Động lực tăng yếu

Động lực tăng yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, VN-Index ghi nhận sắc xanh, nhưng diễn biến giằng co trong từng phiên và thanh khoản giảm cho thấy tâm lý nhà đầu tư nhìn chung là thận trọng.

Dòng tiền luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành

VN-Index liên tiếp tăng điểm, với mức tăng cả tuần là 2,3%, đóng cửa tại 1.154,73 điểm. Mức tăng mỗi phiên hạn chế, nhưng chỉ số vẫn chinh phục được vùng giá nhạy cảm 1.140 - 1.150 điểm. Với động lực tăng có phần gia tốc trong phiên cuối tuần, VN-Index được kỳ vọng tiến đến vùng kháng cự tiếp theo tại 1.170 điểm. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn vẫn hiện hữu.

VN-Index đang có ngưỡng kháng cự 1.165 - 1.170 điểm.

VN-Index đang có ngưỡng kháng cự 1.165 - 1.170 điểm.

Thanh khoản trong tuần qua ở mức thấp, từ 13.000 - 15.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE, trong khi giai đoạn giữa tháng 9/2023 có những phiên đạt 1 tỷ USD. Sự tụt áp về thanh khoản cùng với tâm lý thận trọng của giới đầu tư sau khi trải qua nhịp giảm khá sâu khiến diễn biến thị trường gần đây không có động lực hồi phục mạnh. Diễn biến giao dịch cũng cho thấy sự suy yếu của dòng tiền khi nhóm vốn hóa lớn ít biến động, dòng tiền tập trung vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành, khi giới đầu tư chờ đợi các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý III/2023.

Các nhóm ngành được nhà đầu tư quan tâm là cao su, khu công nghiệp, bất động sản, dầu khí… Nhưng với chiều hướng dòng tiền luân chuyển nhanh qua từng nhóm ngành, thì chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, bán lẻ dự kiến sẽ gia tăng sự chú ý trong thời gian tới, khi tâm lý thị trường trở nên ổn định hơn.

Lưu ý, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1.700 tỷ đồng, trong khi các nhà đầu tư cá nhân trong nước liên tục mua ròng. Sự gia tăng khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư cá nhân thường mang hơi hướng giao dịch lướt sóng ngắn hạn, do đó gia tăng sự khó lường của diễn biến thị trường trong giai đoạn chờ đợi mùa báo cáo quý III.

Ngành thép: Kỳ vọng trong dài hạn

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng bán hàng và cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp thép thành viên trong quý III/2023 tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 9% so với mức tiêu thụ 6 triệu tấn của quý II.

Sở dĩ sản lượng bán hàng giảm là do nhu cầu thép nội địa chưa phục hồi, vì thị trường bất động sản và xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và thanh khoản.

Việc giá thép có diễn biến giảm trong nhiều tháng khiến các nhà thầu xây dựng giảm hoạt động, chờ đợi giá thép ổn định trở lại.

Cũng theo thống kê của VSA, lợi nhuận ròng toàn ngành thép trong quý III/2023 đạt 1.800 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Gần một nửa trong số 24 doanh nghiệp thép thành viên vẫn báo lỗ trong quý vừa qua.

Kafi cho rằng, ngành bất động sản cần nhiều thời gian hơn để ổn định về mặt dòng tiền, thanh khoản, cũng như dành nguồn lực để các doanh nghiệp cơ cấu lại tài chính. Tuy nhiên, ngành thép đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực từ hoạt động xuất khẩu và diễn biến giá thép thế giới.

Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thép của Việt Nam tăng 52,6% so với cùng kỳ. Năm ngoái, ngành thép thế giới chưa bước vào chu kỳ suy thoái, nên xuất khẩu nửa đầu năm nay tăng trưởng cho thấy các doanh nghiệp đang mở rộng thị trường để giảm phụ thuộc vào nhu cầu trong nước. Kỳ vọng, xuất khẩu thép của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm 2023, nhờ nhu cầu thép phục hồi tại Mỹ, châu Âu, châu Á.

Giá thép thế giới giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023, do lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, nhưng có khả năng sẽ ổn định trong giai đoạn cuối năm, giúp các doanh nghiệp thép Việt Nam giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào. Giá các sản phẩm thô trong ngành công nghiệp thép cũng đang có dấu hiệu ổn định khi lượng cung và cầu không có nhiều biến động.

Kafi tin rằng, giá thép và giá nguyên liệu thấp là nền tảng tốt cho các doanh nghiệp ngành thép khi đã tích trữ một lượng hàng tồn kho giá rẻ đủ lớn và sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu thép trong nước phục hồi. Các dự án đường cao tốc trọng điểm đang và sẽ được triển khai tại khu vực phía Nam giúp tăng nhu cầu về thép (sử dụng trong xây dựng cầu cạn). Đây sẽ là sự hỗ trợ tốt cho ngành thép trong khi chờ đợi ngành xây dựng phục hồi.

Tin bài liên quan