Đồng Tháp duy trì đà phát triển kinh tế - xã hội

0:00 / 0:00
0:00

Năm 2020, vượt qua nhiều thách thức do tác động của Covid-19, Đồng Tháp dự kiến đạt mức tăng trưởng đứng thứ 3 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quy mô nền kinh tế tiếp tục mở rộng.

Năm 2021, Đồng Tháp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao. Trong ảnh: Một góc TP. Cao Lãnh - thủ phủ vùng đất Sen hồng.

Năm 2021, Đồng Tháp triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao. Trong ảnh: Một góc TP. Cao Lãnh - thủ phủ vùng đất Sen hồng.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm nay và định hướng phát triển năm 2021.

Vượt qua những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của Covid-19, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp trong năm 2020 đạt được kết quả ra sao, thưa ông?

Năm 2020, Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch bệnh, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phấn đấu thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Chỉ tiêu tăng trưởng năm nay mặc dù chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng dự kiến Đồng Tháp vẫn giữ vị trí thứ 3 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được mở rộng, ước năm 2020 đạt trên 87.000 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2015.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Về sản xuất nông nghiệp, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh”, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người nông dân, doanh nghiệp và các ngành, các cấp từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp đã phát huy lợi thế sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết với các hệ thống phân phối lớn trong nước để tiêu thụ nông sản, giúp khu vực kinh tế nông, lâm, thủy sản duy trì mức tăng trưởng vừa phải (tăng 2,12%).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp vẫn duy trì trong điều kiện khó khăn nhờ nguồn nguyên liệu tại chỗ (lúa và cá tra). Ngành chế biến thủy sản và chế biến thức ăn chăn nuôi tăng trưởng khá, duy trì vị thế và đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp (6,75%). Hầu hết sản phẩm công nghiệp đều tăng nhẹ so với năm 2019.

Năm nay, Đồng Tháp triển khai nhiều chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung cầu với các tỉnh, thành phố lớn, phối hợp tổ chức Tuần hàng đặc sản Đồng Tháp trên sàn thương mại điện tử Tiki; hình thành các trung tâm giới thiệu, phân phối đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội, TP.HCM; tạo dựng mối quan hệ gắn kết với các nhà phân phối hiện đại, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, kết nối tiêu thụ, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.

Hoạt động xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vẫn đạt kết quả tương đương năm 2019, khoảng 1,18 tỷ USD (không tính xăng dầu tạm nhập, tái xuất).

Thưa ông, công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp trong năm nay chắc hẳn cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại do tác động của Covid-19. Trong bối cảnh đó, tỉnh đã thúc đẩy đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp như thế nào?

Trong 9 tháng của 2020, toàn tỉnh Đồng Tháp có 451 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 59 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2019, nhưng lại giảm về quy mô vốn. Covid-19 kéo dài từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống, sản xuất, kinh doanh, vì vậy, các doanh nghiệp thành lập mới có quy mô nhỏ, chưa mạnh dạn đầu tư lớn cũng là điều dễ hiểu.

Điểm sáng nổi bật trong công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh là kết nối hiệu quả với các nhà đầu tư lớn. Trong đó, Tập đoàn TH mong muốn hợp tác đầu tư lĩnh vực nông nghiệp; Tập đoàn T&T ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược thuộc các lĩnh vực đầu tư bất động sản, đô thị, tài chính, năng lượng, nông nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ và logistics; Tập đoàn Novaland khảo sát đầu tư Dự án Khu đô thị thông minh Blue Dragon, Khu làng nghề du lịch Bùi Thanh Thủy tại huyện Hồng Ngự...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 15 dự án, với tổng vốn trên 840 tỷ đồng, trong đó, có 2 dự án FDI với số vốn 415 tỷ đồng.

Đây là kết quả quan trọng trong nỗ lực xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năng động, ổn định. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn lạc quan, tin tưởng vào khả năng phục hồi kinh tế trong thời gian tới.

Đồng Tháp xác định, doanh nghiệp là trọng tâm, là then chốt, đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế. Chính vì vậy, phát triển doanh nghiệp là một trong 5 đột phá chiến lược phát triển của tỉnh Đồng Tháp trong giai đoạn 2020 - 2025. Tỉnh luôn quan tâm, khuyến khích hình thành đội ngũ doanh nhân mới, thậm chí hình thành các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ để tạo nền tảng phát triển lớn hơn.

Song song đó, Đồng Tháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19, để phục hồi kinh tế.

Một trong những trở ngại lớn đối với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long là kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, thiếu nguồn lực đầu tư. Đồng Tháp sẽ thực hiện những giải pháp gì để huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, thưa ông?

Trong điều kiện nguồn lực của địa phương còn hạn chế, việc thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp, vốn tài trợ từ dự án hợp tác quốc tế được tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm.

Năm 2021, nhu cầu vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh khoảng 23.500 tỷ đồng, chiếm 25,3% GRDP, trong đó, vốn đầu công dự kiến khoảng 5.181 tỷ đồng.

Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao, môi trường là một trong những giải pháp huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, ưu tiên triển khai các trục giao thông chính, kết nối; hỗ trợ các huyện hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn theo hướng đạt chuẩn nông thôn mới; đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, du lịch; các chương trình, nội dung liên kết với tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang theo Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười...

Năm 2021 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà tăng trưởng cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2021 của tỉnh Đồng Tháp sẽ đặt trọng tâm vào những vấn đề gì, thưa ông?

Trên cơ sở dự báo tình hình với những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức, năm 2021, tỉnh Đồng Tháp đề ra mục tiêu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ trọng tâm đạt kết quả cao nhất.

Trong đó, tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, làm động lực phát triển bền vững.

Đồng thời, chú trọng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là tuyến biên giới quốc gia trên địa bàn.

Năm 2020, giá trị sản xuất khu vực nông - lâm - thủy sản của tỉnh Đồng Tháp ước đạt 43.939 tỷ đồng, tăng 4,41% so với năm 2019; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 66.957 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 8,17% so với năm 2019; thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 101.600 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2019.

Năm 2021, Đồng Tháp phấn đấu tăng trưởng kinh tế 7%, trong đó: khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,7%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,2% (công nghiệp tăng 9%; xây dựng tăng 10,2%); thương mại - dịch vụ tăng 8,5%.

Tin bài liên quan