Dòng bank “giải cứu” thị trường

Dòng bank “giải cứu” thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã có phiên biến động mạnh khi chỉ số VN-Index dao động hơn 23 điểm và đóng cửa tăng nhẹ nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, với sự đóng góp lớn từ cặp đôi BID và CTG.

Mặc dù áp lực bán vẫn khá lớn sau phiên “tháo chạy” cuối tuần trước khiến VN-Index có thời điểm thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng gần nhất là 1.170 điểm, tuy nhiên sự hồi phục của nhóm cổ phiếu bluechip, với tâm điểm là dòng bank đã thắp lên tia hy vọng mong manh cho thị trường. Chỉ số VN-Index đã bật hồi hơn 10 điểm và tạm dừng phiên sáng chỉ giảm hơn 2 điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau gần 1 giờ nhúc nhắc tìm điểm cân bằng, thị trường đã dần le lói sắc xanh khi lực cầu tiếp tục gia tăng và hướng tới nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.

Diễn biến song hành của nhóm bộ đôi trụ cột này với biên độ tăng ngày càng rộng hơn, đã giúp VN-Index tăng vọt gần 10 điểm lên sát mốc 1.190 điểm trước khi giật lùi trong đợt khớp lệnh ATC. Chỉ số VN-Index đã có phiên biến động với độ rộng khá lớn, hơn 23 điểm, từ mức giá thấp nhất trong ngày là 1.164,93 điểm lên mức cao nhất ngày là 1.188,13 điểm và đóng cửa chỉ tăng nhẹ chưa tới 2 điểm nhờ sự hỗ trợ lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Diễn biến trên cho thấy niềm tin nhà đầu tư vẫn khá mong manh sau “cú trượt ngã” mạnh ngày 18/8 và phiên giao dịch hôm nay chỉ là một nhịp hồi phục kỹ thuật.

Chốt phiên, sàn HOSE có tới 276 mã giảm và 200 mã tăng, VN-Index tăng 1,77 điểm (+0,15%) lên 1.179,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,08 tỷ đơn vị, giá trị 22.167,53 tỷ đồng, giảm 36,47% về khối lượng và 38,67% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 18/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 77,43 triệu đơn vị, giá trị 1.970,24 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng là điểm tựa chính của thị trường với cặp đôi BID và CTG có đóng góp lớn nhất, lần lượt 1,81 và 1,61 điểm vào chỉ số chung.

Kết phiên, CTG tăng 4,2% lên mức 32.000 đồng/CP, còn BID tăng 3,2% lên 45.600 đồng/CP, đây cũng là 2 mã tăng tốt nhất của rổ VN30. “Anh cả” ngành là VCB cũng đảo chiều hồi phục tăng nhẹ 0,34%.

Tuy nhiên, điểm sáng ngành thuộc về LPB khi có thời điểm chạm trần và kết phiên tăng ấn tượng 6,3% lên mức 19.400 đồng/CP với thanh khoản đạt 27,6 triệu đơn vị. Ngoài ra, STB và SHB cũng thuộc top 10 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường, lần lượt đạt 35,26 triệu đơn vị và 26,2 triệu đơn vị; cả 2 đều kết phiên tăng hơn 1%.

Ở nhóm chứng khoán, cặp đôi lớn SSI và VND vẫn duy trì đà tăng tốt. Trong đó, SSI kết phiên tăng 1,9% và khớp lệnh 35,54 triệu đơn vị, còn VND tăng 2,3% và khớp 33,87 triệu đơn vị. Trong khi đó, cổ phiếu sôi động nhất ngành là VIX dù thoát nằm sàn nhưng vẫn giảm khá mạnh do lực bán lớn, kết phiên giảm 3,2% xuống mức 16.400 đồng/CP và khớp lệnh gần 40,5 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản bớt tiêu cực hơn với cặp đôi lớn VIC và VHM thu hẹp đà giảm khi chỉ còn để mất trên dưới 1,5%, trong khi một số mã như VRE, VCG, NLG, KDH, HDG… đảo chiều hồi phục sắc xanh. Tuy nhiên, nhiều mã vừa và nhỏ trong ngành như HPX, TDH, ITC, PTL, BCG, LDG vẫn nằm sàn, trong đó LDG dư bán sàn tới hơn 19,32 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường diễn biến tích cực hơn nhờ đà tăng khá tốt và ổn định của nhóm cổ phiếu bluechip.

Chốt phiên, sàn HNX khá cân bằng khi có 97 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index tăng 2 điểm (+0,85%) lên 237,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 116,51 triệu đơn vị, giá trị 1.959,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,3 triệu đơn vị, giá trị 158,27 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 có 17 mã tăng và 10 mã giảm, trong đó cổ phiếu giảm mạnh nhất là các mã vốn hóa không lớn như DTD giảm 3,7%, PLC giảm 2,9%, VIG giảm 2,5%, BCC giảm 2,4%...

Ở chiều ngược lại, phần lớn các mã đều có mức tăng hơn 1%, trong đó điểm sáng là CEO tiếp tục tăng tốc sau pha quay xe ngoạn mục ở phiên sáng. Kết phiên, CEO tăng 6,7% lên mức 25.600 đồng/CP với thanh khoản đạt hơn 17,8 triệu đơn vị.

Tiếp theo đó là DDG và DVM cùng tăng 3,7%, cổ phiếu chứng khoán SHS cũng tăng tốt 3,3% lên mức 15.600 đồng/CP và thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường với 25,52 triệu đơn vị khớp lệnh; cặp HUT và PVS cùng tăng 2,5% với thanh khoản đều đạt hơn 5 triệu đơn vị…

Xét về nhóm ngành, cùng diễn biến tích cực của SHS, nhóm cổ phiếu chứng khoán là điểm nhấn thị trường. Cụ thể, BVS tăng 2,9%, MBS tăng 1,8%, IVS tăng 2,5%, đáng kể là APS đóng cửa tăng kịch trần với thanh khoản đạt 3,54 triệu đơn vị và dư mua trần vài chục nghìn đơn vị…

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều hồi phục sắc xanh thành công.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,26%) lên 89,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 50,88 triệu đơn vị, giá trị 667,12 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,32 triệu đơn vị, giá trị 167,23 tỷ đồng, trong đó riêng DGT thỏa thuận 8,2 triệu đơn vị, giá trị 65,49 tỷ đồng và NAB thỏa thuận 7,98 triệu đơn vị, giá trị 99,23 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR đã cân bằng hơn khi kết phiên chỉ còn giảm nhẹ 0,5%, đứng sát mốc tham chiếu 19.200 đồng/CP, với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt 8,26 triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản tốt tiếp theo là SBS khớp 4,64 triệu đơn vị, C4G khớp 3,28 triệu đơn vị và VHG khớp 2,7 triệu đơn vị, đóng cửa đều giảm trên dưới 3%.

Tâm điểm đáng chú ý của thị trường UPCoM vẫn là STH khi tiếp tục có thêm phiên tăng trần. Đóng cửa, STH tăng 14,93% lên mức giá trần 7.700 đồng/CP, tương ứng tăng gần 60% kể từ đầu tháng 8 và tăng hơn 48% trong 6 phiên vừa qua.

Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng tăng và 2 hợp đồng giảm, trong đó đáo hạn gần nhất là VN30F2309 vào ngày 21/9 tới đây, đã tăng 2,9 điểm, tương đương +0,2% lên 1.190,9 điểm, khớp lệnh 297.585 đơn vị, khối lượng mở 44.313 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch cũng phân hóa, trong đó CHPG2309 sôi động nhất khi khớp hơn 2,86 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 10,6% xuống mức 1.680 đồng/cq. Tiếp theo là CMBB2306 khớp hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,9% lên 1.910 đồng/cq.

Tin bài liên quan