Động lực tăng được duy trì

Động lực tăng được duy trì

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường khá vững vàng khi một loạt nhóm ngành tăng giá tích cực, thanh khoản bùng nổ, nhưng áp lực chốt lời có thể sớm xuất hiện.

Bùng nổ theo đà

Trong 2 tuần giao dịch từ ngày 6 - 21/7/2023, thị trường chứng khoán có chuỗi tăng điểm ấn tượng, VN-Index xuyên thủng vùng kháng cự quan trọng tại 1.120 điểm và 1.160 điểm, đưa các vùng giá này trở thành ngưỡng hỗ trợ mới nhất. Các phiên giao dịch từ ngày 12 - 14/7 tại vùng giá 1.160 điểm đáng chú ý khi diễn biến giá tạo ra vùng khoảng trống giá (Gap) và phiên kiểm nghiệm lại Gap cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn khá vững vàng.

Thêm vào đó, phiên 21/7 là phiên bùng nổ theo đà của thị trường khi chỉ số tăng trên 13 điểm, cùng một loạt nhóm ngành tăng giá tích cực, mở ra khả năng động lực tăng sẽ được duy trì trong thời gian tới.

Ngưỡng kháng cự 1.120 điểm và 1.160 điểm của VN-Index đã trở thành ngưỡng hỗ trợ.

Ngưỡng kháng cự 1.120 điểm và 1.160 điểm của VN-Index đã trở thành ngưỡng hỗ trợ.

Thanh khoản của VN-Index là yếu tố củng cố cho xu hướng khi duy trì ở mức cao, trên 800 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng với khối lượng giao dịch trung bình 20 ngày. Đặc biệt, phiên cuối tuần qua, chỉ số có biên độ dao động lớn và thanh khoản bùng nổ lên đến 948 triệu cổ phiếu, với nhiều nhóm ngành tăng điểm vượt trội.

Trong tuần qua, dòng tiền tập trung vào cổ phiếu bất động sản, ngân hàng và dịch vụ tài chính, giúp nhóm ngành bán lẻ, viễn thông và dịch vụ tài chính có mức tăng điểm lớn nhất.

Về phía phân loại nhà đầu tư, nhóm nhà đầu tư nước ngoài có sự xoay chiều khi mua ròng trên 1.100 tỷ đồng, đây là tuần mua ròng đầu tiên sau 4 tuần liên tiếp bán ròng. Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân là bên bán ròng với giá trị lớn.

Thị trường có diễn biến tích cực, nhưng đáng lưu ý là chỉ báo RSI (14) đang vận động trong vùng quá mua, cảnh báo cho khả năng VN-Index sẽ rung lắc khi áp lực chốt lời dần xuất hiện tại vùng giá cao. Do đó, nhà đầu tư nên cẩn trọng trước áp lực chốt lời tại vùng kháng cự ngắn hạn 1.210 - 1.220 điểm có thể đạt đến trong tuần giao dịch mới. Kiểm soát rủi ro và duy trì lợi nhuận là ưu tiên của giai đoạn thị trường hiện tại.

Ngành gạo đáng quan tâm

Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra lệnh cấm xuất khẩu đối với hầu hết nhóm mặt hàng gạo (trừ loại gạo basmati, một loại gạo hạt dài được trồng nhiều ở Ấn Độ và Pakistan), sau đây gọi tắt là gạo non-basmati, nhằm ổn định giá gạo trong nước trong bối cảnh giá lương thực tại nước này đang có chiều hướng tăng mạnh.

Việc giá gạo gia tăng trong thời gian gần đây được cho là do các nước xuất khẩu gạo lớn sắp phải hứng chịu tác động từ El Nino, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng gạo trong vụ mùa sắp tới. Hiện nay, ước tính giá lương thực tại Ấn Độ tăng trung bình từ 8 - 15% so với đầu năm 2023, buộc chính phủ nước này phải có một số biện pháp cứng rắn để ổn định tình hình an ninh lương thực.

Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, với 40% lượng gạo giao dịch được xuất đi từ nước này. Ước tính, lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati có thể ảnh hưởng đến 10% lượng gạo giao dịch trên thị trường quốc tế. Với việc thị trường lương thực thế giới đang phải chịu ảnh hưởng từ sự thiếu hụt lúa mì, gây ra bởi cuộc chiến Nga - Ukraine, thì lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ có thể đẩy giá lương thực bình quân lên cao hơn trong thời gian tới.

Các quốc gia xuất khẩu gạo lớn khác ngoài Ấn Độ, cụ thể là Việt Nam và Thái Lan có thể được hưởng lợi một phần từ việc các đơn hàng gạo sẽ tìm đến các nguồn cung bổ sung. Hiện tại, với việc đồng Baht của Thái Lan đang tăng giá trở lại sau khi nước này mở cửa ngành du lịch, gạo Việt Nam có thể có thêm lợi thế về giá trên thị trường quốc tế, dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng khoảng 15% kể từ đầu năm nay.

Kafi cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thể tiếp tục hưởng lợi trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Kèm theo đó, các doanh nghiệp logistic cũng được hưởng lợi từ xuất khẩu gạo gia tăng và bù đắp phần nào sự sụt giảm từ các nhóm hàng xuất khẩu khác trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn đang suy yếu.

Tin bài liên quan