. Bà Thủy sẽ chịu trách nhiệm đưa ra những tư vấn về chiến lược tại thị trường khu vực Mekong”.

 

Xét về mặt này ở ANZ thì có thể thấy, chức danh Phó Chủ tịch khu vực Mekong không can thiệp trực tiếp vào hoạt động điều hành Ngân hàng. Thay vào đó, bà sẽ “chịu trách nhiệm đưa ra những tư vấn về chiến lược”. Trong khi ông Tareq Muhmood cũng chỉ đảm nhiệm vị trí CEO của ngân hàng này tại Việt Nam chứ không phải cả khu vực Mekong như bà Thủy trước đây.

 

Vai trò của bà đối với ANZ Việt Nam trong nhiều năm qua là rất lớn. Riêng trong năm 2010, năm tài chính đầu tiên sau khi ANZ trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (5/2009), ngân hàng này dưới sự dẫn dắt của bà đã đạt tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh là 56,6 triệu USD, lợi nhuận trước chi phí dự phòng đạt 7,2 triệu USD và tổng tài sản đạt 1,4 tỷ USD.

 

Đó là chưa kể bà Thủy có công rất lớn trong việc thay mặt ban lãnh đạo ANZ khu vực Nam và Đông Nam Á xin được giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, một nhiệm vụ mà đến nay mới chỉ có 2 vị CEO người nước ngoài của 2 ngân hàng ngoại khác đạt được. Đó là ông Ashok Sud, nguyên CEO Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, Lào và Campuchia và ông Thomas Tobin, nguyên CEO Ngân hàng HSBC Việt Nam.

 

Nếu bà Thủy Đàm hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tại sao lãnh đạo ANZ không giữ bà ở lại. Theo phân tích của ông Đỗ Hòa, CEO Công ty Tư vấn chiến lược IME Việt Nam, nếu một ngân hàng (hay tập đoàn nói chung) muốn thay đổi định hướng và chiến lược kinh doanh của họ, cách nhanh nhất là thay đổi nhân sự cao cấp. Có 2 lý do lý giải cho việc thay đổi này. Thứ nhất, ban lãnh đạo ngân hàng đó ở khu vực không hài lòng với thành tích kinh doanh của người CEO hiện tại. Thứ hai, ngân hàng đó muốn hướng đến những mục tiêu cao hơn.

 

Theo nhận định của ông Đỗ Hòa, sự thay đổi lãnh đạo cao cấp của ANZ thể hiện một sự chuyển hướng về chiến lược của ANZ tại thị trường Việt Nam. Theo quan sát của ông, những năm trước đây do điều kiện hạn chế trong chính sách của Việt Nam, đa số các ngân hàng nước ngoài đều thể hiện chiến lược là “đặt chân”, rồi sau đó chuyển sang duy trì hoạt động ở mức độ thấp để duy trì sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. ANZ cũng nằm trong số này.

 

Tuy nhiên, theo lộ trình thực hiện cam kết mở cửa ngành ngân hàng trong WTO, những động thái nới lỏng trong chính sách của Nhà nước thời gian gần đây đã kích hoạt sự thay đổi chiến lược của các tổ chức tín dụng nước ngoài, khiến họ chuyển từ chiến lược duy trì hoạt động ở mức độ thấp sang tăng trưởng.

 

Ông Hòa cho rằng, sự thay đổi về mặt chiến lược này được thể hiện qua sự gia tăng các động thái liên kết, xây dựng thương hiệu, mở rộng kênh phân phối, tung các sản phẩm mới, phát triển nhân lực và tăng cường hoạt động marketing/telemarketing trực tiếp... mà đôi khi năng lực của nhân sự hiện hữu không thể đáp ứng kịp. Ở góc độ nào đó, theo một chuyên gia ngân hàng (không muốn nêu tên), mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng.

 

Gần đây đã xuất hiện thông tin không chính thức về việc Hội đồng Quản trị VPBank muốn mời bà Thủy về đảm nhiệm một chức vụ cao cấp.

 

“Nói cụ thể hơn là thay đổi nhân sự lãnh đạo từ người có năng lực phù hợp cho việc thâm nhập và duy trì sự hiện diện sang nhân sự có năng lực phù hợp cho việc phát triển kinh doanh một cách tham vọng hơn”, ông Hòa kết luận.