Động lực tăng trưởng 2023: Khi doanh nghiệp tìm kiếm sự năng động

0:00 / 0:00
0:00
Động lực tăng trưởng của nền kinh tế 2023 đang được nhìn thấy từ sự nóng ruột của khu vực doanh nghiệp nhà nước trước những chậm trễ, kém hiệu quả trong các dự án đầu tư cũng như sự chấp nhận đối mặt với các khúc cua gấp, để có cơ hội vượt lên của các doanh nghiệp tư nhân.
Do những vướng mắc về thủ tục, cơ chế, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn I) mới giải ngân được 35,3% kế hoạch của năm 2022

Do những vướng mắc về thủ tục, cơ chế, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn I) mới giải ngân được 35,3% kế hoạch của năm 2022

Doanh nghiệp nhà nước nóng ruột

Những ngày cuối năm 2022, đại diện 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có cuộc làm việc quan trọng tại Hà Nội, với Ủy ban và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước. Cuộc làm việc rất nóng, vì nhiều vấn đề đang treo.

“Nếu không giải quyết được thì doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng đầu tư không hiệu quả”, ông Lê Ngọc Quang, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lo lắng khi nhắc tới hiện trạng của 6 nhà máy tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai), thuộc 4 đơn vị của Tập đoàn.

Trong vòng 5 - 7 năm trở lại đây, cứ vài năm, các đơn vị này lại nhận được thông báo di dời, theo chủ trương của tỉnh.

“6 nhà máy này hàng năm đang tạo ra khoảng 3.600 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận khoảng 400 tỷ đồng, nộp ngân sách là 100 - 200 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 1.200 lao động. Vấn đề là, 14 ha của các đơn vị này có thời gian thuê đất đến năm 2031, nhưng địa phương không có cơ chế, chính sách gì cho doanh nghiệp, dù Tập đoàn đã đề nghị, vì di dời một nhà máy công nghiệp không dễ dàng, gần như phải bỏ đi, đầu tư mới. Các doanh nghiệp chưa phải di dời ngay, nhưng không thể đầu tư mở rộng hay phát triển gì từ đó đến nay…”, ông Quang nói và mong muốn Ủy ban tổ chức đối thoại với địa phương để tìm giải pháp.

Sự sốt ruột của ông Quang không đơn lẻ. Theo thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, rất nhiều đề xuất tương tự đã được các tập đoàn, tổng công ty gửi về đề nghị hỗ trợ giải quyết. Riêng TP.HCM đã có tới 162 kiến nghị, chủ yếu liên quan đến đất đai.

“Doanh nghiệp nhà nước sốt ruột lắm, vì các dự án đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Ủy ban đều nằm trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, như điện, than, viễn thông, thăm dò dầu khí… Hiệu quả đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty chưa đạt kỳ vọng, giải ngân thấp so với kế hoạch là ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của nền kinh tế. Chúng tôi đang tham mưu để tổ chức một số cuộc làm việc, đối thoại với các địa phương, các bộ, ngành để giải quyết dứt điểm vướng mắc”, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết.

Trong kế hoạch, cuộc làm việc với UBND TP.HCM sẽ được đề nghị tổ chức sớm.

Nhưng, ông Tuấn Anh cũng thừa nhận, còn nhiều vướng mắc liên quan đến sự chưa rõ ràng, thống nhất trong quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành cũng đã được doanh nghiệp tập hợp, đề xuất giải pháp, nhưng nhiều năm rồi không xử lý được.

“Chúng ta không thể phân chia quyền của doanh nghiệp nhà nước theo tầng bậc như hiện nay được, mà phải phân cấp và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ quan đại diện chủ sở hữu, của cơ quan quản lý nhà nước. Mục tiêu cuối cùng phải là phát huy tối đa nguồn lực của nhà nước trong doanh nghiệp. Chúng tôi đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật… ”, ông Tuấn Anh cho biết.

Nhìn lại, năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện đầu tư 90.500 tỷ đồng, bằng 87% kế hoạch năm; trong đó có một số dự án quan trọng như tiếp tục triển khai thi công 3 dự án nhà máy thủy điện mở rộng; Tập đoàn đang tập trung thực hiện chuẩn bị đầu tư 7 dự án nguồn điện trọng điểm. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giải ngân 2.138 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm 2022. Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới thực hiện khoảng 10.587 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch đầu tư của năm.

Nếu như những vướng mắc được giải quyết sớm, thì những lo ngại về tình trạng thiếu nguồn điện dự phòng cho nền kinh tế hay lo ngại sớm về khả năng chậm trễ của dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, khi năm 2022 mới giải ngân 3.000 tỷ đồng, đạt 35,3% so với kế hoạch 2022... có thể sẽ không có trong các báo cáo của năm 2023.

Chấp nhận những khúc cua gấp

Tháo gỡ được rào cản trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước sẽ thúc đẩy hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cảm thấy hào hứng khi nghe các kế hoạch mà ông Tuấn Anh đưa ra.

“Tôi luôn coi doanh nghiệp nhà nước là một động lực quan trọng của nền kinh tế và rất tiếc khi khu vực này không đóng góp được nhiều, mà đáng ra có thể làm để góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân đang khó khăn, khả năng vốn đầu tư tư nhân sẽ chậm lại trong năm 2023, thì sự chủ động tìm kiếm sự năng động, hiệu quả của doanh nghiệp là tin tốt”, ông Cung chia sẻ.

Ở đây, tin tốt mà ông Cung nhắc đến không chỉ là tiến độ dự án đầu tư công, dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước được đẩy nhanh, mà việc đó sẽ mở thêm không gian hoạt động cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Tháo gỡ được rào cản trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nhà nước sẽ thúc đẩy hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư, thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, tâm lý đang khá nặng nề, lo lắng, sợ trách nhiệm của bộ máy nhà nước trong quản lý đầu tư sẽ được giải tỏa, từ đó có cú hích phù hợp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây sẽ là những động lực dài hạn cho tăng trưởng, thế chỗ động lực tăng trưởng nhất thời của nền kinh tế trong năm 2022, sau khi nền kinh tế bước sang giai đoạn mở cửa, phục hồi sau dịch bệnh”, ông Cung nhận định.

Đáng nói là khu vực doanh nghiệp tư nhân đang nhìn vào không gian này với những tính toán thiết thực và chấp nhận sự sàng lọc để vượt lên, chứ không chỉ là vượt qua khó khăn.

“Như một cuộc đua xe công thức 1, nếu cứ chạy thẳng mãi thì cơ hội vượt lên rất khó. Chúng ta đang đứng trước khúc cua có thể thay đổi cuộc chơi bằng các quyết định táo bạo”, ông Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch Công ty Rosa Bonita nhìn nhận khó khăn của năm 2023.

Tất nhiên, khúc cua trong đánh giá của ông Dũng không hề dễ chơi. “Tôi hoạt động trong ngành phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng, chưa bao giờ thấy hàng hóa tiêu thụ chậm như vậy, từ đầu quý IV đến giờ. Vừa rồi, Bộ Công thương tổ chức một chương trình bán hàng, cho phép doanh nghiệp khuyến mại đến 100% giá trị của sản phẩm, nhưng cả tháng qua, sức mua thấp ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi”, ông Dũng chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giày… cũng có nhận định tương tự. Đơn hàng xuất khẩu giảm đột ngột. Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư mới, đầu tư công nghệ để đáp ứng yêu cầu xanh, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn đang được các doanh nghiệp lên kế hoạch.

“Chỉ cần tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận vốn, thuận lợi trong thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp sẽ không bỏ qua cơ hội để làm mới, nâng cấp năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Dũng chia sẻ.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đang cơ cấu lại ngành nghề từ những biến động của lao động sau những thay đổi lớn của nhu cầu người dùng, suy giảm đơn hàng xuất khẩu.

“Có thể năm tới, nhiều doanh nghiệp sẽ tăng trưởng chậm lại do khoảng thời gian tiến hành cơ cấu lại, nhưng dài hạn, những doanh nghiệp này sẽ là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế”, ông Cung dự báo.

Tuy vậy, khoảng thời gian này nhanh hay chậm lại không hẳn nằm trong dự liệu của các doanh nghiệp.

Cần phải nhắc lại, năm 2022, hệ thống giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế khá toàn diện, trên mọi lĩnh vực, nhưng nhiều giải pháp chưa thực sự đạt được kết quả. Ba năm qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng ngang với số doanh nghiệp gia nhập. Nếu như 2 năm dịch bệnh, lý do có thể giải thích được, nhưng năm 2022, khi kinh tế đang phục hồi mà số này vẫn cao, theo hướng năm sau cao hơn năm trước, nghĩa là, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục gặp khó khăn.

“Động lực để phát triển kinh tế là doanh nghiệp, mà doanh nghiệp gặp nhiều cái khó khăn, nghĩa là chúng ta cần phải nhìn thẳng vào sự thật đó, để có những giải pháp phù hợp, kịp thời. Hơn thế, đây là thời điểm doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh chất lượng cao chứ không chỉ là cắt giảm hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định.

Như vậy, theo ông Hiếu, năm 2023 là năm phải hành động, minh bạch, kịp thời, quyết liệt, ở cả góc độ hoạch định chính sách của cơ quan quản lý nhà nước và thực hiện hoạt động đầu tư - kinh doanh của doanh nghiệp.

Tin bài liên quan