Tổng thống Trump: Các quốc gia sẽ đối mặt với mức thuế quan đối ứng từ 15-50%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (23/7), Tổng thống Donald Trump cho biết mức thuế quan đối ứng của Mỹ với các đối tác thương mại của Mỹ sẽ dao động từ 15-50%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ cho biết sẽ không giảm thuế xuống dưới 15% khi hạn chót công bố các mức thuế quan đối ứng sẽ tới hạn vào ngày 1/8, một dấu hiệu cho thấy ngưỡng sàn cho việc tăng thuế đang được nâng lên.

"Chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế quan đơn giản, thẳng thắn ở mức từ 15-50%... Chúng tôi có mức thuế 50% vì chúng tôi chưa có mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia đó”, Tổng thống Trump phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh AI ở Washington.

Bình luận của ông Trump về mức thuế sẽ bắt đầu ở mức 15% là động thái mới nhất trong nỗ lực áp thuế đối với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ, đồng thời là dấu hiệu mới nhất cho thấy Tổng thống Trump đang tìm cách áp thuế mạnh tay hơn đối với hàng xuất khẩu từ các quốc gia nằm ngoài nhóm nhỏ mà cho đến nay vẫn có thể làm trung gian cho các khuôn khổ thương mại với Mỹ.

Đầu tháng này, Tổng thống Trump cho biết hơn 150 quốc gia sẽ nhận được một lá thư bao gồm mức thuế suất "có thể là 10% hoặc 15%, chúng tôi vẫn chưa quyết định". Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết vào cuối tuần qua rằng, các quốc gia nhỏ bao gồm "các nước Mỹ Latinh, các nước Caribe, nhiều quốc gia ở châu Phi" sẽ có mức thuế cơ sở là 10%. Trong lần công bố đầu tiên về mức thuế vào tháng 4, Tổng thống Trump cũng đã công bố mức thuế cơ sở là 10% đối với hầu hết mọi quốc gia khu vực này.

Hôm 22/7, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ giảm mức thuế 25% mà Mỹ dọa áp lên Nhật Bản xuống còn 15% để đổi lấy việc nước này dỡ bỏ các hạn chế đối với một số sản phẩm của Mỹ, đồng thời đề nghị một gói đầu tư trị giá 550 tỷ USD.

Theo những người quen thuộc với vấn đề này, Nhà Trắng cũng đã thảo luận về một gói đầu tư tương tự với Hàn Quốc, khi nước này cũng đang tập trung vào việc đạt mức thuế suất 15%, bao gồm cả ô tô.

Các quốc gia khác, bao gồm Ấn Độ và các thành viên Liên minh châu Âu vẫn đang thúc đẩy các thỏa thuận trước khi mức thuế suất cao hơn có hiệu lực.

Trong khi đó, nhiều báo cáo cho biết rằng Mỹ và Liên minh châu Âu đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại và thuế quan, ngay cả khi EU đang chuẩn bị một gói trả đũa có thể áp dụng đối với hàng hóa trị giá hơn 100 tỷ USD của Mỹ.

Tờ Financial Times đưa tin rằng, thỏa thuận này sẽ giảm thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ EU xuống còn 15%, thay vì mức 30% mà Tổng thống Trump đã dọa áp thuế từ ngày 1/8. Bloomberg đưa tin mức thuế quan 15% sẽ áp dụng cho "hầu hết các sản phẩm".

Trước đó, Tổng thống Trump cũng cho biết, Mỹ đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Philippines, theo đó hàng nhập khẩu của Philippines sẽ phải chịu mức thuế 19%. Ngoài ra, hàng xuất khẩu của Mỹ sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu tại Philippines như một phần của thỏa thuận. Theo các nguồn tin, Philippines đang đặt mục tiêu giảm mức thuế quan xuống 15% từ mức 19% hiện tại.

Nhà Trắng cũng tiết lộ chi tiết mới về một thỏa thuận thương mại đã được xác nhận với Indonesia. Tờ Yahoo Finance đưa tin rằng, mức thuế 19% sẽ được áp dụng cho hàng hóa Indonesia, cũng như mức thuế 40% đối với hàng hóa trung chuyển. Các quan chức Nhà Trắng cho biết sẽ không áp dụng thuế đối với 99% hàng nhập khẩu của Mỹ.

Những diễn biến của thỏa thuận diễn ra trong bối cảnh triển vọng về các thoả thuận lớn hơn với Ấn Độ và Canada vẫn còn bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent mới đây cho biết, ông dự kiến nhiều thỏa thuận sẽ được hình thành trong vài ngày tới.

Tin bài liên quan