Đông Nam Á, “cứu tinh” hồi sinh ngành công nghiệp thép Trung Quốc

Đông Nam Á, “cứu tinh” hồi sinh ngành công nghiệp thép Trung Quốc

(ĐTCK) Khi chính quyền các quốc gia châu Âu và Mỹ hạn chế nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa này sang các quốc gia láng giềng tại Đông Nam Á. 1/3 lượng thép xuất khẩu từ Trung Quốc đã “cập bến” các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Philippines, nơi nền kinh tế tăng trưởng mạnh đòi hỏi phải sử dụng các nguyên vật liệu dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng nhiều hơn.

Thất bại trong kiểm soát sản lượng

Trung Quốc sản xuất một nửa sản lượng thép trên toàn cầu và chủ yếu dành cho hoạt động xuất khẩu khi năng lực sản xuất tăng trưởng quá nhanh so với nhu cầu nội địa. Lượng thép xuất khẩu từ Đại lục ra nước ngoài tăng gấp 4 lần kể từ khi khủng hoảng kinh tế năm 2008 diễn ra, đạt mức kỷ lục trong năm ngoái, trong khi giá của loại vật liệu này giảm tới 64% so với mức đỉnh vào năm 2011. Mặc dù thị trường thép đã có sự phục hồi nhẹ trở lại sau cú sốc giảm giá năm ngoái nhờ nhu cầu từ Trung Quốc hồi phục, tình trạng dư cung trên thị trường vẫn khiến hàng loạt nhà sản xuất thép phải đóng cửa ở cả 5 lục địa.

Trước tình trạng này, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp để kiểm soát sản lượng thép trong nước. Tuy nhiên, ngay sau khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm 13% sản lượng sản xuất thép nội địa vào tháng 2/2016, giá cả của loại hàng hóa này đã hồi phục trở lại từ mức thấp nhất hơn 12 năm qua. Cụ thể, giá thép đã tăng lên 471 USD/tấn từ mức 268 USD/tấn vào cuối năm ngoái. Diễn biến này ngay lập tức thúc đẩy các nhà sản xuất thép tại Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động sản xuất trở lại.

Đông Nam Á, “cứu tinh” hồi sinh ngành công nghiệp thép Trung Quốc ảnh 1

Trong 8 tháng đầu năm 2016, sản lượng thép trung bình mỗi tháng đạt 67,04 triệu tấn. Nếu sản xuất được thúc đẩy, sản lượng đầu ra ngành thép trung bình hàng tháng tại Đại lục có thể sẽ đạt mức cao nhất từ trước tới nay, vượt qua cả mức đỉnh 68,56 triệu tấn/tháng năm 2014.

“Khi một số nhà sản xuất Trung Quốc nhìn thấy lợi nhuận gia tăng trở lại, họ sẽ nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất. Hành động này khiến các nỗ lực kiềm chế sản lượng của chính quyền Trung Quốc gặp thất bại”, Xiao Fu, chiến lược gia trưởng tại Bank of China International cho biết.

Đa phần các nhà sản xuất thép của Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, từng nhận được nhiều ưu ái trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong khi khả năng cạnh tranh kém. Đây được mệnh danh là các “công ty xác sống”, gây thua lỗ cho chính quyền Đại lục trong thời gian gần đây. Do đó, thất bại trong việc giảm sản lượng ở mức mục tiêu giảm 150 triệu tấn trong 5 năm tới có thể gây nên những rắc rối mới cho ngành công nghiệp vốn đang là gánh nặng này.

Đông Nam Á trở thành cứu tinh

10 quốc gia Đông Nam Á chiếm 37% lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2016, tăng 32% so với năm trước đó và tăng 20% so với cách đây 5 năm, theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc. Đông Nam Á đang trở thành vị cứu tinh, đồng thời là động lực thúc đẩy tăng trưởng lớn nhất đối với xuất khẩu thép của Trung Quốc. Lượng thép xuất khẩu sang Đông Nam Á chiếm tới 2/3 lượng hàng xuất khẩu tăng trong năm ngoái và chiếm hầu hết trong năm nay.

Bên cạnh đó, thực tế, ngay cả trước khi các hàng rào thuế quan được áp đặt để kiềm chế lượng sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ và châu Âu, các quốc gia phương Tây không phải là khách hàng chính đối với thép Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2016, chưa tới 1% lượng thép từ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, mức thấp nhất trong 5 năm qua và chưa tới 6% lượng thép Trung Quốc tới châu Âu, theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc.

Hoạt động xuất khẩu tới thị trường phương Tây giảm mạnh bởi doanh số bán hàng cho các quốc gia châu Á tăng vọt, khi Chính phủ Trung Quốc tìm kiếm được một miếng vá khác để lắp vào chỗ trống hiện tại. Trong 5 năm qua, Đông Nam Á chính là nơi có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất đối với thép từ Trung Quốc.

“Mặc dù đã có nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với thép xuất khẩu từ Trung Quốc, nhưng mới chỉ gây tác động nhỏ tới một số nhà sản xuất, không đủ sức làm trật bánh guồng quay xuất khẩu thép ra nước ngoài của các nhà sản xuất Đại lục”, Daniel Hynes, chiến lược gia trưởng tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd cho biết.

Hiện tại, nguồn cung hàng giá rẻ từ Trung Quốc mang lại lợi ích lớn cho người mua tại Đông Nam Á, nơi việc chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ còn tăng mạnh cho tới hết thập kỷ này. Theo khảo sát các nhà kinh tế học của Bloomberg, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng trên 6% trong năm nay, trong khi Philippines tăng trưởng 6,4%, Indonesia là 5%.

Trung Quốc đang tìm kiếm một vai trò lớn hơn đối với sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia láng giềng với  sáng kiến mang tên “Một vành đai, một con đường”, nhằm thiết lập những mối liên kết kinh tế mới. Chính quyền quốc gia này cũng đang đổ tiền vào các dự án trong khu vực thông qua Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tới nhiều thị trường trên toàn cầu hơn nữa.

Mới đây, Thủ tướng Philippine Rodrigo Duterte, trong chuyến thăm tới Bắc Kinh, đã đạt được thỏa thuận đầu tư trị giá 24 tỷ USD, bao gồm 11,2 tỷ USD liên quan tới các dự án xây dựng đường sắt, bến cảng và các dự án năng lượng.

Mối đe dọa với các nhà sản xuất thép châu Á

Việc các quốc gia Đông Nam Á gia tăng nhu cầu sử dụng thép đã phần nào giảm bớt nỗi đau của tình trạng dư cung trên thị trường, nguyên nhân chính khiến giá thép giảm mạnh vào năm ngoái. Đồng thời, nhu cầu này cũng tạo nên cơ hội mới cho ngành công nghiệp ít mang lại lợi nhuận, thậm chí gây thua lỗ cho chính quyền Đại lục. Tuy nhiên, việc gia tăng nhập khẩu đã tạo nên áp lực lớn cho các nhà sản xuất thép nhỏ tại Đông Nam Á, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh trong dài hạn cho các nhà sản xuất thép chất lượng cao tại Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi thép từ Trung Quốc ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế tại khu vực châu Á.

“Nhập khẩu sắt thép đang tăng vọt. Chúng tôi cảm thấy rất lo lắng bởi diễn biến nay gây bất lợi cho các nhà sản xuất thép trong khu vực”, Tan Ah Yong, Tổng thư ký Hiệp hội Sắt và thép châu Á, có trụ sở tại Malaysia cho biết.

Hiện tại, các dấu hiệu cho thấy sắt thép giá rẻ từ Trung Quốc gây tổn hại tới ngành công nghiệp thép Đông Nam ngày càng thể hiện rõ ràng. Trong khi nhu cầu tại 6 nền kinh tế sử dụng thép nhiều nhất tại Đông Nam Á tăng 23% từ năm 2011 tới năm 2015, lên mức 69 triệu tấn năm 2015, các nhà sản xuất trong khu vực lại không hề có sự tăng trưởng, theo số liệu từ Hiệp hội Sắt và thép châu Á. Thậm chí, nhiều nhà sản xuất tại các quốc gia Đông Nam Á phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động đầu tư sản xuất – kinh doanh, ông Tan cho biết.

Công cuộc cải tổ ngành công nghiệp thép tại Trung Quốc có thể tạo nên những nguy cơ trong dài hạn đối với các nhà sản xuất tại châu Á, không chỉ bởi nguồn cung thép giá rẻ từ Trung Quốc gây biến động trên thị trường mà còn bởi các nhà sản xuất Đại lục đang định hình lại để tấn công vào phân khúc sản phẩm thép cao cấp.

Baosteel Group Corp và Wuhan Iron & Steel Group Corp, 2 công ty thuộc sở hữu nhà nước vừa sáp nhập theo chiến lược cải tổ ngành thép của Trung Quốc, đang xây dựng hai khu nhà máy khổng lồ tại phía Nam quốc gia này, với năng lực sản xuất gần 10 triệu tấn mỗi năm. Với mục tiêu sản xuất ra sản phẩm thép chất lượng cao, chi phí thấp, các nhà máy này được thiết kế để phục vụ nhu cầu nội địa, cũng như của các nước láng giềng tại châu Á, Laura Zhai, chuyên gia phân tích tại Fitch Ratings Inc cho biết.

Chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm và công nghệ của các nhà sản xuất thép Trung Quốc đang tạo nên mối đe dọa tới các công ty lớn trong khu vực, bao gồm Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp và JFE Holdings Inc, 2 nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản, hay Posco của Hàn Quốc.

Tin bài liên quan