Đồng bằng sông Cửu Long và góc nhìn từ đồng bằng Hà Lan

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam và đồng bằng Vương quốc Hà Lan cùng phải đối mặt với những vấn đề tương đồng.
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến kinh tế chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và sinh kế của người dân.

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến kinh tế chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và sinh kế của người dân.

Nền nông nghiệp - vốn thúc đẩy kinh tế thịnh vượng và bảo đảm dân sinh - ngày càng dễ bị tổn thương. Các vùng đồng bằng đang phải đối mặt với nhiều thách thức cấp bách - như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún đất, thiếu nước sạch, ảnh hưởng không chỉ đến kinh tế chung của khu vực, mà còn ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.

Hà Lan đã xây dựng kế hoạch dài hạn và cùng với các trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp và Chính phủ tích cực đưa vùng châu thổ này trở thành môi trường sống an toàn và bền vững trong nhiều thế kỷ tới. Đây thường là những lựa chọn khó khăn, nhiều khi phải chấp nhận từ bỏ một số lợi ích kinh tế ngắn hạn đơn thuần, để đưa ra những lựa chọn bền vững hơn, mang lợi ích lâu dài.

Những quyết định này không phải lúc nào cũng phổ biến mà cần có sự thảo luận giữa các bên liên quan. Hà Lan đã chuyển từ sản xuất hàng loạt, với tư cách là nước xuất khẩu nông sản thứ hai trên thế giới, sang sản xuất công nghệ cao và bền vững.

Ngoài ra, các khoảng không gian quý giá ở đất nước có mật độ dân số cao như chúng tôi cũng được trả lại cho tự nhiên, chẳng hạn như chúng tôi đã làm với lòng sông để điều tiết lũ. Điều này đã mang lại hiệu quả tốt. Điển hình, trong trận lụt gần đây tại Hà Lan, Bỉ và Đức, Hà Lan đã chủ động hạn chế được nhiều tổn thất.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lương thực của Việt Nam và được biết đến với việc sản xuất lúa thâm canh từ hai đến ba vụ mỗi năm. Ngày nay, khu vực này phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm sụt lún đất và nhiễm mặn do tác động của biến đổi khí hậu và gánh nặng phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh tác giả

Phát triển môi trường sống an toàn và bền vững thường là những lựa chọn khó khăn, nhiều khi phải chấp nhận từ bỏ một số lợi ích kinh tế ngắn hạn đơn thuần.

Ông Daniël Stork, Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM

Để có một vùng đồng bằng bền vững, cần triển khai một số giải pháp lâu dài, bao gồm thay thế thâm canh lúa bằng rau và hoa quả, tập trung vào chất lượng cây trồng hơn là số lượng, giảm ô nhiễm nguồn nước, khai thác nước ngầm và khai thác cát và đầu tư vào bảo vệ khỏi lũ lụt và xói mòn.

Hà Lan là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, ở cả khu vực công và tư nhân. Mối quan hệ đối tác lâu dài đã được củng cố bởi nhiều thỏa thuận trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, trong đó tập trung vào đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những năm qua, nhiều dự án đã được thực hiện, thương mại song phương gia tăng và nhiều doanh nghiệp Hà Lan đã mở rộng thị trường tại Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long.

Sự quan tâm ngày càng lớn của Chính phủ Việt Nam với Chương trình Chuyển đổi nông nghiệp đã thúc đẩy các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hà Lan tăng cường hợp tác và phát triển tại Việt Nam.

Thông qua cơ quan Liên minh ngành hàng ưu tiên của Hà Lan, chúng tôi có tham vọng thúc đẩy hơn nữa các đổi mới và phát triển các giải pháp cho các vấn đề xã hội lớn trong những lĩnh vực mà Hà Lan giữ vị trí hàng đầu.

Liên minh Ngành hàng ưu tiên trong lĩnh vực nước, hậu cần, nông sản, rau hoa quả và vật liệu giống đang hợp lực để huy động kiến thức và kinh doanh của Hà Lan để hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tế, Liên minh Ngành hàng ưu tiên cùng với Bộ Nông nghiệp Hà Lan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã khởi động Nền tảng Kinh doanh Đồng bằng sông Cửu Long (MDBP), với ba mục tiêu chính:

Thứ nhất, kịp thời cung cấp thông tin về những phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long và Chương trình Chuyển đổi Nông nghiệp để truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, các tổ chức liên quan áp dụng các ý tưởng và giải pháp của họ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trọng tâm sẽ là tính bền vững, chuỗi giá trị, thích ứng với khí hậu và hơn thế nữa.

Thứ hai, thúc đẩy hoạt động kinh doanh bền vững trong khu vực bằng cách tạo điều kiện kết nối với các bên ở Việt Nam, ở Hà Lan hoặc các nơi khác, thông qua những hoạt động giữa các doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu uy tín hoặc các cơ quan chính phủ.

Thứ ba, giúp vượt qua các trở ngại để phát triển và thực thi các sáng kiến (ví dụ đối tác, tài chính).

Tới nay, Nền tảng Kinh doanh đã lên kế hoạch chương trình và thực hiện một số hoạt động hợp tác với đối tác chiến lược của chúng tôi, Chi nhánh VCCI tại Cần Thơ.

Sự tàn phá kinh hoàng của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long lâm vào tình cảnh khốn khó. Trong bối cảnh công tác phòng chống dịch được đặt ưu tiên hàng đầu, gần 90% doanh nghiệp trong khu vực đã phải tạm ngừng hoạt động.

Những doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động “3 tại chỗ” cũng chỉ sản xuất cầm chừng ở mức 5 - 10% công suất bình thường. Khi dịch bệnh dần qua đi, nhiều doanh nghiệp trong khu vực phải tìm cách thích nghi với tình trạng “bình thường mới”.

Đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ điểm yếu của mô hình “khai thác - sản xuất - xả thải”. Việc chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn và bao trùm có thể củng cố con đường hướng tới phục hồi kinh tế và giúp đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và các mục tiêu về khí hậu.

Hà Lan với thế mạnh và bí quyết của mình sẽ tiếp tục hỗ trợ các biện pháp khắc phục hậu quả để doanh nghiệp địa phương xây dựng trở lại tốt hơn, trở nên linh hoạt và đạt được lợi nhuận. Các chủ đề được tập trung hợp tác và hỗ trợ bao gồm các quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm để tăng trưởng bền vững; thiết kế và thực hiện kế hoạch đảm bảo kinh doanh liên tục, xây dựng tâm thế sẵn sàng trong giai đoạn khủng hoảng hoặc có gián đoạn nghiêm trọng; và các phương án quản lý rủi ro kinh doanh (tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Tin bài liên quan