Đầu năm 2023, thị trường chứng khoán đang "ngắt kết nối" với kết quả kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù công bố báo cáo lợi nhuận giảm mạnh hoặc thậm chí báo cáo lỗ kỷ lục, nhưng giá nhiều cổ phiếu vẫn có xu hướng hồi phục và tạm thời ngắt kết nối với kết quả kinh doanh.
Đầu năm 2023, thị trường chứng khoán đang "ngắt kết nối" với kết quả kinh doanh

Bức tranh màu xám của doanh nghiệp niêm yết trong quý IV/2022

Theo thống kê của Chứng khoán BSC, lợi nhuận quý IV/2022 của doanh nghiệp niêm yết trên cả 3 sàn giảm 25,72% so với cùng kỳ. Trong đó, số lượng doanh nghiệp ghi nhận giảm về lợi nhuận chiếm tỷ trọng áp đảo, lên tới hơn 60%. Trong môi trường lãi suất cao cùng với nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước suy giảm đang là những yếu tố chính kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Lợi nhuận quý IV/2022 giảm 25,72%

Lợi nhuận quý IV/2022 giảm 25,72%

Nếu phân theo nhóm doanh nghiệp tài chính và phi tài chính, lần lượt hai nhóm này giảm 24,17% và 28,62% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm phi tài chính đang ghi nhận bức tranh ảm đạm hơn rất nhiều.

Dịch vụ tài chính, bất động sản là nhóm giảm lợi nhuận mạnh nhất trong quý IV/2022

Dịch vụ tài chính, bất động sản là nhóm giảm lợi nhuận mạnh nhất trong quý IV/2022

Nếu phân theo nhóm ngành, tăng trưởng dương trong quý IV/2022 chủ yếu ngành bảo hiểm tăng 81,75%; ngành ngân hàng tăng 23,7%; ngành điện, nước & xăng dầu khí đốt tăng 10,82%; ngành viễn thông tăng 6,15%; ngành tài nguyên cơ bản tăng 1,09%...

Ngược lại, ngành dịch vụ tài chính giảm 93,11%; bất động sản giảm 49,8%; ngành hàng & dịch vụ công nghiệp giảm 19,63%; ngành hàng cá nhân & gia dụng giảm 29,45%; ngành du lịch và giải trí giảm 104,97% …

Lợi nhuận lao dốc và giá cổ phiếu hồi phục mạnh

Kể từ khi chạm đáy đợt bán tháo ngày 15/11/2022 tới nay, thị trường nhìn chung vẫn tiếp tục xu hướng hồi phục kéo dài. Trong đó, nổi bật là nhịp hồi phục trước tết Âm lịch và chịu áp lực rung lắc trong những phiên sau tết Âm lịch.

Chỉ số VN-Index tiếp tục xu hướng hồi phục bất chấp kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý IV/2022

Chỉ số VN-Index tiếp tục xu hướng hồi phục bất chấp kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý IV/2022

Thống kê từ ngày 15/11/2022 đến ngày 3/2/2023, chỉ số VN-Index đã tăng 18,1% lên 1.077,15 điểm, chỉ số VN30 tăng 20% lên 1.085,7 điểm.

Nổi bật trong nhóm ngắt kết nối giữa giá chứng khoán và kết quả kinh doanh là nhóm thép. Trong đó, quý IV/2022, hàng loạt Công ty thép báo cáo lỗ kỷ lục, thậm chí lỗ hai quý liên tiếp.

Đơn cử, Hoa Sen (mã HSG) báo cáo quý I niên độ tài chính 2022-2023 (1/10/2022-31/12/2022) ghi nhận lỗ 680,2 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 638,3 tỷ đồng, tức giảm 1.318,5 tỷ đồng và luỹ kế 2 quý liên tiếp lỗ 1.567,18 tỷ đồng.

Tương tự, tại Thép Nam Kim (mã NKG), công ty kinh doanh dưới giá vốn trong quý IV/2022 khi ghi nhận lỗ 356,35 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 452,35 tỷ đồng, luỹ kế cả năm xoá bỏ toàn bộ lợi nhuận kiếm được trong 9 tháng đầu năm 2022 và ghi nhận lỗ 66,71 tỷ đồng trong năm tài chính.

Tại Thép Tiến Lên (mã TLH), trong quý IV/2022, đơn vị này cũng ghi nhận lỗ 114,24 tỷ đồng, luỹ kế cả năm chỉ còn lãi 7,54 tỷ đồng, giảm 98,3% và hoàn thành được 2,5% kế hoạch lãi 300 tỷ đồng trong năm tài chính.

Mặc dù kết quả kinh doanh lao dốc nhưng thống kê từ ngày 15/11/2022 đến ngày 3/2/2023, nhóm doanh nghiệp thép lại là đơn vị hồi phục mạnh. Cụ thể, cổ phiếu HSG đã tăng 100% từ 7.350 đồng lên 14.700 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu NKG tăng 90,5% từ 7.400 đồng lên 14.100 đồng/cổ phiếu; và cổ phiếu TLH tăng 61,6% từ 4.220 đồng lên 6.820 đồng/cổ phiếu.

Thông điệp ngắt kết nối còn diễn ra đối với doanh nghiệp bán lẻ khi trong quý IV/2022, Thế giới Di động (mã MWG) báo cáo lợi nhuận giảm 60,4% về 619,02 tỷ đồng, luỹ kế cả năm giảm 16,3% về 4.101,7 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 64,6% kế hoạch lợi nhuận năm.

Điểm đáng lưu ý, Công ty kết thúc chuỗi thời gian tăng trưởng dương kéo dài từ khi niêm yết năm 2014 tới nay khi năm 2022 lần đầu tiên tăng trưởng lợi nhuận âm.

Tương tự như vậy tại Petrosetco (mã PET), trong quý IV/2022 ghi nhận lợi nhuận giảm 99,5% về còn 0,74 tỷ đồng, luỹ kế cả năm ghi nhận lợi nhuận đạt 167,84 tỷ đồng, giảm 46,1% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 50,7% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trái với bức tranh lợi nhuận lao dốc quý IV, giai đoạn từ 15/11/2022 đến ngày 3/2/2023, giá cổ phiếu MWG bật tăng 26,3% từ 37.850 đồng lên 47.800 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu PET tăng 65,7% từ 12.550 đồng lên 20.800 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, nhóm doanh nghiệp bán lẻ cũng đang cho thấy dấu hiệu ngắt kết nối với kết quả kinh doanh.

Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra đối với nhóm cổ phiếu bất động sản trong quý IV/2022.

Tại Nhà Khang Điền (mã KDH), trong quý IV/2022, đơn vị này ghi nhận lợi nhuận giảm 73,3% về còn 110,7 tỷ đồng, luỹ kế cả năm ghi nhận lãi 1.081,26 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 77,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại Đầu tư LDG (mã LDG), trong quý IV/2022, Công ty ghi nhận lỗ 38,88 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 196,67 tỷ đồng, giảm 235,55 tỷ đồng, luỹ kế cả năm 2022, Công ty ghi nhận lợi nhuận giảm 98,5% về còn 4,01 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 1,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại DIC Corp (mã DIG), trong quý IV/2022, Công ty ghi nhận lãi 2,72 tỷ đồng, giảm 99,7% so với cùng kỳ, luỹ kế cả năm ghi nhận lãi 144,39 tỷ đồng, giảm 84,8% so với cùng kỳ và chỉ hoàn thành 10,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trái với bức tranh lợi nhuận suy giảm, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 3/2/2023, giá cổ phiếu KDH tăng 38,9% từ 19.400 đồng lên 26.950 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu LDG tăng 44,5% từ 3.010 đồng lên 4.350 đồng/cổ phiếu; và cổ phiếu DIG tăng 55% từ 10.100 đồng lên 15.650 đồng/cổ phiếu.

Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận suy giảm mạnh trong quý IV/2022 không làm ảnh hưởng tới đà hồi phục của nhóm cổ phiếu, thậm chí các doanh nghiệp báo cáo lỗ kỷ lục, đà hồi phục còn lớn hơn nhiều doanh nghiệp có lãi, hoặc lợi nhuận giảm nhẹ.

Thông điệp chính sách của các ngân hàng trung ương "ngắt kết nối" với thị trường chứng khoán

Được biết, sau nhịp bán tháo trong năm 2022, hiện tượng "ngắt kết nối" về kết quả kinh doanh hoặc động thái của ngân hàng trung ương đang diễn ra ở nhiều thị trường lớn. Trong đó, các thông báo về chính sách của ngân hàng trung ương từng được xem là cẩm nang quy tắc về xu hướng thị trường, nhưng hiện đã không còn gây được tiếng vang với các nhà đầu tư.

Xem xét động thái lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuộc họp chính sách ngày thứ Tư (1/2), Fed đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2007 khi tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát.

Phản ứng với động thái này, chỉ số S&P 500 đã đạt mức cao nhất trong 5 tháng, khi các nhà đầu tư kiên quyết tập trung vào ý tưởng rằng ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất thế giới sẽ sớm thay đổi hướng đi. Trong khi đó, thị trường trái phiếu chính phủ tiếp tục định giá việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm khi chu kỳ kinh tế thay đổi.

Ở châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện một đợt tăng lãi suất mạnh mẽ 50 điểm cơ bản vào thứ Năm (2/2) và cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở tốc độ tương tự trong tháng 3 và hơn thế nữa.

Thị trường chứng khoán khu vực đồng Euro cũng phục hồi. Chỉ số Stoxx 600 đạt mức cao nhất kể từ tháng 4, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức giảm 23 điểm cơ bản, mức giảm lớn nhất trong gần một năm. Lợi suất của Ý đã giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ khi ECB tung ra gói kích thích khẩn cấp trong cuộc khủng hoảng Covid-19 năm 2020.

Các nhà đầu tư cho rằng bất cứ điều gì mà các ngân hàng trung ương cam kết giờ đây ít quan trọng hơn đối với các thị trường vốn đã bị thúc đẩy bởi niềm tin rằng lạm phát đã lên đến đỉnh điểm. Các thị trường cũng dự đoán tác động mang độ trễ của việc tăng lãi suất sẽ làm chậm nền kinh tế toàn cầu, và cả hai đều buộc các đợt tăng lãi suất phải được đảo ngược vào cuối năm.

Các nhà đầu tư đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất hai lần vào cuối năm nay. Ngay cả khi ECB nghe có vẻ diều hâu, các thị trường đã hạ thấp kỳ vọng về việc lãi suất cơ bản của ECB sẽ kết thúc ở mức khoảng 3,25% từ 3,4% trước đó.

Tin bài liên quan