Đón sóng kết quả kinh doanh quý II

Đón sóng kết quả kinh doanh quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bức tranh lợi nhuận quý II/2023 của khối doanh nghiệp niêm yết được dự báo nhìn chung chưa khởi sắc, song vẫn có những điểm sáng. Dòng tiền thông minh đang len lỏi tìm cơ hội ở những cổ phiếu, nhóm ngành kỳ vọng có kết quả kinh doanh tích cực.

Điểm sáng kinh doanh

Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận quý II/2023 tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.

Lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Kỹ thuật Dầu khí (PVS) cho biết, 6 tháng đầu năm, Tổng công ty ước đạt doanh thu hợp nhất 7.300 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ, nhưng tăng 38% so với kế hoạch 6 tháng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 400 tỷ đồng, tăng 28% so với kế hoạch và tăng 7% so với thực hiện cùng kỳ. Tính riêng quý II/2023, doanh thu của PVS đạt khoảng 3.595 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 96%, đạt 133 tỷ đồng.

Năm nay, PVS đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 13.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 780 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, Công ty đã hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Hiện PVS đã nộp hồ sơ dự thầu tất cả các gói thầu chính của dự án Lô B Ô Môn (vốn đầu tư 10 tỷ USD) và đang chờ kết quả đấu thầu. Nếu dự án Lô B Ô Môn sớm khởi công để đáp ứng nhu cầu khí cho phát điện, doanh thu của Công ty có thể được bổ sung khoảng 1 tỷ USD.

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (mã PVT) cho biết, 6 tháng đầu năm, Công ty ước đạt doanh thu 4.360 tỷ đồng, tương đương 64% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt hơn 500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ và hoàn thành cơ bản kế hoạch năm. Theo Chủ tịch PVT, năm nay, Công ty ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận, thậm chí có thể cao hơn nếu thị trường chuyển động tích cực hơn.

Thông tin được ông Nguyễn Khắc Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dabaco (mã DBC) tiết lộ, trong quý II, Dabaco ước lãi hơn 321 tỷ đồng, bù đắp được khoản lỗ 320,7 tỷ đồng trong quý I.

Cũng theo ông Thảo, giá thịt heo đã tăng trong quý II/2023 và tiếp tục xu hướng tăng trong giai đoạn nửa cuối năm sẽ giúp Công ty ghi nhận hiệu quả kinh doanh tốt hơn. Với tình hình kinh doanh hiện tại, lãnh đạo Dabaco cho rằng Công ty có cơ sở để hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 với 565 tỷ đồng lợi nhuận.

Nhóm doanh nghiệp mía đường cũng là điểm sáng về kết quả kinh doanh quý II cũng như 6 tháng đầu năm. FiinTrade ước tính, lợi nhuận quý II của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã QNS) đạt 533,9 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, QNS ước đạt 849,9 tỷ đồng lợi nhuận, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của QNS đạt 1.510 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với mức thực hiện năm trước.

Thuế suất thuế Giá trị gia tăng (VAT) giảm từ 10% xuống 8% được đánh giá là chất xúc tác cho sản lượng tiêu thụ sữa đậu nành của QNS trong nửa cuối năm 2023. Giá đường đang hưởng lợi từ thiếu hụt nguồn cung trên thế giới và chính sách bảo hộ đường trong nước, hiện đạt hơn 18.600 đồng/kg và dự báo tiếp tục tăng.

Doanh nghiệp cùng ngành với QNS là Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã SBT), theo ước tính của FiinTrade, trong quý II ghi nhận 490,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 187,9% so với cùng kỳ 2022.

Trong ngành nhựa, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) ước tính lợi nhuận quý II tăng 66,4% so với cùng kỳ, đạt 241,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của Công ty đạt khoảng 527 tỷ đồng, tăng hơn 90% so với cùng kỳ.

Nhóm công ty chứng khoán cũng được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận quý II/2023 tích cực nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc trong giai đoạn này. Thông tin được ông Bạch Quốc Vinh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán DSC chia sẻ, quý II vừa qua là quý ghi nhận doanh thu kỷ lục của Công ty, với 125,7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, DSC đạt 193 tỷ đồng doanh thu, gần 70 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng trưởng 233% và 464% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ trong 6 tháng, Công ty đã thực hiện 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, Tổng công ty Viglacera ước tính có kết quả kinh doanh 6 tháng rất tích cực, với doanh thu thuần hợp nhất gần 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 913 tỷ đồng, thực hiện 52% kế hoạch doanh thu năm và 75% kế hoạch lợi nhuận năm. Đóng góp chính vào con số tăng trưởng này là mảng kinh doanh bất động sản, đặc biệt là bất động sản khu công nghiệp.

Cụ thể, doanh thu khối bất động sản dự kiến đạt hơn 2.600 tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt 950 tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận. Ngoài ra, lợi nhuận của Viglacera ghi nhận 310 tỷ đồng cổ tức thu từ công ty liên kết.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong quý II/2023, vẫn có nhiều nhóm doanh nghiệp duy trì được đà tăng trưởng so với cùng kỳ. Đó là những nhóm trực tiếp được hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Ngành bán lẻ ước duy trì tăng trưởng EPS bình quân so với cùng kỳ khoảng 25%, trong đó có những doanh nghiệp nổi bật như Thế giới di động (mã MWG), nhờ tiềm năng mở rộng thị phần phân phối điện thoại di động với mô hình cửa hàng mới, chuỗi Bách Hóa Xanh hồi phục doanh thu/cửa hàng; PNJ (hồi phục doanh thu mảng trang sức bán lẻ nhờ nhu cầu tăng trở lại và gia tăng số lượng cửa hàng mở mới)…

Ngành du lịch và hàng không cũng đang khôi phục dần sau giai đoạn đóng băng vì đại dịch. Các doanh nghiệp dịch vụ cung ứng liên quan đến mảng hàng không cũng dự kiến sẽ tăng trưởng tốt.

Những gam màu xám

Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm, dự báo nhiều doanh nghiệp niêm yết có kết quả lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý II, Dabaco ước lãi hơn 321 tỷ đồng, bù đắp được khoản lỗ trong quý I.

Quý II, Dabaco ước lãi hơn 321 tỷ đồng, bù đắp được khoản lỗ trong quý I.

Đà suy giảm lợi nhuận tập trung ở nhóm bất động sản (PDR), khí (GAS), logistics hay vận tải thủy (HAH, VOS), phân bón (DCM, DPM), gỗ (SAV, GTA) và thủy sản (VHC, ANV) khi thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn và nhiều yếu tố vĩ mô bất lợi như xuất nhập khẩu suy giảm, FDI kém tích cực và cầu tiêu dùng yếu…

Thống kê sơ bộ từ FiinTrade, dựa trên báo cáo phân tích của công ty chứng khoán, tại Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) ước tính lợi nhuận quý II giảm 30,9% so với cùng kỳ, ghi nhận 282,4 tỷ đồng. Ở nhóm phân bón, lợi nhuận DPM và DCM “bốc hơi” hơn 70% so với cùng kỳ, ước đạt lần lượt 327,7 tỷ đồng và 175,3 tỷ đồng trong quý II/2023.

Ở nhóm thủy sản, FiinTrade dự phóng lợi nhuận quý II của Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn (mã VHC) đạt 211,3 tỷ đồng, giảm 73,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận 6 tháng ước đạt 436 tỷ đồng, giảm hơn 67% so với cùng kỳ. Thủy sản Nam Việt (mã ANV) cũng chung tình cảnh, ước tính lãi quý II đạt 60,6 tỷ đồng, giảm 74,8% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận ANV đạt 152.9 tỷ đồng, ước giảm 65,8% so với cùng kỳ.

Bức tranh sụt giảm cũng được nhìn thấy rõ ở ngành dệt may, gỗ. Xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã TCM) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ước tính Công ty đạt 1.571 tỷ đồng doanh thu và 106 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 28% và 17% so với cùng kỳ.

Tại Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, 6 tháng đầu năm nay, ước tính doanh thu đạt 119,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5,35 tỷ đồng, giảm lần lượt 62,6% và 57,9% so với cùng kỳ.

Năm 2023, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 332 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 10,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 32% và 16% so với thực hiện của năm 2022. Sau nửa đầu năm, Công ty mới hoàn thành 36,1% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch mục tiêu lợi nhuận.

Xuất khẩu gỗ 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 6 tỷ USD, giảm hơn 28,8% so với cùng kỳ. Cục Xuất khẩu nhập, Bộ Công Thương nhận định, khó khăn đối với ngành gỗ có thể còn kéo dài trong nửa cuối năm 2023. Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cùng lúc đối mặt với khó khăn kép khi lâm vào tình trạng khan hiếm đơn hàng, cạn kiệt dòng tiền, bên cạnh đó là các rào cản thương mại từ Mỹ, EU.

Dòng tiền len lỏi tìm cơ hội

Trước mỗi mùa báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán lại chứng kiến sự phân hóa rõ nét của dòng tiền. Nhà đầu tư nhanh nhạy đã tìm đến các cổ phiếu của những doanh nghiệp dự báo có lợi nhuận quý II/2023 tăng trưởng tốt. Những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt trong quý II/2023 hầu hết đều đã ghi nhận tăng giá tốt trong giai đoạn nửa cuối tháng 6 như nhóm dầu khí (PVS, PVT…); nhóm bán lẻ (MWG, FRT…) nhóm chứng khoán (VND, SHS, DSC…) và sự phân hóa càng rõ nét khi vào giai đoạn báo cáo tài chính chính thức công bố.

Đơn cử, cổ phiếu VND (Công ty Chứng khoán VNDirect) lọt Top 5 cổ phiếu giao dịch lớn nhất trên sàn HOSE trong tháng 6, với tổng khối lượng hơn 765,8 triệu đơn vị được giao dịch, tổng giá trị giao dịch trong tháng đạt trên 14.578 tỷ đồng.

Khuyến nghị được chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra, khi nhìn vào tốc độ tăng trưởng, nhà đầu tư cũng nên lưu ý mức nền lợi nhuận cùng kỳ để có sự so sánh sát thực hơn. VDSC cho biết, hầu hết các doanh nghiệp thép trong quý II/2023 sẽ đạt tăng trưởng so quý trước, tuy nhiên vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước, do quý II/2022 là quý cao điểm ghi nhận lợi nhuận của ngành thép.

Bước vào quý III, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục theo dõi sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp thép để có mức kỳ vọng hợp lý về mức độ hồi phục lợi nhuận, đặc biệt khi quý III là mùa mưa và tháng Ngâu - mùa thấp điểm rơi vào tháng 8, tháng 9 năm nay. Do vậy, công ty chứng khoán này giữ nguyên quan điểm trung lập, thậm chí là tiêu cực về hoạt động xây lắp và nhu cầu vật liệu xây dựng và khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc chốt lời cổ phiếu khi lợi nhuận đã đạt kỳ vọng trong ngắn và trung hạn.

Về chiến lược “săn hàng”, phần lớn các chuyên gia đang “nhắm đến” nhóm cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận cao hơn ở giai đoạn cuối năm. Đơn cử như nhóm ngành liên quan đến câu chuyện đầu tư công, vẫn có nhiều triển vọng. Quy mô đầu tư công của Việt Nam trong 3 năm tới dự kiến sẽ giúp các ngành nghề luân chuyển được hưởng lợi từ hoạt động đầu tư của Nhà nước. Các ngành năng lượng - xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp với tỷ trọng lớn trong cơ cấu phân bổ đầu tư công. Cùng với đó là nhóm gián tiếp hưởng lợi như ngân hàng, bất động sản, logicstics…

Nếu so sánh từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số VN-Index đã ghi nhận tăng 10,74% và vẫn nằm trong nhóm các thị trường có mức tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2023. Trong đó, mức tăng giá của chỉ số VN-Index được dẫn dắt bởi những nhóm ngành như chứng khoán, đầu tư công, xây dựng và vật liệu xây dựng. Đây đều là những nhóm ngành được hưởng lợi nhờ xu thế nới lỏng tiền tệ và các chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế gần đây của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, bên cạnh những nhóm ngành được kỳ vọng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 khởi sắc thì nhà đầu tư cũng nên quan sát đến những nhóm ngành đang có định giá thấp khi các khó khăn của ngành đã phản ánh hết vào giá. Đơn cử như nhóm cổ phiếu ngành thủy sản, dệt may, thép. Đây là những nhóm ngành kỳ vọng sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn trong nửa cuối năm trên nền thấp của năm ngoái, cũng như từ việc phục hồi nhẹ của tiêu dùng toàn cầu.

Chuyên gia phân tích MBS cũng kỳ vọng, trong 6 tháng cuối năm 2023, các yếu tố tích cực sẽ tác động đến thị trường là lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, lợi nhuận thị trường sẽ phục hồi trên nền thấp của 6 tháng cuối năm ngoái, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thanh khoản trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý II đã tăng gần 39% so với bình quân ở quý I. Trong tháng 6, có phiên thanh khoản đạt 26.000 - 27.000 tỷ đồng, đưa mức thanh khoản bình quân tháng 6 đạt gần 20.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cuối quý I.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, khi lãi suất huy động giảm mạnh về lại thời điểm trước dịch Covid-19, dòng tiền từ kênh tiết kiệm có thể dịch chuyển một phần sang kênh chứng khoán. Tuy nhiên, với bối cảnh bức tranh kinh tế chưa thể hồi phục và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng âm hay đi ngang, dòng tiền vẫn còn thận trọng nhất định, đặc biệt Fed vẫn có khả năng tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong 6 tháng cuối năm.

“Lãi suất giảm sẽ phần nào thu hút lại nhà đầu tư, qua đó cải thiện thanh khoản chung của thị trường. Vận động của dòng tiền ở thời điểm hiện tại được nhìn nhận là khá hợp lý trong bối cảnh xu hướng chưa xác lập rõ ràng, trong khi tâm lý và dòng tiền chưa có sự đồng thuận trong ngắn hạn. Hơn nữa, chu kỳ hồi phục của thị trường được hỗ trợ bởi chu kỳ giảm lãi suất có tính bền vững hơn so các yếu tố khác. Các đợt hạ lãi suất cần có thời gian từ 3 - 6 tháng để phản ánh đầy đủ vận động của thị trường. Do vậy, vận động của chỉ số và dòng tiền hiện tại là giai đoạn tích lũy cần thiết cho đợt vận động xác lập xu hướng và tăng trưởng thanh khoản ở giai đoạn cuối quý III này”, ông Minh nhìn nhận.

Tin bài liên quan