Đón nguồn cung lớn, Thị trường chứng khoán có “lệch pha”?

Đón nguồn cung lớn, Thị trường chứng khoán có “lệch pha”?

(ĐTCK) Riêng 3 DN tư nhân (Vietjet Air, Novaland, Masan Consumer) đã công bố ý định lên sàn, có tổng vốn hóa xấp xỉ 100.000 tỷ đồng. Vậy thị trường sẽ hấp thụ nguồn hàng tiềm năng trên như thế nào?

Ít nhất 10 doanh nghiệp gốc nhà nước lớn như Sabeco, Habeco, Vietnam Airlines, Petrolimex, PV Oil, Vinatex…, với tổng vốn hóa trên 260.000 tỷ đồng sẽ lên niêm yết trong tuơng lai gần.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn cũng đang trong quá trình chuẩn bị niêm yết như Vietjet Air, Novaland, Masan Consumer. Nguồn cung lớn có thể nhìn thấy trước, nhưng sức cầu sẽ đến từ đâu, đang là câu hỏi nóng trên thị trường.

Với quyết tâm của Chính phủ, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Từ năm 2014, quy định pháp lý gắn các doanh nghiệp (DN) sau cổ phần hóa với trách nhiệm lên sàn (Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg). Từ gốc tư duy và quyết tâm của Chính phủ, số lượng các DN lên sàn trong năm 2016 đã tăng rất mạnh.

Đón nguồn cung lớn, Thị trường chứng khoán có “lệch pha”? ảnh 1

 Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn, SSI

Nếu năm 2016, điểm nhấn nổi bật là sự trỗi dậy của sàn UPCoM khi đón khoảng 100 doanh nghiệp mới vào đăng ký giao dịch, thì sang năm 2017, diễn biến nổi bật sẽ là làn sóng lên niêm yết của nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn. Những cái tên như Sabeco, Habeco, Vietnam Airlines, Petrolimex, PV Oil, Vinatex…, vì sức ép pháp lý, sẽ không thể trì hoãn việc lên sàn.

Riêng 3 DN tư nhân (Vietjet Air, Novaland, Masan Consumer) đã công bố ý định lên sàn, có tổng vốn hóa xấp xỉ 100.000 tỷ đồng. Vậy thị trường sẽ hấp thụ nguồn hàng tiềm năng trên như thế nào? Xin đưa ra vài lý giải để vững tin.

Thứ nhất, cần nhìn nhận thực tế, quy mô của TTCK Việt Nam còn nhỏ. Sau 20 năm phát triển, tổng vốn hóa của TTCK Việt Nam mới chỉ bằng 40% GDP, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực.

Quy mô nhỏ khiến TTCK chưa thực hiện được đầy đủ chức năng cơ bản của nó là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Ngoài ra, quy mô nhỏ cũng làm giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán tại Việt Nam trong con mắt của nhà đầu tư.

Một điều dễ thấy trên TTCK hiện tại là có nhiều công ty kín room nước ngoài và định giá của những công ty tốt thường khá cao.

Đây là những dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung tốt. Để tăng quy mô thị trường, tăng nguồn cung hàng hóa tốt, nhất thiết phải tăng số lượng niêm yết, đặc biệt là các doanh nghiệp gốc nhà nước quy mô lớn, có uy tín và thương hiệu. Đây là các doanh nghiệp mà rất nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài muốn đầu tư nhưng chưa có cơ hội.

Chúng tôi ghi nhận nhiều cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường tự do đã tăng giá mạnh khi có thông tin chuẩn bị lên niêm yết.

Thứ hai, sức hấp thụ của thị trường là vô cùng lớn. Thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng cùng san sẻ một nguồn tiền chung, đó là nguồn tiền trong doanh nghiệp và đặc biệt là trong dân cư.

Do các kênh đầu tư tài chính bị hạn chế vì nhiều nguyên nhân, nguồn tiền trong doanh nghiệp và trong dân vẫn chủ yếu tập trung tại hệ thống ngân hàng thương mại.

Tổng số dư tiền gửi tại ngân hàng vào cuối tháng 9/2016 là 5,8 triệu tỷ đồng, gấp 1,3 lần tổng GDP. Đây là một con số rất lớn so với quy mô của TTCK.

Định hướng phát triển thị trường vốn song song với thị trường ngân hàng đã được Chính phủ chỉ đạo, nếu thực thi đúng định hướng này sẽ giúp giảm dần quy mô phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng của các doanh nghiệp. Khi nhu cầu gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng giảm, nguồn tiền trong dân sẽ được tạo kênh để chuyển sang thị trường vốn.

Không chỉ vậy, một nguồn tiền rất lớn khác là vốn đầu tư gián tiếp (FII). Với đặc điểm đầu tư quy mô lớn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ ưa thích việc niêm yết các doanh nghiệp lớn, vấn đề chỉ là ở mức giá nào.

Thứ ba, có một số yếu tố kỹ thuật khiến chênh lệch cung cầu không quá lớn như e ngại. Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free float) của đa số các doanh nghiệp sắp niêm yết đều khá thấp, thường là dưới 10%. Dòng tiền trên TTCK trong thời gian qua do thiếu nguồn cung tốt nên đã tạm nghỉ hoặc chuyển sang các nhóm đầu cơ. Nếu có cổ phiếu tốt lên niêm yết, dòng tiền sẽ quay trở lại.

Giá niêm yết khi lên sàn cũng là biến số 2 chiều. Nếu ở giá cao, nguồn cung chốt lời sẽ tăng mạnh, nhưng nếu niêm yết ở mức giá thấp, lực cung cũng sẽ thấp và giá cổ phiếu có thể tăng giúp tổng thể chỉ số tăng. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận nhiều cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường tự do đã tăng giá mạnh khi có thông tin chuẩn bị lên niêm yết.

Xét ở góc độ kỹ thuật này, với các DN có cổ phiếu được săn mua trước ngày lên sàn, áp lực bán trong ngắn hạn là có, đòi hỏi cả DN và chiến lược lên sàn của chuỗi DN lớn phải có sự chuẩn bị.

Vậy cần chuẩn bị như thế nào? Thứ nhất, việc thúc DN lớn lên niêm yết là rất cần thiết, nhưng nên điều tiết để các DN niêm yết dàn trải.

Thứ hai, Chính phủ cũng như cơ quan quản lý ngành chứng khoán cần thúc các DN tăng cường công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) trước khi DN lên sàn để nhà đầu tư nhận thấy giá trị dài hạn của DN, tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.

Thứ ba, nhà quản lý nên rút ngắn thời gian trong quy định xét duyệt margin (vay tiền mua cổ phiếu) đối với các cổ phiếu mới lên sàn, có thể áp dụng trường hợp đặc biệt ví dụ vốn hóa của DN cao hơn một mức nhất định thì nên được cấp magin sớm hơn.

Nếu có sự chuẩn bị sớm, áp lực cung khi các DN lớn lên sàn có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật. Trong dài hạn, đưa các DN lớn lên sàn chính là cách để khai mở sức cầu từ những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tin bài liên quan